Anh Cao Dy, 39 tuổi, ở xã Khánh Phú, H.Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), là người có thể chơi được hầu hết các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai. Không những thế, Cao Dy luôn tận dụng từng cơ hội để bảo tồn, quảng bá các loại nhạc cụ của dân tộc mình đến du khách trong nước và quốc tế.
Cao Dy sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại rất mê nhạc cụ dân tộc. Từ nhỏ anh đã được sống trong không gian của mã la, đàn chapi, sáo đinh tút (sáo gọi bạn), sáo tacung (sáo tỏ tình)… Cao Dy kể: “Mỗi lần nghe tiếng sáo, tiếng mã la vang lên, trong lồng ngực mình lại rộn ràng. Biết mình có niềm đam mê với nhạc cụ truyền thống, cha ông mình đã cho mình chơi thử các loại sáo, khèn”. Ai cũng bất ngờ khi Cao Dy chỉ cần được hướng dẫn sơ qua là có thể chơi được các loại nhạc cụ đó. Cao Dy cho biết người Raglai có khoảng chục loại nhạc cụ được sử dụng nhiều trong đời sống văn hóa. Hiện nay, anh có thể chơi được hầu hết các loại nhạc cụ truyền thống, từ các loại sáo, kèn, trống cho đến mã la, đàn đá...
Cao Dy nhớ năm 1998, khi anh được cử tham gia một hội thi văn hóa dân tộc, tổ chức ở Thanh Hóa. Sau khi hoàn thành phần thi bằng khèn saraken, Cao Dy về phòng và lên cơn sốt, chảy máu tai. Lúc Cao Dy còn đang nằm ở bệnh viện, các bạn vào thăm và báo tin anh đạt huy chương đồng. Thành quả đầu đời ấy như liều thuốc, khuyến khích chàng trai này quyết tâm gắn trọn đời mình với các loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai.
Cao Dy hiện là đội trưởng đội văn nghệ truyền thống của Khu du lịch Yangbay (H.Khánh Vĩnh). Hằng ngày anh cùng đội biểu diễn cho du khách đến tham quan thưởng thức những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. “Mình vào làm tại đây vì công việc đúng với sở thích của mình, nhưng quan trọng hơn, đây là cơ hội để mình giới thiệu nhạc cụ truyền thống Raglai đến với đông đảo du khách”, Cao Dy nói.
Khách đến Khu du lịch Yangbay có thể nhận ra anh chàng Cao Dy trong vai trò một nghệ sĩ kiêm người dẫn chương trình cho các tiết mục văn nghệ tại đây. Đội văn nghệ của Cao Dy giới thiệu đến du khách những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, rồi níu chân du khách bằng các loại nhạc cụ truyền thống của người Raglai.
Cao Dy cho biết điểm đặc biệt nhất trong chương trình văn nghệ là màn biểu diễn đàn đá. Sau khi sử dụng đàn đá để chơi các giai điệu truyền thống của người Raglai, đội văn nghệ sử dụng đàn đá chơi các giai điệu nước ngoài quen thuộc như Kachiusa, Giáng sinh, Chúc mừng sinh nhật, Chúc mừng năm mới…. Sự kết hợp này sẽ tạo ấn tượng hơn với du khách nước ngoài, khiến họ sẽ nhớ hơn đến nhạc cụ dân tộc, hiểu thêm nét đẹp văn hóa của đồng bào Raglai. Sau các tiết mục văn nghệ, Cao Dy thường mời du khách lên giao lưu, hướng dẫn du khách thử chơi nhạc cụ. Cuối cùng, những du khách tham gia giao lưu thường được nhận phần quà là cây sáo gọi bạn hoặc sáo tỏ tình, do Cao Dy tự làm.
Cao Dy cho biết ngày càng ít người chế tác và chơi được các loại nhạc cụ truyền thống. Vì thế, nếu ai đam mê nhạc cụ Raglai, anh sẵn lòng truyền dạy, với mong muốn gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc mình.
Theo TNO