Văn nghệ trong nước
Vén màn bí mật về con đường gốm sứ trên biển Đông
09:02 | 15/05/2009
Vào Hội An, dẫn tôi đi thăm bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh là một người bạn lớn tuổi, anh am hiểu về lịch sử và văn hoá. Anh chỉ cho tôi những thứ, còn sót lại của văn hoá Sa Huỳnh. Nó được giới khảo cổ tìm thấy ở lòng biển, trong lòng đất, trong những con tàu bị đắm hàng thế kỷ trước đây.
Vén màn bí mật về con đường gốm sứ trên biển Đông
Hình ảnh thường thấy trong đời sống và thơ văn: Con cò đi kiếm thức ăn.

Nó là những đồ vật có chất liệu bằng gốm, có hoa văn rất tinh xảo, đẹp... Chính bởi vậy mà các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học đã đưa ra giả thuyết: Phải chăng trên biển Đông của Việt Nam, hàng nghìn năm về trước, tồn tại một con đường mà các thương gia nước ngoài chuyên chở đồ gốm sứ đi năm châu, bốn biển... Bây giờ nó là cổ vật. Nó nói lên rất nhiều điều và đặt ra rất nhiều giả thuyết cho người đương thời. Cù Lao Chàm, Cửa Đại, TP. Hội An, từ vùng biển Quảng đến Bình Thuận... Đó là những nơi để lại dấu tích của con đường gốm sứ để chúng ta cùng tìm hiểu về nó.

Thông điệp của quá khứ

Đến Hội An, ra Cửa Đại, đứng ngắm Cù Lao Chàm mờ ảo trong buổi sáng mưa, đầy sương mù... Mọi thứ cứ ngỡ như con đường gốm sứ trước mặt. Nó là bức tranh thuỷ mặc, chấm phá vào đó là những chiếc thuyền đang từ sông qua cửa Đại ra biển lớn. Tôi không phải là người dân vùng biển nên không hiểu được cảm giác của người đi biển sẽ như thế nào trước cảnh tượng đó. Với tôi, đó là quá khứ để làm nên văn hoá của vùng đất này. Còn các nhà khảo cổ thì cho rằng, con tàu bị đắm ở vùng biển này đều có những dấu hiệu liên quan trực tiếp đến việc buôn bán, trao đổi hoặc chí ít là quá cảnh mặt hàng gốm sứ có xuất xứ từ Trung Quốc đến Việt Nam rồi sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á, sang Nhật hoặc chuyển tiếp đến các nước Châu Âu, có thể qua cả Ấn Độ nữa. Ông Huỳnh Công Duy - thuyền trưởng con tàu BTh 4591 và nhóm ngư dân ở xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đang đánh cá tại một vùng biển gần đảo Phú Quý đã phát hiện xác một con tàu đắm có chứa nhiều cổ vật bằng gốm sứ. Họ đã lặn xuống và lấy được hơn 100 mẫu vật. Sau đó, các cơ quan hữu quan đã thu giữ được hơn 800 mẫu vật và triển khai các biện pháp bảo vệ hiện trường con tàu đắm. Các mẫu vật đều có niên đại cách chúng ta rất lâu và thế là một cuộc khai quật con tàu đắm ở lòng biển quy mô nhất với trang bị khép kín nhất đã diễn ra. Từ đây, chúng ta phát hiện ra rất nhiều thông điệp của quá khứ gửi lại.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, chuyên gia gốm sứ Việt Nam, thành viên Hội đồng giám định cổ vật thì: Số cổ vật trục vớt từ con tàu đắm ở Bình Thuận từ dòng gốm Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến và Sơn Đầu, tỉnh Quảng Đông -Trung Quốc sản xuất từ nửa đầu thế kỷ 17 đời Vạn Lịch, nhà Minh (1573-1620). Cổ vật gốm Chương Châu và Sơn Đầu được tìm thấy ở con tàu vùng biển Bình Thuận là thứ tư. Trước đó, tại các vùng biển trên thế giới đã phát hiện, khai quật ba con tàu đắm chở cổ vật Chương Châu. Các nhà nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước hiện vẫn đang tranh luận, vì sao các con tàu chở cổ vật đều bị chìm ở vùng biển miền Trung Việt mà không phải ở các vùng biển khác của Việt . Đã vậy, nó lại tập trung ở xung quanh khu vực Cù Lao Chàm. Nếu bạn đứng từ trên cao của Cửa Đại (TP. Hội An) thì Cù Lao Chàm thấp thoáng như những dải lụa nhỏ lượn nhanh trên biển. Nó đẹp nhưng đầy những bí ẩn để cho người bình thường lẫn các nhà khoa học khai thác.

Giải mã những hoạt cảnh "nóng" trên cổ vật

Vùng biển Bình Thuận đã 5 lần chứng kiến và trục vớt cổ vật từ các con tàu đắm dưới biển sâu 40-50m. Cả 5 lần này đều phát hiện cổ vật là hàng gốm sứ. Ngoài một số đồ đồng như la bàn, đồ dùng của thủy thủ đoàn được trục vớt trong con tàu đắm ở Bình Thuận thì là hàng gốm sứ, có hình dáng và chất đất giống như gốm sứ do một số lò gốm ở miền Trung Việt sản xuất. Phải chăng thời đó, người Việt cổ cũng đã xuất khẩu mặt hàng này thông qua các tàu buôn của Trung Quốc sang nhiều nước trong khu vực? Giả thuyết này có lý nhưng vẫn phải chờ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học lịch sử. Các nhà khoa học lịch sử của các nước trong vùng Đông Nam Á đưa ra tư liệu: Các con tàu đắm từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI ở vùng biển Philippines, Indonexia, vịnh Thái Lan và rải rác khắp biển Nam Trung Hoa là bằng chứng của một nền thương mại và sản xuất sôi động trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Bản đồ về con đường gốm sứ ngang qua vùng biển Đông có một điểm dừng vào một cảng miền Trung Việt .

Những minh chứng lịch sử, khảo cổ học về một con đường gốm sứ trên biển Đông đã dần được sáng tỏ. Cổ vật có những bức tranh rất đẹp, diễn tả lại trung thực nhất văn hoá, nếp nghĩ và phong cách sinh hoạt của người Việt thời đó. Đó là những hoạt cảnh "nóng" như cô gái tắm tiên bên chum nước; rồi thì đám cưới trên thuyền; đến cảnh sinh hoạt rất đời thường như cô gái chèo thuyền trên sông và những cảnh có vẻ bi tráng như tráng sỹ cưỡi ngựa ra trận; cảnh mô tả con cò đi tìm kiếm thức ăn, bắt được con tôm... Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến nói rằng, trên những cổ vật gốm sứ trục vớt được ở những con tàu đắm, có hoạt cảnh "nóng". Việc này rất bình thường. Cách đây ít lâu, người ta đã nhắc đến chuyện "Sex ở Việt thời nhà Hồ - nhà Mạc".

Người ta đưa ra bằng chứng là hình vẽ trên một đĩa gốm có nguồn gốc Việt từ thế kỷ XV, thể hiện khá thô vụng một hoạt cảnh đôi trai gái đang làm tình và một người khác đứng ngó. Rồi những hình cô gái tắm tiên bên chum nước; cô gái, chàng trai cùng ngồi thuyền đi trên sông nước rất lãng mạn.... Mặc dù giá trị thẩm mỹ của những hình họa này không lớn nhưng có một điều chắc chắn nó không nhằm phục vụ cho một nhu cầu ăn chơi, hưởng lạc thời cổ; cũng chẳng mang dấu ấn của một tôn giáo hay tín ngưỡng "phồn thực" nào. Nó có vẻ giống như một hoạt cảnh hí lộng được người thợ trang trí gốm vẽ ra trong lúc cao hứng vậy thôi. Điều đáng nói hơn cả là nó mô phỏng rất sát thực với những gì đã diễn ra trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt thời đó.

Bức tranh có cảnh tắm tiên trên chiếc ang cổ (đáy 12,5cm, cao 22,5cm) được trục vớt từ tàu đắm Cù Lao Chàm khiến các nhà nghiên cứu hết sức thú vị. Đó là một hoạt cảnh đặc sắc: một cô gái tóc dài ngồi bên chum nước. Một người đàn ông bưng quần áo đến cho cô thay, không hiểu đó là người chồng hay người hầu? Lại có một người nữa đứng nấp sau gốc cây, rõ ràng là nhòm trộm, nhưng nhìn kỹ thì giống một cô hầu tinh nghịch hơn là một bậc "tu mi nam tử" nào đó thích rình mò. Bức tranh được vẽ trên mặt gốm hoa lam, với những nét vẽ phác qua đơn giản, cho nên rất khó đoán định nội dung. Có thể nó là một minh họa cho một điển tích cụ thể nào đó nhưng cũng có thể là một bức vẽ để chơi, để thoả cái hứng của người thợ vẽ thủ công. Nhưng nếu là hứng thì quả thực quá là cao tay còn nếu là để chứng minh cho một điển tích thì nó lại quá trung thực. Nó cần được coi là di sản của hội hoạ. Bởi đó là những tác phẩm hội họa thực sự, có cá tính, có tâm hồn của người vẽ chứ không chỉ đơn thuần là những hình trang trí. Đó là hình ảnh cô gái tóc dài, quần áo là lượt yểu điệu ngồi trước bình hương. Đó là một đạo sĩ râu dài, áo thụng, tay cầm kiếm làm phép. Đó là cảnh nàng tiên cưỡi con thuyền hình cánh sen bay trên trời... Đó là cảnh vịt mò tôm rất dân dã, cảnh một người cưỡi ngựa cầm kiếm nom rất Đông ki sốt... Một trong những hiện vật được đánh giá cao là một chiếc bình hoa lam lớn, vẽ hình chim, vịt đủ tư thế bao quanh. Quang cảnh sinh động và vui mắt đâu kém gì bức tranh dân gian vẽ trên giấy điệp hay giấy dó?! Nó sinh động, cá tính như thế, tại sao lại không thể nối những bức tranh gốm lạ kỳ này vào dòng chảy của lịch sử hội họa Việt ?

Con đường gốm sứ trên biển Đông hay bất kỳ con đường nào trên bộ đều được trân trọng, được gìn giữ. Có thể, nó đã đổi thay theo sự phát triển, theo lịch sử nhưng nó là minh chứng cho những gì mà người Việt chúng ta đã từng trải qua, từng đi ngang qua nó. Những dấu tích đó, dù còn, dù mất vẫn phảng phất ý nghĩ một thời...

                                                                                                                   Theo ĐS&PL

Các bài mới
Các bài đã đăng