Văn nghệ trong nước
Giao lưu văn hoá, nhưng hồn ai nấy giữ
10:46 | 15/05/2009
Truyền thống là một khái niệm mở, trong quá trình giao lưu với bên ngoài, nghệ thuật của người Việt đã cộng thêm được nhiều yếu tố hay cho mình và chắc là cả ngược lại nữa
Giao lưu văn hoá, nhưng hồn ai nấy giữ
Đầu chim phượng thời Trần hoàn toàn không có vết tích Chăm

Việt Nam ở giữa hai nền văn hoá lớn Trung Hoa và Ấn Độ, nhưng nếu ảnh hưởng Trung Hoa là trực tiếp thì ảnh hưởng từ Ấn Độ phần lớn là gián tiếp qua nhánh Chàm. Có nhiều lý do để giải thích điều này nhưng lý do chính là địa lý. Gần gũi quá đâm ra cũng nhiều duyên nợ. Trung Quốc thì vừa lớn vừa gần. Ấn Độ lớn (văn minh Ấn Độ là một nửa văn minh Á Đông còn gì) nhưng xa cho nên Việt bắt vào cái nhánh Chàm cũng là dễ hiểu. Giao lưu văn hoá Việt – Trung có gì đó đã đành vì Trung Hoa là một nước lớn, nhưng với Chàm là một nước nhỏ, yếu hơn Việt về quân sự, cho nên Việt “học” Chàm là một sự dũng cảm và có nhiều việc để nghiên cứu. Cũng như sau này Pháp đến đây mang nhiều thứ hay nhưng cũng trao đổi được với văn hóa Việt nhiều thứ hay không kém.

Người ta bảo, vụ lúa chiêm (tháng 5) là người Việt học của người Chàm chứ trước đó người Việt chỉ cấy mỗi năm một vụ mùa (tháng 10) thôi. Thế rồi thơ lục bát, âm nhạc trong đó có quan họ cũng nghi là gốc Chàm. Giao lưu ảnh hưởng giữa các nền văn minh là tất yếu. Biết ảnh hưởng, biết học là biết biến cái hay của người khác thành của mình cũng là hay.

Chèo cổ của Việt có tứ chiếng (bốn vùng), mỗi chiếng tài hoa ở một khía cạnh. Ví dụ: hề thì Sơn Nam Hạ, vũ đạo thì Chiếng Đoài. Vừa rồi nhân một chuyến đi, tôi để ý thấy vùng Sấu Giá (trước đây thuộc xứ Đoài) có rất nhiều yếu tố Chàm, vùng này không thấy bóng một cây tre nào, toàn dừa thôi. Rượu ở đây cũng ngon và nặng nổi tiếng. Tôi cứ tự liên hệ với xứ dừa Bình Định và rượu Bàu Đá. Một số sử liệu cho thấy vùng này, thời Trần là nơi ở của người Chăm (tù binh hoặc con tin gì đó). Thế mà múa Chăm hay quá cho nên các đào kép chèo học được thêm kỹ thuật vũ đạo Chăm nên Chiếng Đoài nổi hơn các chiếng khác về múa cũng có thể do vậy.

Cũng lại nhân đi đến Sấu Giá, tôi vào thăm đình Quán Giá (xã Yên Sở, Hoài Đức, Hà Nội). Trong lịch sử mỹ thuật Việt thì những tác phẩm phù điêu đất nung ở đình Quán Giá là rất tiêu biểu. Nghệ thuật Đông Sơn cho đến thời Lý thì chất liệu đất nung không có hoặc không phát triển. Từ thời Trần thì đất nung rất phát triển. Có thể dẫn ra các tác phẩm như đầu rồng, đầu phượng, lá đề, linh điểu (Garuda), hình đầu người mình chim đánh trống (Kinnari) v.v... Ở đây chắc là có sự giao lưu với Chăm bởi vì người Chăm quá giỏi ở chất liệu đất nung và đá.

Giao lưu văn hoá là một quá trình cho nhận. Qua những sản phẩm gốm Chăm (từ thế kỷ 13 – 15) thì thấy chủ nhân của các lò gốm Chăm, tác giả của các tác phẩm gốm Chăm là người Chăm nhưng kỹ thuật thì người Chăm học nhiều của người Tống hoặc người Việt (ngay cả gốm Việt thời Lý cũng ảnh hưởng gốm Tống). Từ bàn xoay, vê con trạch, con kê, ve lòng, cách thức nung bằng củi trong lò bầu để bảo đảm được đất nào, men nào lửa đó bởi vì nhiệt cho đất nung (gốm không men) chỉ cần 600 – 7000C nhưng gốm có men thì phải đạt được trên 1.0000C. Đó là kỹ thuật, còn về mặt nghệ thuật thì rõ ràng so với điêu khắc đá và đất nung, gốm Chăm không mạnh bằng.

Cho nên thật dễ hiểu khi có nhiều dấu Chăm trong nghệ thuật Việt nhưng riêng gốm Việt thời Trần (thế kỷ 13) thì hoàn toàn không có vết tích của Chăm, nhất là dòng gốm hoa nâu. Thêm một điều nữa, rất rõ ràng nhận thấy người Chăm có thiên bẩm về điêu khắc, tượng tròn, phù điêu, kiến trúc tháp (suy cho đến cùng cũng là điêu khắc). Khả năng hội hoạ của người Chăm không bằng điêu khắc. Gốm Chăm ít trang trí bằng hình vẽ, nếu có thì cũng không phải là vẽ bằng bút trên sản phẩm mà các hình vẽ được thể hiện bằng khắc vạch, in đắp nổi (khi đất còn ẩm) hoặc để trơn. Không mạnh thì không gây được ảnh hưởng sang người khác. Gốm Trần, chủ yếu là hoa nâu lại mạnh nhất, đẹp nhất, riêng biệt nhất ở hình vẽ bằng men nâu trên sản phẩm (hình người, chim, cá, sen, cúc).

Phong cách chính là linh hồn, là tình cảm, là gen, là bản sắc. Những gì người Chăm và Việt học của nhau và học của người khác thì cũng chỉ là học phương tiện thôi. Dứt khoát phần hồn cốt của ai thì vẫn là người đó.

                                                                                                                    Theo SGTT

Các bài mới
Các bài đã đăng