Văn nghệ trong nước
Biết đâu tây học sân khấu ta mà ta không biết!
09:00 | 19/05/2009
"Sân khấu ta thiếu những vở mà khán giả đến xem ra về bỗng thấy mình giàu lên. Cứ làm những vở hàng chợ tầm tầm mãi thì còn lâu sân khấu của chúng ta mới phát triển" - NSƯT Trần Minh Ngọc.
Biết đâu tây học sân khấu ta mà ta không biết!
NSƯT Trần Minh Ngọc. Ảnh: V.T

Những chuyến lưu diễn của một số đoàn kịch nước ngoài thời gian gần đây tại Việt Nam (TNT - Anh, Engeki Ensemble - Nhật), ngoài mục đích giao lưu, góp một chút hương hoa cho đời sống văn hóa, hình ảnh của họ còn được xem là một cuộc soi chiếu để ta nhìn vào sân khấu nước nhà, xem nền sân khấu ấy đang ở đâu, làm gì và sẽ đi đâu.

Nhìn từ sân khấu thế giới, đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, trăn trở khi thấy hình ảnh ngổn ngang của sân khấu nước nhà.

Nhiều người cứ tự ti với sân khấu của ta

Thưa ông, chúng ta mải loay hoay tranh cãi nhau với bao vấn đề, trong khi sân khấu thế giới đang đi tới đâu, làm gì, liệu người làm nghề nắm được bao nhiêu, ngoài thông tin ít ỏi qua những chuyến du diễn của nghệ sĩ bạn trên các nhà hát của chúng ta gần đây?

- Thông tin sân khấu thế giới không nhiều như các lĩnh vực khác, thỉnh thoảng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhưng vẫn không đủ để phục vụ cho công việc làm nghề. Những cuộc lưu diễn như thế rất cần thiết cho những người làm sân khấu nước nhà.

Việc tranh luận thì đời sống sân khấu nước nào cũng có. Chẳng hạn do chúng ta mới làm sân khấu thương mại nên có quan niệm chưa đúng về nó, chưa hiểu hết phải làm như thế nào. Vở diễn là một loại hàng hóa đặc biệt, phải chất lượng thì mới bán được, trong khi ta cứ hiểu hàng thương mại là đồ giả, dỏm. Chúng ta đang chạy theo một bộ phận khán giả thị hiếu thấp nên một bộ phận sân khấu bị nhiễu. Nhưng chúng ta cũng có những khán giả đang tìm về những tác phẩm hay, nên hãy tự trách mình trước khi trách người, là do những người làm nghề chưa đưa ra được sản phẩm tốt.

"Sân khấu chỉ có tấm màn, bục gỗ mà đoàn TNT mang đến Việt Nam cũng chính là hình ảnh sân khấu dân gian tuồng, chèo đơn giản với rạp diễn giữa bãi chợ ở ta. Họ đâu có mang sang cái gì ghê gớm. Đó là bài học rằng vì sao mình có những tác phẩm dân gian hay mà không nghĩ việc làm như thế, cứ nghĩ tới những cái hoành tráng cho thêm phần khó khăn.

Một diễn viên đóng nhiều vai như nghệ sĩ đoàn TNT thì ta chưa làm được vì thiếu diễn viên có khả năng. Nhưng phương thức lưu diễn đơn giản kiểu đó mà vẫn bảo đảm chất lượng nghệ thuật thì tôi nghĩ nhiều sân khấu Việt Nam làm được" - NSƯT Trần Minh Ngọc.

Chúng ta cứ nghĩ sân khấu thế giới đã đi rất xa, nên phải làm hoành tráng, nhiều trò diễn mới theo kịp, trong khi họ chẳng đi đâu xa vời cả, như những gì mà các đoàn kịch TNT, Engeki Ensemble đã làm trên sân khấu ta vừa qua?

- Sân khấu thế giới có những vở được đầu tư lớn nhưng là để họ diễn liên tục nhiều năm. Chúng ta bỏ 2 tỷ đồng làm vở cải lương Kim Vân Kiều mà chỉ có khán giả TP.HCM được xem một, hai đêm thì đó chưa phải là cách làm hay. Vẫn có hình thức nào đó để làm gọn nhẹ. Nhưng cái đơn giản vì nghèo khác với nghệ thuật đơn giản. Cứ sợ tốn tiền nên làm đơn giản, là tầm thường hóa nghệ thuật.

Tôi thấy nhiều người cứ tự ti với nền nghệ thuật của mình. Kịch nói chúng ta đi sau thiên hạ vì đó là nghệ thuật du nhập. Nhưng nghệ thuật truyền thống thì chúng ta không thua. Tuồng, chèo của chúng ta rất hiện đại. Vở Romeo & Juliet của đoàn TNT làm giống tuồng, chèo, họ học tập cách thể hiện của sân khấu phương Đông (chỉ có nhân vật nhũ mẫu là vẫn theo hài kịch phương Tây), học sân khấu Nhật, Trung Quốc, thậm chí biết đâu họ học sân khấu Việt mà mình không biết!

Tôi quý anh nhưng tôi phải nâng tầm anh lên

Sân khấu chúng ta vẫn đỏ đèn, sôi động, đặc biệt là ở TP.HCM, có những vở diễn gây sốt vé, nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa ăn nên làm ra, nhưng đằng sau vẻ ngoài tươi tắn đó, âm ỉ ẩn chứa nhiều căn bệnh nguy hiểm, thưa ông?

- Sân khấu không chỉ có chức năng giải trí mà còn phải giúp người xem nâng cao đời sống văn hóa. Chúng ta chưa có nhiều tác phẩm khiến người xem trăn trở. Sân khấu thiếu những vở mà khán giả đến xem ra về bỗng thấy mình giàu lên. Chúng ta vẫn còn nhiều vở xem chỉ để giải trí.

Nếu không cẩn thận, cứ dễ dãi với mình, đến một lúc nào đó chúng ta tầm thường hóa sân khấu. Cứ chiều theo "gu" giải trí dễ dãi của khán giả, sân khấu sẽ đi vào tầm thường. Tôi rất sợ con đường đó, nghệ thuật không thể chấp nhận những cái tầm thường. Tôi vẫn muốn sân khấu có những vở sang trọng. Ngày xưa người ta dùng từ chơi kịch kia mà.

Vì sao sân khấu ta vẫn thiếu những vở diễn sang trọng như ông nói, bật lên trên mặt bằng chung?

- Vì thiếu kịch bản hay, diễn viên giỏi, đạo diễn tài, vì... tất cả. Và vì sân khấu chưa có một mặt bằng dân trí tốt để làm điều chúng ta muốn. Không phải không có những người làm nghề nghĩ được những điều lớn lao hơn. Nhưng sân khấu bao giờ cũng phải hướng về khán giả, nếu làm một điều gì đó đi trước khán giả đến hai, ba bước thì ai hiểu, ai xem.

Khó nhưng không thể không làm. Tôi quý anh lắm, anh bỏ tiền mua vé nuôi tôi nhưng tôi phải nâng tầm anh lên thì tôi mới có thể làm những vở cao hơn được. Những vở giải trí thì vẫn làm nhưng đồng thời dàn dựng thêm những vở nghiêm túc để gây dựng dần lượng khán giả.

Ta cứ dựng những vở cười cợt mãi như thế cho những người đến xem cười cho đã rồi về ngủ hôm sau đi làm, thì nhiều năm nữa vẫn vậy. Cứ làm "hàng chợ" tầm tầm như thế thì còn lâu sân khấu của chúng ta mới phát triển.

                                                                                                            Theo VietNamNet

Các bài mới
Các bài đã đăng