Bích Khê - một nhà thơ tài hoa, nhưng cuộc đời của ông khá ngắn ngủi. Ông lìa cõi đời, cõi thơ khi mới 30 tuổi. Dẫu vậy nhưng ông cũng đã để lại cho đời những tập thơ được công chúng đón nhận như Tinh huyết, Tinh hoa...
Vườn thơ Bích Khê
Đã 3 tháng nay, kiến trúc sư Văn Ngữ đã cặm cuội cùng các nhân công thực hiện Vườn thơ Bích Khê. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, nhằm góp phần tri ân nhà thơ Bích Khê. Những người yêu thơ có nơi đến để tưởng nhớ về ông. Ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh cho biết: Gia đình nhà thơ Bích Khê mà đại diện là ông Lê Quốc Ân có nguyện vọng xây dựng nhà lưu niệm Bích Khê để trở thành điểm du lịch để người yêu thơ ca, yêu thơ Bích Khê có điểm đến để thưởng ngoạn thơ và ngắm cảnh chùa Ông, Cổ Lũy... Khi mọi người đến thăm vườn thơ sẽ được tham quan một số hiện vật có liên quan đến Bích Khê, đọc những câu thơ hay nhất của ông được khắc trên những tảng đá.
Điểm nhấn của vườn thơ là được tạo dáng theo hình tỳ bà- một trong số những bài thơ tiêu biểu của Bích Khê. Đặc biệt, nơi đây thích hợp để tổ chức đêm thơ nhạc quy mô nhỏ, mang đầy tính lãng mạn.
Vừa bước vào Vườn thơ nằm phía sau khu nhà thờ Bích Khê, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những câu thơ trong bài “Trăng sáng bến đò xưa”: Trăng sáng giữa trời trong/ Soi về miền cổ độ/ Lòng ta bến đò xưa/ Bóng trăng sao chẳng tỏ? Tất cả những câu thơ được trích trong Vườn thơ Bích Khê đều không có chú thích. Khi đọc những câu thơ, người đọc có cảm nhận như chúng ta đang trò chuyện, đối diện với ông. Nơi trung tâm của Vườn thơ, chúng ta bắt gặp 30 vòng hoa tượng trưng cho 30 tuổi đời ngắn ngủi của nhà thơ bao quanh trái tim “Tôi ăn mày chỉ một trái tim thôi”- ông đã tìm được trái tim, đã đạt được ước nguyện của mình.
Tại một góc vườn hiện lên một góc phố cổ Thu Xà được phục dựng trên nền một bức ảnh cũ còn lại, với hình tượng Bích Khê lúc 17 tuổi cùng với Hoàng Trọng Miên, Hàn Mặc Tử, Lê Quang Hường (anh Bích Khê), Quách Tấn, Chế Lan Viên... cùng với văn hóa don Thu Xà đến sơ đồ phố cổ cùng với trích lục về mảnh đất như sự xác nhận về phố cổ Thu Xà thời Bích Khê.
|
Một góc Vườn thơ Bích Khê. |
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24.3.1916 tại Sơn Tịnh. Ông là con thứ 9 trong gia đình nho học yêu nước. Thuở nhỏ Bích Khê học ở Huế rồi ra Hà Nội học tú tài nhưng nửa chừng rồi bỏ. Ngày 17.1.1946 ông mất khi mới 30 tuổi. Những tác phẩm của Bích Khê là Tinh huyết (1939)- tác phẩm duy nhất ra đời khi ông còn sống, được người yêu thơ chú ý; 4 tập thơ và 1 tập truyện chưa kịp xuất bản, gồm Tinh hoa và Mấy dòng thơ cũ thì ông đã mất. |
Đỉnh cao của chủ nghĩa tượng trưng
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bích Khê (1916-2016), tối 14.6, Hội VHNT tỉnh sẽ tổ chức Liên hoan trình diễn thơ nhạc Bích Khê 100 năm tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Tại đây, người yêu thơ sẽ được thưởng thức 12 tiết mục thơ và nhạc do Quảng Ngãi và 4 tỉnh: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Bình Định tham gia. Nhiều bài thơ sẽ được thể hiện theo dạng trình diễn, nhằm giúp cho người xem cảm nhận được cái hay trong thơ Bích Khê. Riêng Đoàn Quảng Ngãi sẽ đem đến cho người xem hai tiết mục, gồm trình diễn liên khúc thơ Bích Khê với 10 bài thơ được tuyển chọn từ các tập thơ của ông do Nghệ sĩ ưu tú Thi Lộc và Hạnh Nhi biểu diễn.
Ông Lê Văn Sơn cho biết, mỗi một bài thơ sẽ được chọn ra một khổ thơ hay nhất thể hiện quan điểm sáng tác của nhà thơ. Qua đó, người nghe sẽ thêm hiểu về cuộc đời, tình cảm của Bích Khê với quê hương, thiên nhiên, con người và những dự cảm về cuộc đời và sự nghiệp thơ của mình.
Tác phẩm thứ hai đó là diễn đọc bài thơ “Mộng cầm ca”. Đây là một trong số những bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp thơ của Bích Khê được nhà thơ Mai Bá Ấn chọn trình diễn. Có thể nói, Bích Khê là nhà thơ đỉnh cao của chủ nghĩa tượng trưng trong thơ mới. Trong chủ nghĩa tượng trưng yêu cầu cao nhất là tính nhạc trong thơ. Vì vậy, trong thơ của ông có rất nhiều bài thơ đầu đề có chữ “ca” và “Mộng cầm ca” là một bài thơ tiêu biểu.
Nhà thơ Mai Bá Ấn, chia sẻ: Với tư cách là một người nghiên cứu, người làm thơ, tôi thấy rằng, cách đây đã trên 70 năm rồi nhưng có cảm giác Bích Khê chính là người đã vượt qua thi pháp của thơ mới để tiến tới tiệm cận cùng thơ đương đại. Đến bây giờ người đọc là những nhà nghiên cứu mới phát hiện ra hết sức sống trong thơ ông. Chính tài thơ Bích Khê đã đưa vào “Mộng cầm ca” chất nhạc rất cao. Khi đọc thì tâm trạng thơ làm cho câu thơ sâu sắc, đằm thắm, nhưng chính chất nhạc làm cho câu thơ bay bổng, thanh thoát".
Theo Báo Quảng Ngãi