Văn nghệ trong nước
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm Con người tài hoa nhưng hết mực khiêm nhường
14:18 | 20/06/2016

Ngày 15-6, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, người cuối cùng trong bộ tứ danh họa Sáng - Nghiêm - Liêm - Phái của mỹ thuật Đông Dương, thời kỳ sau đã rời cõi tạm. Gia tài của danh họa tài hoa để lại cho hậu thế không chỉ là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật lớn, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, mà hơn cả là sự trân quý về tài năng, nhân cách của ông trong lòng của người yêu nghệ thuật. 

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm Con người tài hoa nhưng hết mực khiêm nhường
Vợ chồng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tại nhà riêng cuối năm 2013

Thấm đẫm hồn dân tộc

Năm nào tôi cũng qua nhà ông một, hai lần để thăm danh họa. Ông trước hết là một họa sĩ tài hoa nhưng lại có cuộc sống ẩn dật, khiêm nhường. Tôi nhớ có lần mình làm triển lãm đầu tiên năm 1989, khi đó ông ở số 65 đường Nguyễn Thái Học, ông đến xem triển lãm viết, động viên để tôi khai thác tính dân tộc mà ông là một bậc thầy khai thác rất thành công. Họa sĩ Nghiêm cũng rất kiệm lời, khiêm tốn. Xuất thân là một nhà Nho, thấm nhuần triết lý, tư duy phương Đông vì thế không chỉ trong giao tiếp, trò chuyện mà điều này cũng được ông vận dụng linh hoạt trong các sáng tác của mình.

Vợ chồng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tại nhà riêng cuối năm 2013

Trong mỗi tác phẩm của ông, không phải tự nhiên làm góc này màu xanh, góc kia nâu, trắng, đen, đỏ… mà tất cả đều được vận hành theo triết lý phương Đông. Đã đôi lần được tiếp xúc và trò chuyện với ông về điều này, tôi hiểu hơn việc vận dụng màu sắc của ông. Phương nào đen, phương nào đỏ, mùa nào năm nào có đặc trưng gì đều được ông vận dụng một cách nghiêm cẩn. Hiếm có người nghệ sĩ nào lại yêu và am hiểu sâu sắc về nghệ thuật dân tộc như ông. Trong các tác phẩm ông đều thấm đẫm tính truyền thống nhưng không phải là sự sao chép nghệ thuật dân tộc đơn thuần mà hơn thế, tranh của Nguyễn Tư Nghiêm luôn mang hơi thở của mỹ thuật hiện đại. Vì thế trong tranh của ông nếu thoáng qua thì dường như là rất dân gian, nhưng trong từng nét vẽ, màu sắc lại mang dáng vẻ hiện đại.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ít vẽ sơn dầu, gần như không thấy. Ông thành công với sơn mài, đặc biệt những năm sau hòa bình lập lại ở miền Bắc thì ông có nhiều tranh sơn mài đi theo lối hiện thực thời kỳ ấy và tìm tòi những bố cục cũng như ẩn chứa đằng sau những bố cục ấy là một nỗi lòng, suy tư, suy nghĩ gì đó. Ví như “Con nghé quả thực” được vẽ sau cải cách ruộng đất, mọi người đều nhìn thấy ở đó những người nông dân rất phấn khởi được chia con nghé, nhưng nếu nhìn kỹ thì sau gốc chuối lại thấy con nhà địa chủ đang đứng ngấp nghé. Tranh của ông vừa mang tính nghệ thuật nhưng cũng rất đời. Những năm 1950 của thế kỷ 19, ông lập ra một xưởng hội họa và chính trong thời gian này ông đã bổ sung thêm gam màu xanh vào bảng màu vốn chỉ gồm có nâu, vàng, đỏ, đen của sơn mài. Đây được coi là bước đột phá trong nghệ thuật tranh sơn mài và đó chính là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của sơn mài theo hướng hiện đại. 

Sau này tranh sơn mài của ông chuyển sang tính kế thừa nghệ thuật dân tộc nhưng lại mang tính hiện đại rất cao. Tiêu biểu nhất là ông tập trung vào những điệu múa cổ, xuất phát từ những họa tiết trong truyền thống nhưng đã chuyển đổi, rất nhiều điệu múa cổ. Bên cạnh đó là tranh con giáp. Dù nhiều tranh cùng khai thác các đề tài này nhưng mỗi tranh đều có tìm tòi riêng, bố cục riêng, thoạt nhìn tưởng cùng đề tài nhưng đều có những tìm tòi cho từng giai đoạn, từng tác phẩm. Sau này sức khỏe hạn chế, ông ít làm sơn mài mà chuyển sang giấy dó rất nhiều, các khổ lớn bé. Đặc biệt giai đoạn này năm nào cũng vẽ 12 con giáp, hàng trăm hàng ngàn bức như vậy nhưng bố cục và màu sắc luôn thay đổi.


Tác phẩm Gióng - tranh sơn mài (năm 1982) của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm

Một nhân cách lớn

Về con người, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là người rất “NGƯỜI”, khiêm tốn giản dị, không nói to với ai, không bao giờ đòi hỏi bất cứ một điều gì quá đáng. Cuộc đời ông chủ yếu tập trung cho sáng tác. Những gì ông suy nghĩ, truyền thống Việt Nam, triết lý phương Đông đều được đưa vào trong tranh, kể cả những vấn đề về nội dung tư tưởng, nghệ thuật… Một trong những thuận lợi của họa sĩ là ông có một chỗ dựa vững chắc là vợ, cô Thu Giang, nên hầu như không phải lo mọi việc như sưu tập, mua bán tranh triển lãm… Ông chỉ vẽ thôi, còn việc mua bán tranh, triển lãm hay sưu tập đều do vợ làm. Có chỗ dựa như vậy góp phần vào việc ông yên tâm sáng tác và làm việc. Một người được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu, nghệ sĩ lớn, nhưng những trao đổi của ông về chuyên môn rất mộc mạc, dễ hiểu nhưng khiêm nhường, không bao giờ chê bai người khác. Ông LỚN chính bởi nhân cách, tác phẩm, cuộc sống, tư duy, tiếp xúc của họ... làm cho mọi người quý mến, trân trọng thực sự chứ không qua tâng bốc của ai. Phải nói trong nghệ thuật, không ai tự mình vỗ ngực, không ai tự nhiên có vị trí đứng, mà bản thân nghệ sĩ nỗ lực sáng tác, tác phẩm có giá trị thì sẽ được các nghệ sĩ khác tôn trọng, được công chúng yêu quý. Ông thuộc thế hệ vàng của thời kỳ đầu nghệ thuật hiện đại. Những người mở đầu cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Nhưng đối với các họa sĩ miền Bắc, thì đây là người mở đầu cho các nghệ thuật hiện đại, cách mạng. Ngoài những tác phẩm về đời thường, có không ít tác phẩm đề tài cách mạng, các tác phẩm đã khai thác rất thành công những khía cạnh khác nhau qua ngôn ngữ nghệ thuật. 

Có nhiều người được giải thưởng lớn nhưng để có được vị trí trong lòng người yêu nghệ thuật như các thế hệ tiền bối Trí, Vân, Lân, Cẩn, Sáng, Nghiêm, Liêm, Phái... không phải ai cũng có được. Và danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tự hào là một trong những người đặc biệt ấy.

Tang lễ họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ viếng bắt đầu từ 11 giờ 15 ngày 17-6. Lễ truy điệu hồi 12 giờ 45 cùng ngày. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm được an táng tại khu A Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG
(Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam)

Theo báo SGGP

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng