Văn nghệ trong nước
Những điều trông thấy
16:24 | 02/08/2016

TÔ THẨM HUY

Trên hai số Văn đầu tiên phát hành vào tháng 11 và 12 năm 1967 tại Sài Gòn, học giả Trần Thiện Đạo đã đăng liên tiếp hai bài viết về vở kịch “Những ruồi” do nữ sĩ Phùng Thăng dịch từ vở “Les Mouches” của Jean-Paul Sartre.

Trong bài thứ nhất đăng trên Văn số 1, tác giả nhận định vai trò đặc biệt của Sartre trong nền “văn học viết” của thế giới nói chung, và nền “văn học viết” của Pháp nói riêng, như là người đầu tiên thực thụ thành công trong việc dùng văn chương hư cấu, đặc biệt là thể kịch, để luận thuyết về triết học; để rồi sau đó đưa ra những tư tưởng chính của chủ nghĩa hiện sinh, trước khi dẫn dắt độc giả vào ý nghĩa triết lý của vở kịch. Bài thứ hai đăng trên số Văn kế tiếp là những lời phê bình của Trần học giả dành cho bản dịch “Những ruồi”. Theo đấy thì bản dịch “Những ruồi” là: “…cái kho chất chứa chật ních và đầy đủ hết mọi lỗi lầm trong phép dịch văn.”, “dịch sai bét, bậy, ẩu, càn”, “văn Việt với cái giọng đặc Tây, …, lai căng”, v.v…

Những” là nặng nề, lời chỉ trích của Trần học giả!

Việc ấy cách nay cũng đã gần 50 năm, lẽ ra để nó nằm lặng lẽ dưới lớp bụi thời gian, chẳng nên khơi dậy làm gì. Thế nhưng gần đây, trong tác phẩm “Từ chủ nghĩa hiện sinh đến thuyết cơ cấu” do nhà xuất bản Văn Học ở Hà Nội in năm 2001 và nhà xuất bản Tri Thức tái bản năm 2008, tác giả Trần Thiện Đạo đã cho in lại bài phê bình đầy những lời nhiếc mắng, bôi nhọ, về những lỗi lầm mà ông cho là đầy rẫy khắp mọi trang trong bản dịch của nữ sĩ Phùng Thăng.

Kẻ tiện sinh u muội này thật không muốn so kiếm cùng Trần trưởng lão, mà cũng chẳng sánh mình ngang hàng với Phùng nữ sĩ mà thay mặt người lên tiếng trả lời.  Thế nhưng:“Nhưng nghĩ lại nỗi niềm đau đớn ấy, để riêng tây e có chỗ không đành”(1), nhất là nay nữ sĩ đã thừa hạc quy tiên, nên xin mạo muội biện bạch đôi điều, dù biết rằng giả như nữ sĩ còn đang vân hành ở trần gian, chắc người cũng chẳng buồn lên tiếng đối đáp.

Trong những điều mà Trần học giả cho là lỗi lầm đầy rẫy ấy, có những chỗ, mà theo kẻ tiểu sinh này, quả là nữ sĩ Phùng Thăng đã sơ sót, nhưng trớ trêu thay, lại có một số điều thật ra lại là chỗ tài hoa, ảo diệu của người dịch mà Trần tiên sinh đã vô ý không nhìn ra. Chẳng hạn như trong lời phê bình được trích nguyên văn sau đây:

“Trước hết, là cái nhan đề vở kịch.  Tại sao lại NHỮNG ruồi? Vì nguyên tác là LES Mouches chăng? Vì từ những chỉ số nhiều chăng?...”  Và trong những câu dẫn dắt đến câu văn trên, tác giả đã kết án Phùng dịch giả là “dịch chữ mà không dịch tinh thần câu văn…, chừng như không màng chú ý tới…cách phô diễn tư tưởng của người Việt Nam; văn dịch của cô không thoát khỏi cái giọng đặc Tây, nhiều lúc ngớ ngẩn, chối tai, phải dịch trở lại tiếng Pháp thì mới hiểu được.”

NHỮNG RUỒI” thật ra là cái tựa hay tuyệt vời!  Chữ “những” trong tiếng Việt nào đâu phải chỉ được dùng như là một mạo từ để chỉ số nhiều, thưa Trần học giả.  Nó còn được dùng như một thán từ, để bày tỏ sự sửng sốt, ngạc nhiên, hay để nêu lên vẻ bùi ngùi, tê tái, hay để nhấn mạnh chữ đi sau nó.  Trong đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” mà ai ai cũng biết, Nguyễn Du đã viết:

(1047) Bun trông ca b chiu hôm,
Thuy
n ai thp thoáng cánh bum xa xa ?
Bu
n trông ngn nước mi sa,
Hoa trôi man mác, bi
ết là v đâu?
Bu
n trông ni c dàu dàu,
Chân mây m
t đt mt màu xanh xanh.
Bu
n trông gió cun mt dunh
m m tiếng sóng kêu quanh ghế ngồị
Chung quanh nhng nước non người,
Đau lòng l
ưu lc, nên vài bn câu.

Người Việt đọc đoạn thơ ấy chẳng ai, chẳng thể nào, nghĩ “những nước non người” là có nhiều nước non người, chẳng thể nào liên tưởng đến mạo từ “LES” như Trần học giả đã ngờ vực.  Mà lối dùng chữ “những” như thế trong Kiều không phải là ít.  Xin đưa vài thí dụ:

1077. Nhng là ln la nng mưa,
Ki
ếp phong trn biết bao gi mi thôi ?

1219. Nhng nghe nói, đã thn thùng,
N
ước đi lm ni l lùng, kht khe!
Xót mình c
a các, bung khuê,
V
lòng, hc ly nhng ngh nghip hay!

1239. Mc người mưa S, mây Tn,
Nh
ng mình nào biết có xuân là gì!

1579. Nhng là e p dùng dng,
Rút dây s
na đng rng li thôi.

1591. Nhng là cười phn ct son,
Đèn khuya chung bóng trăng tròn sánh vai.


1855. Cùng chung mt tiếng tơ đng,
Ng
ười ngoài cười n người trong khóc thm.
Gi
t châu lã chã khôn cm,
Cúi đ
u chàng nhng gt thm git Tương.

Hay trong buổi Kim Kiều tái hợp:

3135. Đng phòng dìu dt chén mi,
Bâng khuâng duyên m
i ngm ngùi tình xưa .
Nh
ng t sen ngó đào tơ,
M
ười lăm năm mi bây gi là đây !

Hơn thế, tựa “NHỮNG RUỒI” của Phùng Thăng hay hơn cái tựa “RUỒI” của một dịch giả khác nhiều lắm.  “RUỒI” có thể là tựa của một cuốn sách môn sinh vật học.  Nhưng “NHỮNG RUỒI” gợi nhắc đến từ đồ ruồi bu. Nó khác xa một trời một vực với cụm từ “NHỮNG CON RUỒI”.  Bỏ mạo từ “CON” đi, “NHỮNG RUỒI” không còn là số nhiều nữa.  Ruồi trong “NHỮNG RUỒI” không phải là danh từ cụ thể, mà là trừu tượng, là chữ chỉ chung những thứ có tính cách giống như ruồi, dơ bẩn, đáng khinh, đáng tởm. Trong văn nói thường nhật của người Việt, người ta vẫn thấy những cách dùng như thế.  Chẳng hạn như: Mưa dầm dề suốt ngày, đường phố ngập lụt, nhìn đâu cũng thấy những nước là nước.  Hay là Trần học giả quen dùng ngữ pháp của Tây để đọc tiếng Việt mà không nhận thấy điều ấy chăng?

Trần học giả cũng đã nêu ra những chữ sau đây mà ông khép tội Phùng Thăng là “không tránh được cái giọng lai căng”, như khi dịch các chữ “yeux morts” và “(ton) regard de poisson mort” là “con mắt cá chết, cái nhìn cá chết.  Thế nhưng cách dịch ấy lại làm chúng ta liên tưởng đến con mắt cá ươn sắp sửa se mình của Nguyên Sa, mà Phùng nữ sĩ có lẽ đã đi trước cả ông thi sĩ Vốn dĩ là Hạt Cát ấy. Hay khi dịch chữ “mouche a viande” là “ruồi ăn thịt”, thay vì là “ruồi nhặng”.  Đành rằng cái nghĩa thông thường của “mouche a viande” là ruồi nhặng xanh, hay ruồi trâu, có khả năng hút máu người hay trâu ngựa. Chữ “mouche a viande” ban đầu được dùng để chỉ giống ruồi hay bu trên thịt đã rữa thối, trước khi nó biến thành nghĩa ruồi nhặng.  Trả nó về cái nguyên nghĩa của nó thì càng thú vị chứ.  Sao Sartre đã không dùng chữ đồng nghĩa là “mouche a merde, như Trần học giả đã nhắc ra?  Hay là Sartre có ý muốn ám chỉ đến cái đám thần dân bạc nhược, yếu hèn, sống mà như đã chết, thân xác đã ung thối, tâm hồn đã trương ình lên, làm mồi lôi cuốn những con ruồi thích ăn thịt ấy?  Mà nếu thế thì chữ “ruồi ăn thịt” của Phùng Thăng gợi lên đúng ý của Sartre, chứ không phài là lối dịch lai căng như đã bị chỉ trích.  Ai dám quả quyết là Sartre không có ý ấy?  Mà dẫu là Sartre không có ý ám chỉ điều ấy trong chữ “mouche a viande”, thì toàn vở kịch há chẳng đã nói lên điều ấy ư?  Vả lại, dịch là “ruồi ăn thịt” thì nó có hại gì đến vở kịch?  

Lại có những chỗ mà Trần học giả cho là “lối dịch tối nghĩa” và đề nghị sửa lại, như sau:  

Xoay hướng sự hỗn loạn này để làm lợi ích cho trật tự đạo đức, há không đáng giá hơn sao? (Phùng Thăng)

Chi bằng biến tình trạng này trở nên một tình trạng có lợi cho trật tự đạo đức, há chẳng tốt hơn sao? (Trần Thiện Đạo)

Tôi thật chẳng thấy có gì là “tối nghĩa” trong cả hai cách dịch, và cũng chẳng thấy gì đáng gọi là khác biệt giữa những chữ “Xoay hướng sự hỗn loạn này…” với  “Chi bằng biến tình trạng này…”, giữa “để làm lợi ích cho trật tự đạo đức” với  “trở nên một tình trạng có lợi cho trật tự đạo đức”, giữa “há không đáng giá hơn sao?” với “há chẳng tốt hơn sao?”

Ngoài những chỗ cho là “tối nghĩa”, Trần học giả cũng đưa ra các sơ sót cỏn con của Phùng Thăng mà làm lớn chuyện lên, cho là dịch thiếu nghĩa, chẳng hạn như câu sau đây:

“Phần câu: qui va sur ses sept ans mà dịch là lên bảy, thì thiếu nghĩa, phải dịch là sắp tròn bảy tuổi, thì mới diễn hết ý của phần câu ấy” (trích nguyên văn lời Trần học giả).  Quả là “va sur ses sept ans” có nghĩa là gần bảy tuổi.  Thế nhưng dịch như Trần học giả là “sắp tròn bảy tuổi” cũng chưa hẳn là lột hết được cái hay của cụm từ “qui va sur ses sept ans.

Mặt khác, có những lỗi mà Trần học giả đã nêu ra rất chính đáng. Chẳng hạn như trong câu “Enfant, j’aurais joué avec ses battants, je me serais arc-bouté contre eux…” mà Phùng Thăng đã dịch là “Thuở nhỏ, ta đã chơi đùa với những cánh cửa, ta chống đỡ chúng…” thì không đúng.  Phùng Thăng đã sơ sót không để ý là động từ “jouer” ở đây dùng ở thể conditionel passé, và có nghĩa là “nhẽ ra ta đã chơi đùa” thay vì là “ta đã chơi đùa - tương tự như trong tiếng Anh là I would have played (past unreal conditional) thay vì là I played - mà Trần học giả đã đề nghị dịch là “chắc ta đã chơi đùa.”  Hay là chữ “aveuglantes” nghĩa là “làm chói mắt” mà Phùng Thăng đã dịch lầm là “đui mù.  Trần học giả cũng đã đúng khi vạch ra lỗi lầm của Phùng Thăng khi dịch câu “Il y a des hommes qui naissent engagés: ils n’ont pas le choix, on les a jetés sur un chemin” thành ra “Có những người vừa sinh ra là đã nhập cuộc: họ không có sự chọn lựa, người ta đã ném họ trên một con đường”, mà thật ra từ “engagé” ở chỗ khác có thể có nghĩa là nhập cuộc, tham dự, nhưng ở đây lại có nghĩa là bị trói tay.

Trên đây là một số ít trong rất nhiều điều, có nói thêm ra cũng chỉ dài dòng, làm bận mắt độc giả, mà học giả Trần Thiện Đạo đã “bắt lỗi”, và dựa vào đó để lên tiếng hết mực chê bai bản dịch của nữ sĩ Phùng Thăng một cách thậm tệ.  Có thật là những “lỗi lầm” ấy đã làm bản dịch “NHỮNG RUỒI“phản, sai ý” của nguyên tác hay không?  Tôi nghĩ là không.  Ngay cả trong những chỗ học giả Trần Thiện Đạo đã nêu ra thật sự là lỗi lầm, thì những điều ấy đâu có làm người đọc hiểu sai những ý chính của Sartres về thuyết hiện sinh.  

Nguyên nhân nào khiến Trần học giả đã vạch vòi, chê bai, đả kích nữ sĩ Phùng Thăng nặng nề như vậy?  Tôi không nghĩ ông là người có ác ý, với Phùng Thăng hay với ai khác, hay là người muốn lên mặt trưởng thượng mắng mỏ người dưới. Tôi không tin là thế.  Tôi tin ông là một người tốt.  Một người có tâm tính, có tấm lòng hệt như viên thanh tra Javert trong “Les Miserables” (Những người khốn khổ).  Hết lòng vì công vụ, sẵn sàng đem hết khả năng, quyền lực ra để phục vụ điều mà ông cho là công lý, hòng bảo vệ cho luật pháp, trừng phạt những kẻ phạm tội.  Công lý là công lý, dù nó có chà đạp lên lương tâm, lẽ phải.  Vây thì, dưới cái nhìn của học giả Trần Thiện Đạo, nữ sĩ Phùng Thăng đã phạm tội gì?  Để hiểu được điều ấy đến ngọn nguồn thì phải hiểu cá tính của Trần học giả, hiểu cái quan niệm cứng rắn, tuyệt đối của ông về công việc dịch sách.  Ông là người có đầu óc tẩn mẩn, tinh kỉ  như chính ông đã tự thú, và xem việc dịch thuật là một sứ mệnh khắt khe, thiêng liêng.  Thái độ cố công, tận tụy ấy là việc đáng ca ngợi, cần thiết phải có, của một người cầm bút tự trọng.  Thế nhưng mỗi nhà văn, mỗi dịch giả, hành xử thái độ ấy dựa theo cái quan niệm riêng tư của mình, theo cái cảm nhận riêng về cái đẹp, cái chân-thiện-mỹ của nghệ thuật.  Thái độ thì cẩn trọng như thế, còn quan niệm của Trần học giả về dịch thuật ra sao?  Ông nghĩ thế nào về vai trò của người dịch?  Thế nào là một người dịch lý tưởng theo học giả Trần Thiện Đạo?  Xin xem nguyên văn lời của ông như sau:

“Vì dịch giả là kẻ đương nhiên tự nguyện làm một thứ nô lệ đặc thù. Nói cách khác, hắn chỉ tự do trung thành, tuyệt đối (sic) trung thành, nghĩa là phải bám sát gót, đặt chân mình vào đúng dấu chân của tác giả, không chệch choạc, chệch đường, chệch hướng. Hệt một tấm kính phản chiếu dạng đứng trước mặt mình, hệt con khỉ mô phỏng động tác của tác giả. Không chỉ y chang dáng dấp bên ngoài mà còn cả nội tâm.”(2)

Tôi kính trọng cái quan niệm “tuyệt đối trung thành” ấy của ông.  Nhưng câu hỏi đặt ra là trung thành với cái gì?  Mỗi người đọc một bài thơ, ngắm một bức tranh, xem một vở kịch, đều có những cảm xúc riêng tư khác nhau.  Trung thành là trung thành với cái cảm xúc ấy.  Và từ đấy, dịch là công việc diễn tả lại cảm xúc riêng tư của mình qua một phương tiện khác, bằng một ngôn ngữ khác. Không thể nghĩ là ai khác cũng rung động, cảm xúc giống mình.  Dịch vì thế không phải là nô lệ, mà là sáng tạo. Người dịch vì thế không thể chỉ là một con khỉ đứng trước gương.  

Bùi Giáng từng tuyên bố tất cả những bài thơ ông đã làm là dịch lại thơ Nguyễn Du, thơ Hồ Dzếnh.  Và Nguyễn Du, Hồ Dzếnh cũng là dịch lại thơ của những người trước họ. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong bức thư gửi tác giả Võ Văn Ái, in trong lời tựa quyển “Nguyễn Trãi sinh thức và hành động” khi nói về bài thơ của Nguyễn Trãi mà ông đã dịch sang tiếng Việt, ông đã viết: chuyển từ thơ Hán sang, chứ không phải là dịch nhé, xin nhớ cho, vì người khác thì “dịch”, Hoàng thì “chuyển”.  Xem thế đủ biết Vũ Quân không chấp nhận thái độ làm con khỉ.

Đây là một đoạn văn khác, ngay trước đoạn văn trên, của Trần học giả:

“Nhưng chúng ta không thể vì vậy mà bỏ qua một khía cạnh chúng tôi cho là căn bản, làm nền cho mọi dịch phẩm thật sự hoàn hảo, nhưng lại ít khi được nhắc tới: sự đồng nhất tinh thần và bút pháp giữa dịch giả với tác giả.”

Xin mời đọc đoạn văn sau đây của Saint-Exupéry trong tác phẩm “Le Petit Prince” (Hoàng tử bé):

“Le géographe est trop important pour flâner. Il ne quitte pas son bureau.  Mais il y reçoit les explorateurs.”

Mà Bùi Giáng đã dịch là: Nhà địa lý quan trọng lắm, đâu có phải rỡn đâu mà lang thang phôi pha tháng ngày đìu hiu đi dạo! Nhà địa lý không rời bàn giấy của mình. Ngồi tại phòng giấy mà tiếp kiến các nhà thám hiểm.

Chỉ từ một chữ “flâner” là đi dạo, mà Bùi tiên sinh đã cho ra một tràng “đâu có phải rỡn đâu mà lang thang phôi pha tháng ngày đìu hiu đi dạo”, nghe thật thú vị cái giọng điệu của ông lão đang bận rộn với quyển sách to tướng.  Hai bút pháp không đồng nhất, hoàn toàn khác nhau, mà hòa hợp một cách diệu vợi.

Công việc dịch thuật vì thế là một việc hết sức chủ quan. Và người dịch một mặt phải trung thành với nguyên tác, với cái mà hắn cảm nhận được, và một mặt phải được tự do để chăm bón, vỗ về thương yêu, hòng tái tạo lại cái cảm xúc của hắn.  Dĩ nhiên đây chỉ là quan niệm của kẻ tiện sinh này.  Và các vị cao nhân khác rất có thể lên án quan niệm ấy là của những người “les belles infidèles, tình lang phụ bạc, như Trần học giả đã nói.  Mà đúng lý ra phải dịch là “tình nương” mới phải chứ, thưa Trần học giả.  Les belles cơ mà! Và nói cho cùng, nếu đã quan niệm là bút pháp phải đồng nhất, thì sao Trần học giả lại dịch va sur ses sept anssắp tròn bảy tuổi.  Phải dịch “va sur ses sept ans” là “sắp lên bảy” chứ, vì lẽ “sur” là trên”, chẳng “lên” thì lấy gì đòi ở trên”?  Thế nhưng tôi lại còn nghe đồng vọng đâu đây một sắc thái khác trong nguyên văn. Tôi nghe “qui va sur ses sept ans” có thoáng ý vị của cách nói “ngót nghét bảy tuổi” trong Việt ngữ.  “Sắp lên bảy” là một cách diễn đạt tuồn tuột, nó chỉ thực sự tương đương với “qui aura bientôt sept ans”.  Cách nói “qui va sur ses sept ans” lạ và hay ở chỗ đưa hai từ “sur ses” đứng cạnh nhau.  Trần học giả có nghe ra hết những cung bậc của “sur ses sept ans” của Sartre không vậy?  Ngôn ngữ văn học ngoài chuyện nói có nghĩa và nói đúng nghĩa ra, đáng lý còn phải cầu thêm âm hưởng nữa chứ, mà đâu chỉ âm hưởng không thôi, còn cầu mức cá tính, mức góc cạnh, mức thanh thú trong cách biểu đạt, muốn tinh tế hơn nữa, sẽ uyển chuyển thêm lên thật nhiều nữa, đa dạng hơn, duyên dáng hơn, để lộ ngữ điệu của người nói hơn, khiến nhân vật đa chiều hơn, trầm ngâm hơn, gây nhiều tiếng vọng trong tiềm thức người nghe hơn, chứa đụng nhiều tầng ẩn ngữ hơn, v.v... và v.v... Thơ hay mà đem dịch thành thơ hay là chuẩn xác nhất. Thơ hay dịch thành văn xuôi chính xác là lệch lạc không thể lệch lạc hơn.  Mà văn xuôi của những tay viết cự phách như Sartre, họ dùng chữ và ném câu có khi còn thâm hậu công lực thôi xao hơn cả thơ.  Kẻ học trò ham đọc sách này càng học càng thấy mình nhỏ bé mà trời xanh thì vòi vọi.  Vài lời về việc dịch thuật.  Trong một dịp khác, kẻ tiện sinh này xin được nói nhiều hơn về quan niệm dịch thơ văn.

Xin trở lại với “NHỮNG RUỒI” của Phùng Thăng.  Bản dịch ấy hẳn là có một số khiếm khuyết.  Và bài phê bình của Trần học giả đã nêu ra được một số những lỗi ấy.  Nhưng có những lỗi nhỏ nhặt như “thiếu phụ trẻ” thì chữ “trẻ” là thừa vì chữ “thiếu” đã hàm nghĩa “trẻ” rồi, thì cái lỗi ấy đâu có đến nỗi mà Trần học giả phải lớn tiếng là vừa phản vừa diệt.  Trong văn viết cũng như văn nói chúng ta vẫn thấy những chữ trùng lặp như ngày sinh nhật, người quân tử (ăn chẳng câu no, ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch – Nguyễn Công Trứ, Hàn nho phong vị phú) v.v… Mà ngay cả Trần học giả cũng đã dùng chữ trùng lập như thế, khi ông viết là “giấy khống chỉ” (giấy đã ký tên nhưng còn trống, tỉ dụ như a blank-check), thì chữ “chỉ” đã có nghĩa là “giấy”.

Tuy không ai có thể phủ nhận mối quan tâm của Trần học giả về tình trạng mà ông gọi là “dịch loạn” ở trong nước, về sự thành tâm của ông khi muốn báo động về sự cẩu thả của một số văn dịch trên văn đàn, báo chí.  Nhưng giá như mà 50 năm về trước, Trần học giả gửi thư riêng cho nữ sĩ Phùng Thăng thì chắc người đã rất hoan hỉ sửa lại một số chỗ để lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.  Chứ mang những chuyện như câu nói đùa của nhà văn Hoàng Đạo(3) ra để chế nhạo, châm biếm, mà so sánh với văn dịch của Phùng Thăng, thì thật không phải. Còn việc dịch loạn trên văn đàn, báo giới hôm nay, thì chú tâm vào những tác phẩm hôm nay có phải hơn là lôi chuyện ngày xửa ngày xưa ra mà nói không!

Thẳng thắn phê bình, nêu ra những lỗi lầm, dù chưa chắc đó có đúng thật là lỗi lầm hay không, thì quả là trách nhiệm thật sự của người phê bình.  Nhưng những lời chỉ trích của Trần học già loại như “cô thích đua đòi dùng chữ thời thượng”, hay buộc tội Phùng Thăng là ỷ vào việc “được độc giả tin cậy qua bản dịch Câu Chuyện Của Dòng Sông xuất bản trước đây”“khinh thường độc giả”, đâm ra “xem sự tín nhiệm của độc giả như một thứ giấy khống chỉ cho phép cô tùy tiện muốn dịch sao thì dịch” thì lại là những lời đả kích tư cách của người khác, thật là điều không nên làm, không được phép có mặt trên văn đàn của những người mệnh danh là trí thức.

Thế hệ chúng tôi lớn lên trong chiến tranh, thiếu thốn sách vở, lại không có cơ hội để phát triển khả năng ngoại ngữ, ngoại trừ một thiểu số rất nhỏ do thiên tư bẩm sinh vốn thông minh mà có, hòng tiếp thu với văn học nước ngoài.  Công việc của những người như hai chị em nữ sĩ Phùng Khánh, Phùng Thăng là đã tạo cơ hội cho chúng tôi được đọc những tác phẩm như Câu chuyện dòng sông, Bắt trẻ đồng xanh v.v…trong thập niên 60, thật là việc làm có ích lợi cho sự phát triển tâm linh của chúng tôi. Cho dù sau này đã ở nước ngoài, có cơ hội đọc bằng ngoại ngữ, hiểu thêm được đôi ba điều mà bản dịch thiếu sót, chúng tôi vẫn quý trọng các bản dịch ấy, không phải chỉ vì những tình cảm lưu luyến thuở thanh xuân, mà còn vì đọc những bản dịch ấy bằng tiếng Việt có những cái thú vị khác với khi đọc nguyên tác.  Các bản dịch ấy không hề là infidèles sans le savoir (không đáng tin cậy về mặt kiến thức) đối với nguyên tác, thưa Trần học giả, hay theo lối nói của Tố Như tiên sinh, yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau, mà là chân dung từ một góc nhìn khác, dù là không khỏi có đôi phần tì vết, của cùng một giai nhân đáng yêu, đáng quý.

Cách đây mươi hôm, kẻ tiện sinh này nằm mơ thấy Phương Chứng đại sư, phương trượng chùa Thiếu Lâm.  Hôm sau lại được một người bạn tâm giao là Vân Trình Lữ Nhạc gửi cho bài hỏi đáp Lang Da hòa thượng thật là thâm thúy, soi sáng cái gọi là bản chất của sự vật, cái mà người đời vẫn thường gọi chân diện mục. Thiện tai, thiện tai!

Xin được gửi tặng lại Trần quân, như là lời tạ tội nếu có điều gì trong bài viết này đã làm ông phiền lòng.

昔有問琅琊和尚者。
Tích hữu vấn Lang Da hoà thượng giả.

Xưa có kẻ ghé hỏi Lang Da hoà thượng.

問:清淨本然,云何忽生山河大地。意旨如何?
Vấn: Thanh tịnh bổn nhiên, vân hà hốt sinh sơn hà đại địa. Ý chỉ như hà?

Hỏi: Về căn bản tự nhiên, vạn vật vốn là thanh tịnh, mây trắng đâu ra mà đùn nên nước nước non non?

曰:大似漁船出海。
Viết: Đại tự ngư thuyền xuất hải.

Rằng: To như thuyền chài ra biển.

進云:此意如何?
Tiến vân: Thử ý như hà?

Sấn đến bảo: Thế là thế nào?

曰:誰知遠煙浪別有好商量?
Viết: Thuỳ tri viễn yên lãng, Biệt hữu hảo thương lường? 

Rằng: Sóng xô nước rút miền thăm thẳm, Tiếng lại lời qua cuộc biển dâu!

問:如何是過去佛家風?
Vấn: Như hà thị quá khứ Phật gia phong?

Hỏi: Cốt cách Phật đời xưa thế nào?

曰:園林寂寞無人管,李白桃紅自在華。
Viết: Viên lâm tịch mịch vô nhân quản, Lý bạch đào hồng tự tại hoa.

Rằng: Vườn tược im lìm chi sá giữ, Đào hồng mận trắng thản nhiên đơm.

問:如何是現在佛家風?
Vấn: Như hà thị hiện tại Phật gia phong?

Hỏi: Cốt cách Phật đời nay thế nào?

曰:白水家風迷曉燕,紅桃僊苑醉春風。
Viết: Bạch thuỷ gia phong mê hiểu yến, Hồng đào tiên uyển tuý xuân phong.

Rằng: Nước tuôn cửa ngỏ đàn én lạc, Hồng nở hang sâu ngọn gió say.

進云:如何是未來佛家風?     
Tiến vân: Như hà thị vị lai Phật gia phong?

Sấn đến bảo: Cốt cách Phật đời sau thế nào?

曰:海浦待潮天欲月,漁村聞笛客思家。 
Viết: Hải phố đãi triều thiên dục nguyệt, Ngư thôn văn địch khách tư gia. 

Rằng: Phố biển triều dâng trăng dợm mọc, Xóm chài sáo vẳng khách toan nghe.

進云:如何是和尚家風?
Tiến vân: Như hà thị Hoà thượng gia phong?

Sấn đến bảo: Cốt lõi hoà thượng nay thế nào?

曰:破衲擁雲朝喫粥,古瓶瀉月夜前茶。
Viết: Phá nạp ủng vân triêu khiết chúc, Cổ bình tả nguyệt dạ tiên trà.

Rằng: Áo rách mây tươm mai húp cháo, Ấm mòn trăng rỉ tối đun trà.

問:靈雲悟桃華時如何?
Vấn: Linh vân ngộ đào hoa thời như hà?

Hỏi: Mây thiêng lầm phải hoa đào thì sao?

曰:自開自謝隨時節,問著東君總不知。
Viết: Tự khai, tự tạ tuỳ thời tiết, Vấn trước Đông Quân tổng bất tri.

Rằng: Xuân về nở nụ, thu hoa rụng, Đào đất vạch trời phỏng ích chi!

進云:殺人不眨眼時如何?
Tiến vân: Sát nhân bất biếm nhãn thời như hà?

Sấn đến bảo: Giết nhau chẳng chớp mắt thì sao?

曰:通身是膽。
Viết: Thông thân thị đảm.

Rằng: Trong thân có mật.

問:大修行底人,還落因果也無?
Vấn: Đại tu hành để nhân, hoàn lạc nhân quả dã vô?

Hỏi: Tu hành lâu năm song vẫn mắc vòng nhân quả, có hay chăng?

曰:口似血盆呵佛祖,牙如劍樹嘴禪林。一朝死入阿鼻獄,笑殺南無觀世音。
Viết: Khẩu tự huyết bồn a Phật tổ, Nha như kiếm thụ chuỷ thiền lâm. Nhất triêu tử nhập A-Tỳ ngục, Tiếu sát: “Nam vô Quán-Thế-Âm”! .

Rằng: Ngậm nhơ phun Phật nhân khai khẩu, Giơ vuốt cào Thiền thú động tâm. Nực cười sáu nẻo A-Tỳ ngục, Miệng niệm liên hồi Quán-Thế-Âm.

問:白鷺下田千點雪,黃鶯樹上一枝華。時如何?
Vấn: Bạch lộ hạ điền thiên điểm tuyết, Hoàng oanh thụ thượng nhất chi hoa. Thời như hà?

Hỏi: Đồng quạnh cò về muôn đốm tuyết, Cây cao chim đỗ một vầng dương. Thế thì sao?

曰:錯。
Viết: Thác.

Rằng: Sai.

進云:大尊德作麼生?
Tiến vân: Đại tôn đức tác ma sinh? 

Sấn đến bảo: Đại-Đức định đầu thai cửa nào?

曰:白鷺下田千點雪,黃鶯樹上一枝華。
Viết: Bạch lộ hạ điền thiên điểm tuyết, Hoàng oanh thụ thượng nhất chi hoa.

Đáp: Đồng quạnh cò về muôn đốm tuyết, Cây cao chim đỗ một vầng dương.

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài, Lời quê góp nhặt dông dài.  Xin chấm hết.  A Di Đà Phật.

Tô Thẩm Huy
Houston, Tiết Đại Thử, Bính Thân, 2016


-----------------------
Chú thích:

1. Xuân Diệu: Nhưng, cũng lạ! nỗi tình đau khổ ấy, Ðể riêng tây, như có chỗ không đành.
2. Trần Thiện Đạo, Dịch loạn,Văn Nghệ số 16 ngày 21-4-2012.  Hoặc có thể tìm thấy ở http://vanchuongplusvn.blogspot.com/2012/04/tran-thien-ao-dich-loan.html
3. Parlez-moi d’amour, Redites-moi des choses tendres: Hãy nói với anh cái ái tình, Lại nói với anh cái đồ mềm. Từ Chủ Nghĩa Hiện Sinh Tới Thuyết Cấu Trúc, T.T. Đạo, NXB Văn-Học, trang 104.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng