Văn nghệ trong nước
Nhà văn trẻ nhập cuộc theo cách riêng
10:13 | 03/10/2016

Không chỉ là cơ hội để giao lưu, gặp gỡ, tại Hội nghị của những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX, các cây bút trẻ đã cùng nhau bày tỏ, chia sẻ những khó khăn, bế tắc trong suy nghĩ, sáng tác để tìm thể hiện được dấu ấn của mỗi tác giả qua mỗi trang viết. 

Nhà văn trẻ nhập cuộc theo cách riêng

Mỗi nhà văn trẻ có một cách nhập cuộc của riêng mình. Không phải là cứ đi nhiều, cứ lăn xả vào đời sống thì sẽ cho ra đời tác phẩm tốt.
 

Đánh giá văn học đừng nhìn vào số lượng
 

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương - Trưởng ban Nhà văn trẻ, những năm qua, nhiều người viết trẻ đã vượt lên trở thành những tên tuổi chững chạc và gặt hái được nhiều thành công. Nhiều người đánh giá cao thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với thời tiết chính trị và xã hội. Hầu như văn trẻ có mặt trong tất cả những sự kiện, những biến động của đất nước. Cùng với lớp nhà văn cao tuổi, văn trẻ tham gia soi rọi, khám phá các vấn đề, các lĩnh vực xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, có những lý giải, cắt nghĩa theo cách riêng đầy sức thuyết phục.

 

Xoay quanh chủ đề “Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo” các tác giả trẻ mảng văn xuôi đã có những trao đổi khá thẳng thắn và cởi mở. Thái độ nhập cuộc có ý thức trách nhiệm của người viết trẻ với thời tiết chính trị và xã hội. Hầu như văn trẻ có mặt trong tất cả những sự kiện, những biến động của đất nước. Cùng với lớp nhà văn cao tuổi, văn trẻ tham gia soi rọi, khám phá các vấn đề, các lĩnh vực xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, có những lý giải, cắt nghĩa theo cách riêng đầy sức thuyết phục.
 

Những nhà văn trẻ đã có mặt ở Trường Sa, đã lên biên giới, đã lặn lội vào các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để chứng kiến, trải nghiệm và phản ánh hiện thực. Kết quả là một số lượng dồi dào các tác phẩm đã ra đời, được độc giả mọi tầng lớp đón nhận và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Văn xuôi trẻ đang đi đúng đường, hướng đến mục tiêu cao nhất là làm nên những tác phẩm giá trị, và phải viết làm sao để “tác phẩm nào cũng như tác phẩm cuối của đời mình” - theo cách nói của cố nhà thơ Xuân Quỳnh”.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy có cái nhìn lạc quan hơn của tuổi trẻ khi cho rằng mỗi người có một cách nhập cuộc của riêng mình. Không phải là ta cứ đi nhiều, cứ lăn xả vào đời sống thì sẽ ra tác phẩm tốt. Không phải cứ xông vào các vấn đề nóng của xã hội thì sẽ ra tác phẩm. Có những người nhu cầu phải đi, phải viết, phải thâm nhập thực tế. Còn lại rất nhiều những người khác, với những cách viết của họ như Đinh Phương, Nhật Phi, có những sáng tạo của riêng mình mà không cần đi đâu cả. Đừng nghĩ rằng họ chỉ ngồi đây với máy tính là họ không sáng tạo được. Mỗi nhà văn đều có thu nhận, đầu vào của mình. Họ có cách xử lý hiện thực của mình. Chúng ta không thể dựa vào số lượng tác phẩm.

Có nhiều điều kiện giao lưu hơn với những cây bút cùng trang lứa, Chu Thùy Anh cho rằng so với khu vực, các tác phẩm văn học của chúng ta không thua kém gì song văn học Việt Nam muốn ra với thế giới nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chính các nhà văn, nhà thơ cần thể hiện các tác phẩm của mình bằng ngôn ngữ thông dụng hơn trên thế giới, và đó cũng là một cách các nhà văn trong khu vực đã nhập cuộc.

 

Văn học trẻ tự đề kháng bằng chính những tác phẩm
 

Khác với nhiều hội nghị khác, các cây bút trẻ không nói nhiều về các khó khăn mà họ trực tiếp bày tỏ quan điểm về việc viết, việc khẳng định mình. Cây bút trẻ Nhật Huy cho rằng, nhìn một cách lâu dài hơn thì có lẽ tự thân văn học Việt Nam phải tạo ra sức đề kháng để có thể tồn tại. Sức đề kháng này có lẽ nằm chính ở mảng văn học giải trí.
 

Cây bút Nhật Huy phân tích, trong những năm gần đây, thị trường sách nước ta bị tấn công “ồ ạt” bởi văn chương ngôn tình Trung Quốc. Lứa tuổi “tiêu thụ” loại sách này lại chủ yếu là thanh thiếu niên - độ tuổi đông đảo nhất của dân số Việt Nam hiện nay. Đối diện với nguy cơ xâm lấn văn hóa, đánh mất thị trường sách hiện nay, có lẽ văn học Việt trước hết cần thay đổi cái nhìn với dòng nghệ thuật này. Văn chương cũng như món ăn. Mỗi người một khẩu vị. Bên cạnh dòng văn chương bác học, người đọc cũng rất cần được đáp ứng nhu cầu giải trí chính đáng. Và chính trong lĩnh vực giải trí, chúng ta có điều kiện và cơ hội tạo nên “kháng thể” cho văn học nước nhà. Bên cạnh việc cảnh tỉnh tư duy, xã hội cũng cần khuyến khích các tác giả có khả năng đi sâu vào lĩnh vực này. Nếu vẫn giữ một cái nhìn cũ và không có cơ chế thỏa đáng thì có lẽ văn học Việt Nam khó có thể cạnh tranh với ngôn tình hay kiếm hiệp của Trung Quốc, manga Nhật Bản… Ngay cả khi cấm xuất bản các thể loại này, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, người đọc cũng có thể dễ dàng tìm được nguồn khác.

Nhà văn Xuân Thủy cũng cho rằng các nhà văn hiện nay không nên phân biệt thể loại mà quan trọng hơn là khuyến khích họ làm tốt hơn nữa trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Viết ngôn tình tốt cũng đáng khen ngợi, viết được các tác phẩm hàn lâm, có giá trị bao trùm thì càng quý… nhà văn nhấn mạnh. Điều quan trọng hơn cả là họ, những người viết trẻ chọn vùng nào để nhập cuộc, để dấn thân, để khẳng định cá tính… để tạo ra những tác phẩm gắn tên tuổi vào những vùng của riêng họ.


Theo MAI AN - SGGP

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng