Hà Trí Hiếu mở hàng cho loạt triển lãm trong khuôn khổ Vietnam Eye- dự án quốc tế tổng kết nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đây là dự án thứ tám trong chương trình Global Eye Programme do David và Serenella Ciclitira khởi xướng từ 2009.
Ngoại trừ Hà Trí Hiếu (triển lãm đến 11/12 tại Nest AIA- 191 Bà Triệu, Hà Nội), chủ nhân 9 triển lãm còn lại đều thuộc lứa 8X. Mỗi triển lãm kéo dài một tháng tại Hà Nội và TPHCM đến hết 2017.
Là nhân vật đã có danh, nay được chọn vào tuyển tập Vietnam Eye cùng 55 họa sĩ khác, anh còn cảm thấy đôi chút háo hức?
Tôi cảm thấy cũng... bình thường. Nhưng có niềm vui là gần với các bạn trẻ hơn. Cố nhiên trong đó cũng có những tên tuổi tầm cỡ ví dụ Lê Quang Đỉnh, Lê Quảng Hà, Đinh Ý Nhi, Trần Trọng Vũ, Đinh Thị Thắm Poong, Ly Hoàng Ly…
Anh nhận xét gì về cuốn tổng tập có thể nói là đầu tiên về nghệ thuật đương đại Việt Nam?
Cuốn sách miêu tả tương đối tổng quát, thiên về giới thiệu thế hệ họa sĩ trẻ tương đối có đóng góp với nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đương nhiên bất cứ tổng tuyển nào cũng có thiếu sót. Nhiều khi không phải do giám tuyển mà do các nghệ sĩ chưa nắm hết nội dung để gửi hồ sơ, hoặc có người không biết thông tin. Thành ra thiếu nhiều tên tuổi là lẽ đương nhiên.
Anh nổi tiếng với motif người hát trên đồng. Từ đâu anh có ý tưởng này?
Trước nhất nó là ký ức đời sống nông thôn khi mình còn bé, nhân hai cuộc về quê sơ tán. Tôi ấn tượng những tối văn nghệ sau giờ làm đồng, người ta hát. Vào tranh mình, thành hát cả ngày cả đêm. Buồn hát, vui hát, đi chơi hát, lao động hát. Và tiếng hát ấy cộng cả sự ai oán, nỗi khổ của người dân nông thôn. Về vùng quê bao giờ cũng thấy yên ả. Nhưng đi sâu cũng nhiều nỗi niềm lắm.
Sao anh không cho người thành phố hát nhỉ?
Tôi lại không thích thành phố. Cảm giác chật chội, bon chen. Mà thành phố đây đâu phải gốc. Dân các tỉnh phía Bắc dồn về làm cho thành phố bị nông thôn hóa, không còn như ngày xưa.
Tầm này, thế hệ họa sĩ như anh có thể thoải mái sáng tạo, không còn phải lo khám phá hay mở rộng thị trường?
Thực ra ngay từ đầu chúng tôi vẽ không nghĩ tới thị trường. Từ khi vào trường học vẽ, xong ra trường tụ với nhau thành một nhóm (hay được gọi là Gangs of Five- PV) cũng chỉ vì thích vẽ, rủ nhau vẽ, rủ nhau triển lãm. Sau đấy bùng một cái có thị trường, mở cửa. Có người nhảy vào mua tranh, mua ai người ấy bán. Sau này có thể cũng có người vẽ theo một dòng nào đó để bán là chuyện bình thường. Chứ còn bảo đi khám phá thị trường thì... không phải dễ. Tôi cũng chỉ biết vẽ theo lối mình thích, ai yêu mình thì đến với mình. Nhằm họ thích kiểu gì mình vẽ thì chịu. Tôi không có khái niệm chiều khách.
Các anh có quán tính phát triển tự nhiên từ trước còn họa sĩ trẻ ngày nay vừa ra đời đã rơi tõm vào thị trường sôi động dễ bị chi phối?
Thế hệ nào cũng có khó khăn và may mắn. May mắn của chúng tôi là lúc đó thị trường chưa có, chúng tôi suốt ngày chỉ loay hoay vẽ, tự đóng cả toal. Đến khi mở cửa bán tranh thì có tiền thế thôi. Thế hệ trẻ có may mắn mở rộng tầm mắt, thông qua internet biết mọi chuyện xảy ra khắp nơi. Ngày xưa bọn tôi có một quyển tạp chí chuyên ngành của Tây thì xem dấm xem dúi...
Có nhiều thông tin vừa may mắn vừa là cái thiệt khi người trẻ nhìn đâu cũng thấy núi. Cũng may thế hệ trẻ Việt Nam nhiều người vượt qua và tự khẳng định được. Như trong cuốn Vietnam Eye có nhiều tay trẻ hay, nghề tốt, nhìn nhận tốt, làm đâu ra đấy. Các họa sĩ bây giờ vươn ra thế giới có khi còn vượt cả đàn anh vì ngoại ngữ tốt, quan hệ tốt.
Anh có vẻ rất quan tâm đến sức khỏe khi tập luyện tennis nhiều năm, thỉnh thoảng lại leo núi?
Các họa sĩ tôi biết ông nào chả quan tâm sức khỏe. Nhiều ông lành mạnh phết, chịu khó tập luyện, nghiên cứu. Người thì thiền, người thì yoga, võ nghệ đủ hết. Các cụ quan niệm “bầu rượu túi thơ”. Ngày xưa, hình như phải say sưa, bồ bịch nhiều mới là nghệ sĩ. Họa sĩ bây giờ thay đổi nhiều, năng động, nhanh nhẹn, tham gia nhiều mảng.
Nhưng không cá tính thì tranh cũng khó mà “quằn quại” được?
Chưa chắc. Nhìn tranh các met chắc gì đã quằn quại. Nhưng tâm trạng thì có, rõ nhất là tranh Nguyễn Sáng.
Lành, hình như cũng là đặc thù của hội họa Việt Nam?
Nói cũng khó. So với mỹ thuật Trung Hoa chẳng hạn. Họ có thể thơ mộng vẽ thủy mặc nhưng cũng rất bạo liệt. Mình chưa bao giờ bạo liệt như thế. Đương nhiên dữ dội hay mềm mại trước hết phải có trong từng con người, rộng ra là xã hội. Mình sinh ra là người Việt cũng chung một thể trạng như thế. Vừa phải, chưa bao giờ gọi là quyết liệt đến cùng.
Dường như thế hệ anh hơi gặp may về thời cuộc? Có thể. Đổi mới xã hội thì mới ra thời kỳ Đổi Mới trong hội họa. Khách nước ngoài vào nhiều hơn thì họ mua tranh Việt Nam như một sự lạ lẫm nào đó. Đến giờ dần bão hòa rồi. Trước nhất, một số tác giả tự bão hòa chính nghệ thuật của mình. Trong lớp trẻ vẫn có những người theo cơ chế thị trường hoặc tìm cái riêng mà vẫn có người mua, chả sợ. Cũng như âm nhạc- ca sĩ nào, giọng hát nào có khán giả đấy. |
Theo N.M.Hà - TP