Văn nghệ trong nước
Băn khoăn tour làng nghề, di sản
09:49 | 15/05/2017

Hà Nội tham vọng mở thêm tour tuyến và sản phẩm du lịch mới tại huyện ngoại thành như Gia Lâm dựa vào làng nghề và di sản. Tuy nhiên, các nhà làm du lịch khá thận trọng.

Băn khoăn tour làng nghề, di sản

Có gì ngoài Bát Tràng?

Du lịch làng nghề Bát Tràng lâu nay vẫn được xem là truyền thống và nổi trội của du lịch Hà Nội, đặc biệt hấp dẫn khách quốc tế. Lãnh đạo Sở Du lịch vừa qua mời doanh nghiệp khảo sát để tạo ra tour tuyến mới phục vụ du khách. Một số điểm khảo sát: Đền Phù Đổng, chùa Kiến Sơ, cụm di tích đền chùa Bà Tấm, bảo tàng gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan, gốm Bát Tràng. Huyện Gia Lâm cũng thừa nhận Gia Lâm chưa có chiến lược phát triển du lịch, chưa có gì nổi bật ngoài Bát Tràng.

Với tham vọng  kết nối làng nghề với di sản, đền Phù Đổng được kỳ vọng là điểm đón khách trong tương lai. Ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng nhắc tới đề án quy hoạch tổng thể sắp tới để khai thác du lịch bài bản hơn trong tương lai. Hiện nay di tích quốc gia đặc biệt này đang bị nhắc đến với lỗi vi phạm trùng tu di tích. Nhiều doanh nghiệp thực tế chưa mặn mà với điểm này bởi đường sá không thuận tiện, địa phương chưa biết cách quảng bá và làm nổi bật giá trị di tích. Trước đó đề án kết nối quảng bá du lịch đền Phù Đổng gắn với đền Sóc được nghiên cứu khá tỉ mỉ, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có tiến triển.

“Gia Lâm cũng có thể coi là cái nôi của du lịch, chúng tôi từng bán tour nhiều cho du khách về đây. Ngoài tour Bát Tràng quá nổi tiếng rồi, tôi khá mê tour sinh thái với trang trại hơn 4 hecta gắn với Học viện Nông nghiệp”, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Cty lữ hành Hanoitourist nói. Ông cho rằng trước khi khách đi Hạ Long có thể đến Gia Lâm tham quan làng nghề gốm sứ, và trải nghiệm ở trang trại nhiều tiềm năng này. “Phải phát triển theo hướng để khách đến xem, hiểu và mua sản phẩm thì giá trị gia tăng mới lớn. Nếu chúng ta chỉ bán vé vào cổng thôi không ăn thua”, ông Kế nói. Điểm du lịch sinh thái không chỉ phục vụ khách du lịch, còn có thể phục vụ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh các trường quanh năm.

Giám đốc một công ty chuyên du lịch mạo hiểm cũng cho rằng Gia Lâm có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. “Để phát triển loại hình này tôi nghĩ nên phát triển theo chủ đề. Trang trại giống của Học viện Nông nghiệp có thể trồng các loại hoa theo mùa như dã quỳ, oải hương, tam giác mạch hoặc bất cứ hoa gì để tạo ra sản phẩm trong một thời gian nhất định. Ngoài tham quan và tìm hiểu khách có thể thích thú với các sản phẩm ăn theo”, vị này nói.

Băn khoăn tour làng nghề, di sản ảnh 1
Làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Không được trùng lặp

“Sản phẩm du lịch Hà Nội vẫn đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chẳng hạn suốt ngày Văn Miếu nhưng cũng không có gì nhiều để nói. Còn phát triển các sản phẩm mới cần chú ý rằng trong một chương trình du lịch muốn hấp dẫn thì không được trùng lặp. Nếu chúng ta chỉ kết nối các điểm du lịch văn hóa không thì khó hấp dẫn, nhất là khách du lịch quốc tế”, PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nói với Tiền Phong. Ông phân tích ngay cả với hai di sản như đền Phù Đổng với Cổ Loa cũng rất khó kết nối với nhau. Nếu Hà Nội vẫn muốn phát triển sản phẩm này thì phải đi theo tiến trình lịch sử. “Tour văn hóa luôn rất kén khách, tôi cho rằng phải kết hợp với tự nhiên thì mới mong tạo nên tour hấp dẫn”, PGS. Lương nói.

Ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Cty Hanoi Redtours cho rằng khách quốc tế xưa nay đến với Hà Nội vẫn thích thú tour thăm Bát Tràng. Di tích như Đền Phù Đổng không hẳn hấp dẫn như chúng ta nghĩ. “Nếu chỉ là du lịch tâm linh, quanh Hà Nội quá nhiều điểm hấp dẫn. Hơn nữa khách đến Hà Nội thường ở lại không lâu nên họ phải chọn điểm đặc sắc. Cứ nói di tích đẹp nhưng ta phải xem có đặc sắc hơn chỗ khác hay không”, ông Hoan nói. Thực tế đền Phù Đổng có thể gắn với các di tích khác để thực hiện tour tâm linh Tứ bất tử ở đền thờ Chử Đổng Tử, đền thờ Đức Thánh Tản và Phủ Tây Hồ. Tuy nhiên tour này chỉ thịnh vào mùa lễ hội đầu năm, thời gian còn lại gần như khó trụ được.

“Chúng ta phải nghĩ theo hướng làm thế nào để khách đến sử dụng dịch vụ, thu được tiền của khách. Còn nếu chỉ có đến đền chùa không thôi thì không ổn. Khách đến Bát Tràng đảm bảo yếu tố tham quan, mua sản phẩm và chúng ta vẫn quảng bá được điểm đến. Như vậy tour mới có ý nghĩa về mặt kinh doanh”, ông Hoan nói. PGS. TS. Phạm Trung Lương cho rằng với đặc thù Hà Nội nằm trong vùng văn minh lúa nước cho nên có thể lồng ghép giá trị làng quê vào các sản phẩm du lịch, nếu chỉ phát triển theo hướng di tích không thôi e khó. “Hơn nữa tôi nghĩ trước khi nghĩ tới sản phẩm mới nên nâng cấp sản phẩm truyền thống đang bán cho khách sẽ có ích hơn”, ông nói.
 

Bát Tràng và Vạn Phúc là hai làng nghề được UBND thành phố Hà Nội chọn để quy hoạch đồng bộ. Bát Tràng được đầu tư xây dựng các khu dịch vụ hỗ trợ du lịch như khu ẩm thực, công trình dành cho văn hóa cộng đồng, khu bảo tồn di sản văn hóa, khu thương mại bán sản phẩm địa phương.


Theo Nguyên Khánh - TP

 

Các bài mới
Các bài đã đăng