Vượt ra ngoài thông điệp ban đầu mà người tặng muốn gửi gắm, mỗi tặng vật còn hàm ẩn giá trị nhân văn, những câu chuyện cảm động, thể hiện tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào và tấm lòng của người dân đối với Người. 79 tặng phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những câu chuyện chưa kể đang được giới thiệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 127 năm ngày sinh của Người.
Chiếc quạt giấy in hình đền Ngọc Sơn và cầu Thê Húc; chiếc khăn vuông lụa trắng phau, thêu hình hai đứa trẻ chơi đùa. Món quà ấy được vợ chồng chiến sĩ Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu làm tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ 78 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1968) với lời nhắn: “Chúng cháu rất nhớ Bác và mong có ngày được đón Bác vào Nam. Anh Lê Hồng Tư của cháu vẫn ao ước ngày nước nhà độc lập, hai chúng cháu sẽ được dẫn nhau đi đón Bác. Những lúc gặp khó khăn nhất, chúng cháu đều nhớ đến Bác”. Một là hình ảnh của Thủ đô, một gợi về những điều thân thuộc, món quà thể hiện tình yêu sâu đậm đối với Bác, thể hiện lòng tôn kính với Người khi hướng về.
Chuyện về những năm tháng bị gông cùm (1955 - 1956), Trọng Tuyển sáng tác tập thơ 38 bài, với 3 phần: Ngày mai ca hát, Lửa thử vàng và Nụ cười, thể hiện ý chí kiên cường, không khuất phục với ước nguyện lớn nhất là một ngày được tận tay dâng Bác. Nhưng rồi, trong một trận càn bất ngờ, biết không thể qua khỏi, anh nhanh trí chôn giấu tất cả tài liệu bí mật, trong đó có tập thơ của mình để không bị rơi vào tay giặc. Đến tháng 10.1962, trong buổi tiếp đón Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, nhà thơ Thanh Hải thay mặt tác giả tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh tập thơ. Cầm cuốn sổ trên tay, nhìn những câu thơ ngay ngắn, từng con chữ nắn nót, ý thơ trong sáng, Bác lặng đi vì xúc động. Hồi lâu, Người đặt tay lên ngực mình rồi nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có câu này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều câu chuyện cảm động được kể tại Triển lãm “Tặng phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Những câu chuyện chưa kể” khai mạc chiều 18.5 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội). Những món quà gửi đến Người đều rất đỗi giản dị. Từ tấm áo để Bác mặc hàng ngày, là chiếc đài để Bác nghe tin tức, là chiếc máy đánh chữ để Bác làm việc, là sản phẩm thủ công mỹ nghệ để Bác trang trí, hay tổ yến để Bác bồi bổ sức khỏe... Những món quà phong phú và đa dạng, thể hiện tấm lòng đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành sự quan tâm sâu sắc đến đồng bào, chiến sĩ. Món quà nhỏ nhưng thể hiện sự chu đáo và tình yêu thương bao la của Người.
Sau khi giành độc lập năm 1945, để khuyến khích phong trào thi đua diệt giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua Bộ Giáo dục gửi tặng ảnh chân dung trên đó có chữ ký và lời đề tặng “Chiến sĩ thi đua diệt giặc dốt”. Năm 1948, bà Nguyễn Thị Kim Dung - sau này là ĐBQH Khóa III - may mắn được nhận món quà đặc biệt này. Lấy đó là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn, bà càng ra sức thi đua “vững tay súng, chắc tay cày”, mong một ngày được báo công với Bác. Năm 1964, khi đã làm ĐBQH, ước nguyện ấy của bà thành hiện thực. Trong Hội nghị ở Phủ Chủ tịch, sau khi chia kẹo cho mọi người, Bác gọi bà Dung và đùa: Cháu là nông dân mà vận áo dài thế này, lúc đi cày thì làm thế nào? Câu nói ấy khiến mọi người cười ồ nhưng với bà Dung, nó để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc. Hình dung về vị lãnh tụ của dân tộc càng thêm sáng tỏ, Bác không chỉ là người chèo lái con thuyền đưa đất nước đến độc lập, tự do, mà còn quan tâm, hiểu công việc từng người. Khi cùng đoàn ra chụp ảnh kỷ niệm, bà thấy có bàn tay nắm chặt phía sau, bất ngờ quay lại, mới biết là Bác Hồ. Chẳng là thấy bà còn trẻ mà gầy quá, lại biết bà đã sinh nhiều con, Người nhắc bà kế hoạch hóa để giữ sức khỏe, học tập nâng cao kinh nghiệm sản xuất, và hứa gửi tặng huy hiệu của Bác. Đến mãi sau này, bà vẫn thường giơ bàn tay đó ra và nói với mọi người, lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ, Người đã nắm tay bà như vậy.
Kể lại những câu chuyện đằng sau hiện vật, chị Nguyễn Thu Huyền, Phòng sưu tầm, Bảo tàng Hồ Chí Minh xúc động nói: “Như cái nắm tay của Bác truyền cho bà Dung năng lượng trong cuộc sống, bà muốn lan truyền hơi ấm đó. Những con người ấy phần lớn đến nay không còn, nhưng câu chuyện thì vẫn tiếp tục được kể, đến mọi người”.
Theo Thái Minh - ĐBND