Văn nghệ trong nước
Chiêm nghiệm trên những bản khắc
10:25 | 29/05/2017

Họa sĩ Trần Nguyên Đán đang có chuyến “hành phương Nam”. Theo chân ông trong chuyến đi này có 80 bức tranh khắc gỗ. Những bức tranh mang theo tâm tình của ông về nghệ thuật truyền thống được gửi gắm trong những nét khắc về quê hương, đất nước… Kết thúc triển lãm, họa sĩ sẽ tặng toàn bộ số tranh này cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.

Chiêm nghiệm trên những bản khắc
Họa sĩ Trần Nguyên Đán tự họa

1. Những bức tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán đang được trưng bày tại triển lãm chuyên đề có cái tên giản dị như con con người ông: “Hội họa Trần Nguyên Đán”. Đó là những bức tranh ông vẽ trong vòng 40 năm trở lại đây. 

Triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1), kéo dài đến 12.6, không ồn ào nhưng đủ sâu đủ lắng đã mở ra cơ hội cho công chúng yêu mỹ thuật ở miền đất phương Nam nhiều nắng. Ở đó, triển lãm chia ra 7 chủ đề: Ai về Thủ đô, Nghệ thuật bốn phương, Múa khèn, Hội An, Huế… 

Đó là những mảng tranh mà họa sĩ Trần Nguyên Đán dày công sáng tạo và gặt hái thành công. Qua đó, hồn dân tộc được hiện lên trong tranh khắc gỗ- một thứ nghệ thuật truyền thống mà đến nay, ít người theo đuổi. Còn với họa sĩ Trần Nguyên Đán, cả đời ông tận tâm với dòng tranh này, và nghề đã không phụ người, để đến nay, ông xứng đáng là một trong những đại diện xuất sắc. 

Bằng triển lãm này, thêm một lần nữa họa sĩ Trần Nguyên Đán bước khỏi những năm tháng vẻ như ở ẩn đắm mình trong suy nghiệm trên những bản khắc. Đây cũng là lần đầu tiên tranh khắc gỗ Trần Nguyên Đán được giới thiệu một cách hệ thống, đầy đủ với công chúng phía Nam. Trước đây, hồi năm 1991, ông cũng đã bày tranh ở Hội Nhà báo TP HCM.

Nhưng lần trở lại mảnh đất phương Nam sau 26 năm có một ý nghĩa đặc biệt. Bởi lần này, ông được Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM mời đích danh để trưng bày triển lãm cá nhân. Mọi chi phí do Bảo tàng chi trả. Chính điều đó khiến Trần Nguyên Đán cảm thấy tự hào. Và bởi thế, ở tuổi 76, họa sĩ vẫn có phần hồi hộp với chuyến “hành phương Nam” lần này. 

Hồi hộp không phải bởi lo lắng xem sẽ bán được bao nhiêu tranh vì sự thật, tranh ông làm ra đã có nhiều nhà sưu tập “nhòm ngó” khi nó vừa hoàn thành trong căn nhà không quá rộng ở phố Khương Trung (Hà Nội). Thậm chí có người còn mua luôn cả bản khắc. Nhưng điều ông mong muốn, là lan tỏa được tình yêu với nghệ thuật tranh khắc gỗ, lan tỏa vẻ đẹp của đất nước đến với công chúng miền Nam.

Vì thế, ông đã quyết, khi kết thúc triển lãm, toàn bộ tác phẩm sẽ được tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM để bảo tàng tiếp tục trưng bày, giới thiệu với công chúng. Quyết định điều ấy, ông cũng không suy tính nhiều, dù rằng trong số 80 bức tranh triển lãm lần này, họa sĩ Trần Nguyên Đán  bảo, có tới 65 bức tranh mà nếu tặng đi, ông không còn bản nào lưu giữ lại. 

Phố cổ Hội An  của Trần Nguyên Đán.

2. Với việc làm này, Trần Nguyên Đán là họa sĩ hiếm hoi “dám” hiến tặng toàn bộ tranh trong triển lãm cho bảo tàng lưu giữ. Ông cho biết, khi nhận lời mời của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, ông chỉ có một yêu cầu: Chỉ trưng bày những bức tranh ông gửi vào chứ không lấy tranh của ông trong sưu tập của Bảo tàng.

Theo họa sĩ Trần Nguyên Đán, nhiều năm nay Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cũng đã sưu tập của ông khoảng 30 bức. Ông không muốn trong triển lãm này lại “lẫn” những bức tranh ông đã bán. Vì thế, ông gửi vào 120 bức, sau đó bảo tàng đã chọn ra 80 bức để treo. 

Trước triển lãm này, tháng 3 năm ngoái họa sĩ Trần Nguyên Đán đã có cuộc triển lãm đánh dấu sự “tái xuất” của mình sau 13 năm “ở ẩn”. Triển lãm đó được giới làm nghề đánh giá tốt, đồng thời nó cũng khiến cái tên Trần Nguyên Đán “lộ sáng” để nhiều người biết tới ông hơn.

Dù đã được nhận Giải thưởng Nhà nước từ 2007 với 5 tác phẩm, nhưng cái tên Trần Nguyên Đán quả thực không được “phủ sóng” trên truyền thông. Điều đó có vẻ như một sự thiệt thòi cho người cả đời nặng lòng với tranh khắc gỗ. Nhưng Trần Nguyên Đán là người chọn lựa con đường ấy.

Ông không thích sự đánh bóng và huyễn hoặc nghề nghiệp cũng như tác phẩm của mình. Trần Nguyên Đán sống giản dị, và thích cuộc sống bình lặng. Bởi như ông tự nhận, ông là con ong thợ, bền bỉ và say đắm với nghề.

Tuy vậy, trong giới, nhắc đến họa sĩ Trần Nguyên Đán không ai không biết. Sự nghiệp của ông cũng khá đa dạng, với tranh khắc trên gỗ, trên thạch cao, trên bìa; rồi trên vải, lụa… Nhưng dấu ấn rõ nét nhất Trần Nguyên Đán để lại là trên mảng tranh khắc gỗ.  

Nói như họa sĩ Hứa Thanh Bình- Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, “trong kho tàng tranh khắc gỗ của họa sĩ Trần Nguyên Đán, càng về sau, các sáng tác của họa sĩ càng mặn mà, tinh tế hơn, cách truyền tải tâm tư, tình cảm thông qua từng nét khắc cũng ý nhị hơn, xứng đáng là người giữ gìn những nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”.

Theo Thư Hoàng - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng