Sau 5 ngày trình diễn sôi nổi, lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc – 2017 vừa khép lại tại TP. Nam Định. Tuy nhiên, bên cạnh giải thưởng giành cho các tài năng trẻ xuất sắc, vẫn còn đó những băn khoăn về khoảng trống kế thừa của lớp nghệ sĩ trẻ kế cận.
“Gà nòi” đi thi
Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc 2017 có sự tham gia của 37 diễn viên đến từ 7 đơn vị đến từ trung ương và hai đoàn nghệ thuật địa phương là Nhà hát Ca múa nhạc Lam Sơn Thanh Hoá và Đoàn kịch nói Nam Định. Sau 5 ngày tranh tài, BTC đã trao 5 Huy chương Vàng cho các diễn viên: Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Thanh Hương, Đào Chí Nhân ( Đoàn Nhà hát Kịch nói Quân đội); Vũ Hồng Lê (Đoàn Đoàn Kịch nói Công an nhân dân); Nguyễn Thị Duyên (Đoàn Nhà hát Kịch Việt Nam) và 11 Huy chương Bạc cho các tài năng xuất sắc. Dẫu thế, danh sách kết quả dường như không có quá nhiều sự bất ngờ khi hầu hết các giải thưởng cao nhất đều thuộc về các nghệ sĩ của các đoàn kịch có tên tuổi.
Thậm chí, theo đánh giá của các thành viên ban giám khảo, tại cuộc thi này các “gà nòi” đã được đầu tư khá bài bản với những vở diễn đã từng được trình diễn nhuần nhuyễn. NSND Hoàng Dũng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo đánh giá: Rất nhiều NSND, NSƯT đã dàn dựng bài thi cho các nghệ sĩ trẻ. Thậm chí, nhiều lãnh đạo các nhà hát, các đoàn nghệ thuật đã tham gia diễn xuất trong các bài thi để giúp các nghệ sĩ trẻ tỏa sáng. Cũng theo NSND Hoàng Dũng, các tiết mục tham gia rất phong phú về mặt đề tài. Nhiều diễn viên trẻ chủ động trong các bài thi, tự biên tập, tự dàn dựng, tự lo kinh phí, đầu tư trang phục, đạo cụ cho tiết mục của mình. Thậm chí, nhiều tài năng trẻ đã biết kết hợp nghệ thuật truyền thống trong bài thi kịch nói của mình một cách sáng tạo và hiệu quả. Khoảng lặng trong diễn xuất ở một số trích đoạn đã được diễn viên xử lý rất đắt.
Còn nhiều băn khoăn
Bên cạnh những thành công cuộc thi cũng đã để lại cho những người “cầm cân, nảy mực” nhiều suy nghĩ. Bởi cho dù có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật địa phương thì dường như đây vẫn chỉ là cuộc thi “nội bộ” của các nghệ sĩ của trung ương và Hà Nội. Trong khi, một môi trường kịch nói khu vực phía Nam không có đại diện nào tham dự. Lý giải về điều này, đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết vì điều kiện kinh phí eo hẹp nên các diễn viên trẻ TP HCM khó có thể tới được cuộc thi. Ông cũng đề nghị ở cuộc thi sắp tới ban tổ chức cần có một sự hỗ trợ để khuyến khích cho các diễn viên trẻ ở TP. HCM có thể có điều kiện dự thi. Có như vậy qua cuộc thi mới có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng lớp diễn viên trẻ hiện nay.
Việc thiếu vắng những “làn gió mới” phương Nam cũng làm nhiều giám khảo của cuộc thi thừa nhận các tiết mục, trích đoạn tham gia đang bộc lộ rất lớn sự chênh lệch về trình độ diễn viên giữa các nhà hát ở trung ương, Hà Nội với các đơn vị nghệ thuật địa phương. Chương trình dự thi của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội hay các đơn vị của quân đội, công an có phần nổi trội hơn so với các diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật địa phương. Các thành viên ban giám khảo thẳng thắn góp ý nhiều nghệ sĩ trẻ chọn trích đoạn tham gia thi chưa hay, ít đất diễn. Thậm chí nhiều người vì áp lực cuộc thi đã chọn trích đoạn chưa thật phù hợp với năng lực, sở trường nên chưa bộc lộ hết khả năng của mình…
Như vậy, ở riêng lĩnh vực kịch nói và sân khấu truyền thống nói chung, sau mỗi cuộc thi, liên hoan cho dù đánh giá là thành công tốt đẹp nhưng vẫn có những vui buồn đan xen… Sân chơi dường như mỗi ngày càng thu hẹp lại, và cuộc thi tìm kiếm tài năng ở lĩnh vực cụ thể vừa rồi vẫn chỉ là cuộc đua nội bộ.
Theo Minh Quân - ĐĐK