Hơn 30 tác phẩm của danh họa Raffaello là sự hài hòa của màu sắc, đường nét và chuyển động. Bằng cách dùng công nghệ hiện đại tái hiện các kiệt tác thời Phục hưng, triển lãm mở ra hành trình nghệ thuật độc nhất vô nhị, khẳng định giá trị di sản không thể bị phủ mờ bởi thời gian.
Sức mạnh khơi dậy cảm xúc
Lần đầu tiên tại Việt Nam và châu Á, công chúng có cơ hội thưởng lãm những tác phẩm nổi tiếng thời kỳ Phục hưng được kỹ thuật số hóa. Đó là 31 tuyệt tác của danh họa Italy Raffaello, đang trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội). Thông qua công nghệ hiện đại, các bức tranh được tái hiện chân thực với độ phân giải cực cao, tuyệt đối trung thành với nguyên bản. Sự kết hợp ấy đem đến cảm giác đầy bất ngờ. Người xem như được sống cùng với sự kiện lịch sử, câu chuyện trong từng tác phẩm, hòa vào dòng ý tưởng của chủ nghĩa nhân văn thời kỳ Phục hưng mà Raffaello là một trong những danh họa bậc thầy.
Từ bức bích họa cắt khối đầu tay Đức mẹ và chúa hài đồng vẽ khi 14 - 15 tuổi đến kiệt tác cuối cùng vẽ trên gỗ mang tên Chúa Giê su biến hình, Raffaello đã thể hiện tài năng hội họa kiệt xuất, đồng thời làm sáng tỏ tuyên ngôn: Con người là trung tâm của nghệ thuật. Xem tranh của ông, ta thấy tình yêu trong từng chuyển động của cuộc sống, cả sự tinh tế, thanh cao và lịch thiệp. Như các danh họa cùng thời, Raffaello vẽ nhiều về đề tài Thiên chúa giáo, nhưng kết hợp tài tình giữa tôn giáo với đời thường, thiêng liêng thánh thiện với gần gũi. Chẳng hạn, trong tác phẩm Đức mẹ ngồi ghế, các nhân vật được nối kết với nhau bởi sự dịu dàng và tình cảm trìu mến, sẻ chia. Phải ngắm bức tranh ở cự ly gần mới thấy Raffaello đã làm được điều kỳ diệu thế nào khi vào năm 1515, ông biết vuốt ve nước da hồng hào, làm sáng lên từng sợi vàng thêu trên khăn choàng và đùa nghịch với ánh sáng phản chiếu màu của cánh áo, qua đó gợi tình mẫu tử thiêng liêng.
Theo Đại sứ Italy tại Việt Nam Cecilia Piccioni: “Tranh của Raffaello có sự hòa quyện độc đáo khiến người xem không thể rời mắt. Càng chiêm ngưỡng, càng khơi dậy cảm xúc về những giá trị nhân văn ẩn chứa trong từng nét cọ. Đó là tiêu biểu của nghệ thuật thời kỳ Phục hưng, của di sản văn hóa Italy mà chúng tôi luôn muốn gìn giữ và tái hiện”.
Cân bằng chia sẻ và gìn giữ
Tác phẩm Đức mẹ ngồi trên ghế, tái hiện từ tranh gốc vẽ trên gỗ năm 1514 - 1515 |
Ảnh: Lê Thư |
Raffaello sinh năm 1483, là họa sĩ, kiến trúc sư. Trong quãng đời ngắn ngủi của mình (mất năm 37 tuổi), ông đã để lại khối di sản đồ sộ gồm các bức bích họa, bản vẽ, tác phẩm kiến trúc; cùng Michelangelo và Leonardo da Vinci hình thành bộ ba bậc thầy vĩ đại của mỹ thuật thời Phục hưng. Triển lãm Raffaello: Các tác phẩm đã được trưng bày tại nhiều quốc gia như Mexico, Mỹ, Thụy Điển… Triển lãm tại Việt Nam do Đại sứ quán Italy phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cùng các đơn vị bảo trợ nghệ thuật hiện đại thực hiện, kéo dài đến 2.8.2017. |
Để thực hiện triển lãm, các chuyên gia về nghệ thuật thị giác đã phân tích tỉ mỉ thông số của bức tranh gốc bằng kỹ thuật máy tính, sau đó dùng đèn chiếu để tạo cảm giác cho tác phẩm. Nhờ vậy, vẻ sống động được giữ nguyên, những đường cọ, gam màu cũng được tái hiện chính xác. Cũng nhờ công nghệ, Italy có thể giới thiệu đến đông đảo công chúng bộ sưu tập những kiệt tác của Raffaello đang nằm phân tán ở nhiều bảo tàng trên khắp thế giới. “Nếu muốn chiêm ngưỡng tận mắt các tác phẩm của Raffaello, ta phải đi một hành trình dài tới Italy, Pháp, Đức, Nga, Áo... Nhưng với cách làm này, nghệ thuật của thế kỷ XV, XVI, mà gọi chung là truyền thống - những điều tốt đẹp của quá khứ, đã được nuôi dưỡng và phổ biến” - Đại sứ Cecilia Piccioni nói.
Không chỉ tái hiện tác phẩm của Raffaello, tới nay, Italy đã thực hiện hơn 30 cuộc trưng bày ở nhiều quốc gia, giới thiệu kiệt tác của những danh họa như Caravaggio, Leonardo da Vinci, cũng theo cách tương tự. Tính năng đặc biệt của trưng bày được đánh giá là một công cụ để quảng bá văn hóa Italy trên toàn thế giới, thậm chí trở thành con đường quan trọng thu hút khách du lịch đến nước này. Đại sứ Cecilia Piccioni cho biết, những công việc trên được thực hiện nhờ sự góp sức của nhiều bên: Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, các chuyên gia và nghệ sĩ… bảo đảm mục tiêu cân bằng giữa việc chia sẻ và gìn giữ di sản - điều luôn được Chính phủ và người dân Italy coi trọng.
“Dù được số hóa nhưng nếu quan sát kỹ vẫn thấy dấu vết thời gian trên những bức tranh. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng, di sản không chỉ nằm ở các tác phẩm lâu đời, mà còn ở chính những tác phẩm tái hiện nhờ công nghệ hiện đại và mang tới cho thế hệ tương lai. Rõ ràng, có rất nhiều thứ trong quá khứ có thể lưu giữ và truyền lại thông qua con đường ấy. Kết quả là nó sẽ trở thành một công cụ văn hóa, là một cách để hợp tác, phát triển ngoại giao với các nước, mà lần này là Việt Nam”, Đại sứ Cecilia Piccioni chia sẻ.
Theo Lê Thư - ĐBND