Văn nghệ trong nước
Chờ mong 13 cuốn sách hiếm có về văn nghệ sĩ Việt Nam thế kỷ XX
08:07 | 13/06/2017

Ngày 15/6, tại Nhà hát lớn Hà Nội, sẽ diễn ra sự kiện nghệ thuật “13 và…” ra mắt bộ sách 13 cuốn gồm chân dung, phê bình tiểu luận của nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha với tên chung: “Những tài danh âm nhạc Việt Nam”.

Chờ mong 13 cuốn sách hiếm có về văn nghệ sĩ Việt Nam thế kỷ XX
Các tác phẩm của Nguyễn Thuỵ Kha

Đây là lần đầu tiên, một tác giả cùng lúc ra mắt bộ sách tới 13 cuốn sách. Bộ sách đồ sộ khiến độc giả ngỡ ngàng về sức sáng tạo miệt mài bền bỉ của nhà thơ - nhạc sĩ - nhà báo Nguyễn Thụy Kha. Trong bộ sách có 7 quyển thuộc loạt “Những tài danh âm nhạc Việt Nam” gồm các chân dung nhạc sĩ nổi tiếng: Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Huy Du, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao.

Bên cạnh đó là các quyển: "Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: một thời hòa bình", "Thế kỷ âm nhạc Việt Nam: một thời đạn bom", "Nguyễn Văn Huyên - bản giao hưởng văn hóa", "Hàn Mặc Tử - thi sĩ đồng trinh", "Lời quê góp nhặt", "Thuở bình minh tân nhạc".

Nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ Thuỵ Kha cho biết, bộ sách của ông không chỉ là kiểu trích ngang, mà là những chân dung nghệ thuật của những nhạc sĩ tài danh, bởi điều này mới làm nên bức chân dung chính xác nhất về họ. Dù là thể loại chân dung, phê bình tiểu luận đòi hỏi phải chính xác về thông tin; nhưng vẫn có cảm xúc, có tình cảm của người viết, vẫn có văn. Một đời chiêm nghiệm, nghiên cứu cho một công trình, 13 cuốn sách.

Chia sẻ về cảm hứng cho bộ tác phẩm đồ sộ này, Nguyễn Thụy Kha cho biết: "Ngày 1/1/1990, tôi nhận quyết định phục viên với quân hàm thiếu tá. Ông bạn Thanh Thảo ở Quảng Ngãi thấy thế, rủ tôi cùng làm tạp chí Sông Trà – một tạp chí văn nghệ của tỉnh Quảng Ngãi. Tôi nhận lời làm đại diện cho tạp chí ở Hà Nội. Để chuẩn bị ra mắt số đầu tiên vào dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhật Bác, tôi được ủy nhiệm là đến gặp bác Phạm Văn Đồng – một người con lớn của Quảng Ngãi, để xin lời chúc mừng sự ra mắt của tạp chí. Sau khi hỏi về công việc của tôi, bác có một lời khuyên mà tôi nhớ đời: “Cháu hãy tập trung sức lực và khả năng làm dân trí. Dân trí mà lên thì xã hội mới tiến bộ được”.

Cũng thời gian đó, tôi được đọc nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, do chị Hiền – con gái đầu của nhà văn, cho mượn. Một câu tự nhủ mình của ông, trở thành kỷ luật lao động của tôi: “Mỗi ngày hãy viết hai trang. Ngày nào có chuyện không viết được, thì ngày sau phải viết bù”. Lời khuyên của bác Phạm Văn Đồng hướng cho tôi mục tiêu viết. Còn lời trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì trở thành phương châm hành động của tôi. Và cứ vậy cho đến nay, đã 27 năm trôi qua, nếu nhân lên trang viết của mình theo thời gian, thì tôi đã viết được ít nhất là gần 2 vạn trang. Đúng là có công mài chữ … mỗi ngày 2 trang”.

Tác giả Nguyễn Thuỵ Kha.

Trong số lượng trang viết đó, phần lớn là các bài báo văn hóa – văn nghệ mà khi tổ chức lại để in sách, chúng đã tạo nên cho 3 đầu sách. Đầu sách ở dạng chân dung – phê bình – tiểu luận văn học được Thụy Kha đặt tên theo câu kết “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là “Lời quê góp nhặt”. Đầu sách ở dạng tổng kết Tân nhạc Việt Nam từ khi khai sinh đến nay được tổ chức thành hai cuốn với tiêu đề “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – một thời đạn bom”, “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – một thời hòa bình” cũng lấy ý từ câu hát trong bài “Nhớ Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp “Một thời đạn bom – một thời hòa bình”.

Để có thể khai thác mình ngoài thơ, nhạc, Nguyễn Thụy Kha chọn con đường đến với văn xuôi bằng thể loại “Tiểu thuyết chân dung”, một thể loại “tiểu thuyết nhưng phi hư cấu”. Mùa xuân Nhâm Thân 1992, ông bắt đầu khởi sự ý định này bằng việc viết tiểu thuyết chân dung về Văn Cao với cái tên “Văn Cao – người đi dọc biển”. Tiểu thuyết được mở đầu bằng chương “Ngày xuân tái ngộ”, kể lại chuyện Tố Hữu đến chúc tết Văn Cao tại tư gia mùa xuân năm Tân Mùi 1991 sau hơn 30 năm không gặp nhau. Tiểu thuyết gồm 21 chương. Mỗi chương lại được đề từ bằng thơ Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm. Ông mang bản thảo đến Nhà xuất bản Lao Động. Nhà văn Ma Văn Kháng hồ hởi tiếp nhận và cho ấn hành ngay trong năm.

Được động viên, mùa xuân năm Quý Dậu 1993, Nguyễn Thụy Kha viết tiếp cuốn “Hàn Mặc Tử - thi sĩ đồng trinh”. Cuốn này được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành ngay. Mùa xuân Giáp Tuất, ông lại viết “Nguyễn Văn Huyên – bản giao hưởng văn hóa”. Cuốn này đến nay mới ấn hành. Sau “Hàn Mặc Tử - thi sĩ đồng trinh”, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tiếp cuốn tự truyện “Một lần thơ trẻ” mà Nguyễn Thụy Kha đã viết từ năm 1982.

Vào thời gian ấy, ông gom những bài báo để tổ chức thành các cuốn sách: “Lời quê góp nhặt”, “Nửa thế kỷ Tân nhạc”, “Đời nghệ sĩ, tình nghệ sĩ” và ấn hành các tập thơ “Không mùa”, “Mẹ cửa biển”, “Lửa trắng và ớt xanh”, “Thời máu xanh” nên tạm dừng viết tiểu thuyết chân dung. Năm 1998, Viện Âm nhạc yêu cầu ông viết tiểu thuyết chân dung về 5 nhạc sĩ được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I là: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao và Hoàng Việt. Vậy là ông lại quay về mạch viết tiểu thuyết chân dung. Năm 2000, tập sách gồm 5 tiểu thuyết chân dung mang tên “Những gương mặt âm nhạc thế kỷ” được hoàn thành và ấn hành nội bộ giới âm nhạc.

Nhưng ngay từ cuối năm 1999, Nguyễn Thụy Kha lại được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo từ Paris về mời viết một tiểu thuyết chân dung. Qua làm việc, ông quyết định sẽ viết tiểu thuyết này như một tiểu thuyết du ký sau khi cùng Nguyễn Thiện Đạo lang thang xuyên Việt. Nó gồm 7 ngày là 7 chương như 7 ngày của chúa, nhưng trong mỗi ngày lại có sự biến chuyển của 9 quẻ dịch, mỗi quẻ dịch lại có sự biến chuyển của 6 hào. Vậy 7 ngày đã tải được 63 quẻ dịch. Quẻ cuối cùng – quẻ 64 Hỏa thụy vị tế là phần vĩ thanh. Cuốn “Nguyễn Thiện Đạo – nhạc sĩ bị giời đày” đã được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành 2003.

Sang năm 2004, ông được Viện âm nhạc yêu cầu viết tiếp về nhạc sĩ Huy Du. Vậy là cuốn “Huy Du – đời và nhạc” được hoàn thành và ấn hành. Trong thời gian này, ông còn ghép các chân dung nhỏ mà mình viết vào cuốn “Bóng thế kỷ” được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành 2002. Cùng lúc là sự ra đời của trường ca “Gió Tây Nguyên” và “Năm tháng và chiều cao” cùng các tập thơ “Càn khôn ngàn tuổi”, “Biệt trăm năm”.

Từ năm 2008, ông tập trung vào viết hợp xướng và làm tuyển tập “1000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội” nên không tiếp tục mạch tiểu thuyết chân dung nữa. Năm 2011, ông làm cuốn “Nhà hát Lớn vẻ đẹp tròn thế kỷ” và sau đó là ấn hành các tập thơ “Thuở binh nhì”, “Lúa tím”, “Trường ca ngắn và kịch thơ”, cùng Nhà Xuất bản Văn hóa Sài Gòn ấn hành tập “Những gương mặt tài danh”.

Suốt 27 năm qua, vừa viết báo kiếm sống, vừa cặm cụi viết tiểu thuyết chân dung và làm thơ, ông không nghĩ có một ngày Nhà xuất bản Văn học và công ty Vinabook yêu cầu cùng một lúc tái bản cùng xuất bản mới 13 cuốn sách.

"Vậy là công mài chữ của tôi đã được ghi nhận. Tất cả khó khăn của cuộc đời làm nhà báo tự do mà tôi đã trải qua bỗng tan biến trong khoảnh khắc. Chỉ còn lại niềm vui được cống hiến tận cùng. Con số 13 là con số xui của Châu Âu, nhưng với tôi nó lại như con số định mệnh... Có người hỏi, ông ra cùng lúc 13 cuốn sách của mình để làm gì? Có phải là muốn tạo ra một kỷ lục xuất bản? Thưa không. Ngàn lần không.

Tôi chỉ muốn trong công việc “mài chữ” của mình suốt 27 năm qua, với những gì tôi đã gắng gỏi hết sức, xin gửi lại thế hệ sau một bộ tài liệu chân xác về những văn nghệ sĩ Việt Nam đã đau khổ, đã dâng hiến cho nền văn nghệ nước nhà đến hơi thở cuối cùng của họ. Nếu không, các thế hệ sẽ bị đứt đoạn trong việc nhìn nhận về nhau. Bởi thế, bao năm qua bạn bè vẫn trách: “Ông chỉ là thằng áo gấm đi đêm. Ông còn để họ ăn gian ông đến bao giờ nữa?”. Với ý nghĩ trên, tôi xin được một lần “Áo gấm đi ngày”, những mong ai phê phán rằng tôi “làm reo về mình”, thì hãy thật sự thông cảm – tôi vẫn là Nguyễn Thụy Kha âm thầm, lặng lẽ dâng hiến" - Thụy Kha trần tình.

Bộ sách sẽ được đích thân tác giả giới thiệu đến báo giới trong buổi gặp gỡ vào ngày 15/6 ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại buổi gặp gỡ này, các sáng tác nổi tiếng của các tác giả mà Thụy Kha vinh danh trong sách sẽ được các ca sĩ tên tuổi như NSUT Đăng Dương, NSUT Quỳnh Hoa, NSUT Sao Mai, Lộc Vàng, Ngọc Châm, Minh Thu, Mai Trang... thể hiện.

Hỗ trợ đặc biệt và hết mình cho sự kiện ra mắt bộ sách tại Nhà hát lớn của nhạc sĩ Thuỵ Kha chính là người bạn vô cùng thân thiết với ông, hoạ sĩ Lê Thiết Cương. Hoạ sĩ Lê Thiết Cương là người giúp nhạc sĩ Thuỵ Kha toàn bộ phần thiết kế mỹ thuật cho sự kiện, có thể nói đây là sự kiện ra mắt sách được tổ chức trọng thể và tỉ mỉ hiếm có.

Cảm kích trước công trình đồ sộ của bộ sách này, chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” tôn vinh tác giả tác phẩm do ca sĩ Ngọc Châm làm giám đốc sản xuất cũng đã góp sức tổ chức chương trình ra mắt. Ca sĩ Ngọc Châm chia sẻ, cô rất bất ngờ trước bộ sách đồ sộ của nhạc sĩ Thụy Kha, trên con đường tìm kiếm, tôn vinh các nhạc sĩ Việt Nam mà cô và chuỗi chương trình của mình theo đuổi nhiều năm nay, thì bộ sách là một tài sản quý giá giúp cho cô có thêm nhiều tư liệu, góc nhìn về các nhạc sĩ Việt Nam thế kỷ XX phục vụ hữu ích cho chuỗi chương trình. Nhạc sĩ Thụy Kha cũng chính là một tác giả mà “Vàng son một thuở” thấy cần phải tôn vinh với bộ sách của ông.

Theo baotintuc

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng