Trải qua thời gian, dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với nhiều hình thức và thể loại, trong đó nổi bật là Mo Mường.
Cuối tháng 5 vừa qua, tại tỉnh Hòa Bình, Ban chỉ đạo về di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm 2017 của Ban chỉ đạo, bàn về việc đưa di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường vào danh sách các di sản để xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Nỗ lực đưa Mo Mường vào danh sách di sản để xây dựng hồ sơ trình UNESCO
Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm 2017, các sở, ngành đã có sự cố gắng bám sát nhiệm vụ kế hoạch đề ra, tập trung và đảm bảo tiến độ về việc xây dựng đề án lựa chọn chương trình di sản Mo Mường vào giảng dạy tại các trường phổ thông.
Các thành viên Ban chỉ đạo đã phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hoá về việc hỗ trợ tỉnh Hoà Bình về việc mời tư vấn xây dựng hồ sơ Di sản Mo Mường và tiến trình đưa hồ sơ Mo Mường trình các cấp công nhận.
Các địa phương đã tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền ở cơ sở, tổ chức được một số mô hình bảo tồn di sản như tổ chức diễn xướng, trình diễn trong các dịp Lễ hội đầu năm 2017 đạt hiệu quả tốt.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đưa ra kế hoạch và giải pháp cụ thể để xây dựng được hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh mục di sản thế giới trong thời gian sớm nhất. Đồng thời xem xét, phân công nhiệm vụ lập hội đồng khoa học thực hiện đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Đặc biệt phải triển khai nhanh việc xây dựng bộ gõ chữ Mường và biên tập sách Mo Mường theo bộ chữ mới trình các cấp thẩm định.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Chương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, thời gian tới còn nhiều việc cần phải triển khai cấp bách. Vì vậy, đề nghị Sở VH-TT&DL phối hợp với các sở, ngành liên quan lập hồ sơ và tiến hành các bước trình Bộ VH-TT&DL, Hội đồng Di sản quốc gia và Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đưa di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hoà Bình vào danh sách trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ông Chương cũng đề nghị ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng đề án bảo tồn Mo Mường trình UBND tỉnh phê duyệt; hoàn thành bộ gõ chữ Mường và đưa vào sử dụng phục vụ các nhiệm vụ; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách và phương án trình UBND tỉnh hỗ trợ một số mô hình bảo tồn và phát huy tại chỗ di sản Mo Mường tại một số địa phương trọng điểm…
Một thầy mo đang chuẩn bị đồ cúng.
Kết tinh triết lý nhân sinh
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, “Mo” có nghĩa là xướng lên theo những làn điệu nhất định những bài cúng, những khúc Mo nhòm (tả cảnh), những “cát” Mo (một trường đoạn) kể trong các nghi lễ phục vụ đời sống của từng gia đình và cộng đồng.
Còn về mặt danh từ, là để chỉ những người làm nghề Mo (ông Mo) và những bài mo, những áng Mo.
Người làm nghề Mo được dân gian gọi là ông Mo hoặc Trượng. Tuy nhiên, có sự phân biệt giữa người mới làm Mo và những người có dòng dõi làm Mo. Những người có dòng dõi làm Mo được dân chúng coi trọng hơn và gọi là “Mo có nổ”. Những người thế hệ trước đã từng làm Mo của nhà ông Mo được gọi chung là “nổ”.
Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra, ở các vùng Mường hiện nay có 5 làn điệu Mo được dân gian đặt tên: “Ò hoi”, “Dà đôông”, “Dà dê”, “Hâm mo” và “Hệu kệu”. Những làn điệu Mo này, về mặt âm nhạc có giai điệu khác nhau. Cách gọi tên như vậy vì đó là đặc điểm dễ phân biệt giữa các điệu Mo, là câu hô xướng đầu tiên của các điệu Mo.
Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay, Mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ với dân tộc Mường. Giới nghiên cứu cũng khẳng định, Mo Mường đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ nhân dân giàu truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc Mường và vùng đất Hòa Bình.
Mo Mường là sự kết tinh những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, ứng xử văn hóa, triết lý nhân sinh, thể hiện thiết tha tình yêu cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện khí phách, cốt cách của con người và vùng đất miền núi bản Mường ở Hòa Bình.
Mo Mường chính là tính cách, là tâm hồn và đạo nghĩa của dân Mường. Từ quá khứ đến hiện tại, các thế hệ người Mường đã lưu giữ, truyền miệng và phát huy một cách bền vững những giá trị của Mo Mường, tạo nên sức sống, sức lan tỏa sâu rộng của di sản phi vật thể vô cùng quý giá này.
Năm 2015, di sản văn hóa “Mo Mường - Hòa Bình” đã đón nhận Bằng bảo trợ của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, Mo Mường có một số thể loại: Thể loại Mo nghi lễ: Loại mo này bao gồm những bài mo gắn với các lễ nghi trong đời sống tín ngưỡng của người Mường. Thể loại Mo kể chuyện: Thể loại Mo này bao gồm những bài mo có chức năng kể chuyện. Thể loại mo này không cố định về mặt nội dung mà phụ thuộc vào không gian, thời gian, hoàn cảnh hành lễ, sự sáng tạo và tâm lý của Ông Mo. Tuy nhiên nó bắt buộc phải có ở một số nghi lễ và có thể giản lược hay tạm vắng ở một số nghi lễ. Thể loại Mo nhòm: Về nội dung và tính chất, Mo nhòm là loại mo tả cảnh. “Nhòm” trong tiếng Mường có nghĩa là ngắm nhìn ra phía xa. Nội dung những bài Mo nhòm hầu hết là miêu tả về phong cảnh, đất nước, con người. |
Theo Bùi Việt - ĐĐK