Nhân kỉ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Khoa Viết văn – Báo chí Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Làm báo Văn hóa – Văn nghệ” vừa là dịp gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp vừa là dịp bàn luận về câu chuyện làm nghề.
Tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Văn Cương Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, GS.Trần Đức Ngôn Nguyên hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nguyên trưởng khoa Viết văn-Báo chí, PGS.TS Nguyễn Thu Hằng Phó chủ nhiệm khoa Báo chí, HVBC&TT, Nhà báo Nguyễn Thúy Hoa Trưởng ban Hợp tác quốc tế VOV, TS Khương Việt Hà Viện Văn học, TS Trần Bảo Khánh Hiệu trưởng trường Cao đẳng Truyền hình… cùng những thầy cô, sinh viên các khóa của khoa Viết văn – Báo chí.
Theo nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hữu Quý Tạp chí Văn hóa quân đội: Nếu như ai đó quan niệm rằng làm báo về văn hóa – văn nghệ dễ thì chứng tỏ người đó không hiểu gì về văn hóa – văn nghệ, không hiểu gì về những người làm báo văn hóa – văn nghệ. Ngoài những tờ báo chuyên ngành, nếu như một tòa soạn nào trân trọng văn hóa – văn nghệ thì nên chăm chút và đầu tư thật kĩ cho nó. Những người phụ trách những trang văn hóa – văn nghệ thì phải hiểu được văn hóa văn nghệ, hiểu được đời sống văn chương, tiểu thuyết như thế nào, thơ ra làm sao, khen chê đúng chỗ.
PGS.TS Nguyễn Thu Hằng, Phó trưởng khoa Báo chí, Học viện báo chí và tuyên truyền chia sẻ: Có thể nói làm báo trong văn hóa – nghệ thuật là một lĩnh vực khó nhất. Với tư cách là người nghiên cứu về văn hóa truyền thông, chúng tôi chưa bao giờ nói là dễ cả. Nó có tính chuyên biệt và vai trò của báo chí về văn hóa văn nghệ có ý nghĩa rất lớn đối với bất cứ quốc gia nào và cả nhân loại.
Làm báo về văn hóa – văn nghệ trong thời đại công nghệ số là một thách thức lớn. Mỗi bài viết không chỉ là sản phẩm văn hóa, hàm chứa các giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn là vũ khí về văn hóa. Nhiều người làm báo rất tốt nhưng chưa ý thức được sứ mệnh của mình. Nhiều người làm bừa làm ẩu rất tệ hại.
Đối với sinh viên, kiến thức kĩ năng cần học hỏi không phải là thứ gì cao siêu, công nghệ, thủ thuật. Điều quan trọng nhất khi làm báo là nguyên lí của báo chí truyền thông là tôn trọng.
PGS.TS Nguyễn Thu Hằng muốn nhắn gửi đến thế hệ những người làm báo trẻ, đừng coi thường lí thuyết và cần học làm báo một cách căn bản nhất. Một người làm báo về văn hóa thì không thể vô văn hóa trong phương thức ứng xử. Hơn thế nữa phải có sự cầu thị, nỗ lực, chăm chỉ, học hỏi từ những người đi trước.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh cũng ủng hộ quan điểm này, ông cho rằng trong thời đại mạng xã hội đang dần khẳng định vị trí và quyền lực của mình, thì những bài báo có chiều sâu về thông tin mới là những bài báo có chỗ đứng. Những người làm báo, đặc biệt là báo về văn hóa – văn nghệ thì cần đọc nhiều hơn nữa. Nếu bạn muốn viết về ai đó thì phải đọc, phải tìm hiểu về người đó, về tác phẩm đó. Bởi vậy thế hệ nhà báo trước đánh giá những cây viết bây giờ non bởi các bạn ít đọc, ít tìm hiểu. Lời khuyên cho những nhà báo tương lai, nhà báo trẻ là hãy đọc nhiều hơn.
Tọa đàm là những chia sẻ sâu sắc từ những thế hệ nhà báo đi trước về câu chuyện làm nghề, đây là kinh nghiệm quý báu đối với những cây bút trẻ và thế hệ nhà báo tương lai.
Theo Trần Vân - ĐĐK