Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án "Đưa các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn Hà Nội" của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VHTTDL). Chương trình khởi động từ ngày 30/8/2016, đến nay đã gần tròn 1 năm. Trong năm 2016, đã có 14 vở diễn kịch, sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... được biểu diễn tại Nhà hát. Năm 2017, để dự án "nâng tầm", lãnh đạo Bộ VHTTDL đã chỉ đạo thực hiện biểu diễn theo chuyên đề. Chuyên đề tháng 5/2017 là "Tháng nghệ thuật truyền thống" và chuyên đề tháng 7 này là "Những vở kịch còn mãi với thời gian".
Và 11 vở kịch "còn mãi với thời gian" ra mắt lần này gồm: "Vòng phấn Kavkaz" (tác giả Bertol Brecht, dịch giả Lê Quang, đạo diễn Dominik Gunther), "Ai là thủ phạm" (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn NSƯT Chí Trung), "Công lý không gục ngã" (tác giả Lê Chí Trung, Đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) của Nhà hát Tuổi trẻ; "Cát bụi" (tác giả nhà văn Triệu Huấn, đạo diễn NSND Xuân Huyền), "Điện thoại di động" (tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSND Hoàng Dũng), "Bỉ vỏ" (tác giả Nguyễn Đăng Thanh, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang) của Nhà hát Kịch Hà Nội; "Kiều" (tác giả nhà văn Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSND Anh Tú), "Lão hà tiện" (tác giả Molière, đạo diễn NSND Tuấn Hải) của Nhà hát Kịch Việt Nam; "Bão của hoàng hôn" (tác giả Vũ Thị Thu Phong, đạo diễn NSND Lê Hùng), "Quyết đấu giữa sương mù" (tác giả nhà văn Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng) của Đoàn kịch nói Công an Nhân dân; "Dưới cát là nước" (tác giả Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn NSND Lê Hùng) của Nhà hát Kịch nói Quân đội.
Trong số các vở diễn "còn mãi với thời gian" này, có những vở diễn đã có "thâm niên" tới 14 năm như vở "Cát bụi" của Nhà hát Kịch Hà Nội và đến nay vẫn luôn nằm trong kịch mục của Nhà hát, cũng như luôn được các khán giả yêu cầu mỗi khi có lịch diễn. Cũng có những vở diễn vừa ra lò như "Lão hà tiện" của Nhà hát Kịch Việt Nam, đây là lần đầu tiên vở diễn lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đặc biệt, cũng có thể thấy, những cái tên đạo diễn xuất hiện với "tần suất" dày ở đây như đạo diễn NSND Lê Hùng với 3 vở, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang với 2 vở diễn. Điều này hoàn toàn là ngẫu nhiên, bởi tham gia chương trình này, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL), đơn vị chủ trì triển khai dự án hoàn toàn để cho các đoàn tự chọn vở diễn của mình. Và theo NSƯT Chí Trung, thì đây đều là những vở diễn tiêu biểu nhất của các đoàn trong giai đoạn này.
"Kiều" là một trong những vở diễn được giới thiệu lần này.
|
Tuy nhiên, như đạo diễn NSƯT Chí Trung chia sẻ, thì 11 vở diễn đặc sắc, "còn mãi với thời gian" này thật ra cũng giống như nhưng "nàng công chúa ngủ trong rừng", bởi dù hay, dù đẹp; nhưng với thực trạng đáng buồn của sân khấu hiện nay (ít buổi diễn, ít đỏ đèn, khán giả khá thờ ơ)... thì số lượng người biết tới vở diễn không nhiều. Nhiều đêm diễn, nhìn xuống toàn thấy họ hàng, bố mẹ, anh chị em nhà mình; có người đã xem tới 4-5 lần chẳng ít. Đây cũng chính là trăn trở của NSƯT Nguyễn Ngọc Thư- giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội, rằng quả thật làm ra một vở diễn, mà khán giả hiếm như hiện nay, cũng là điều đau đáu của các nghệ sĩ, là nỗi niềm mà đoàn kịch nào, nhà hát nào cũng đang gặp phải.
Bởi vậy, với chương trình này, mong muốn của các Nhà hát không chỉ là bán được vé, có doanh thu; mà quan trọng hơn là giới thiệu được đến với công chúng về kịch, kéo công chúng đến với kịch, khẳng định được sức sống của kịch vẫn còn. Như NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi muốn qua chương trình này, "nương" vào nhau để xây dựng sức mạnh tập thể của sân khấu kịch; qua đó, giữ lại niềm tin cho các nghệ sĩ kịch".
Cũng bởi, với chương trình biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, các đoàn không mất kinh phí thuê rạp hay bất kỳ kinh phí nào. Như đại diện Nhà hát Lớn Hà Nội chia sẻ, trừ hai đoàn là Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ , do trực thuộc Bộ VHTTDL, nên mỗi năm có kinh phí 30 triệu để biểu diễn tại Nhà hát Lớn; 3 đoàn còn lại là Bộ VHTTDL mời tới diễn, hoàn toàn không phải trả bất cứ chi phí nào. Bản thân Nhà hát Lớn Hà Nội, dù mỗi lần đỏ đèn cũng phải tốn cả chục triệu tiền điện, tiền nước, tiền nhân viên... nhưng cũng chỉ lấy việc bán vé để bù chi phí, cũng như kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ. Mà như tâm sự nhỏ, thì các Mạnh Thường Quân sang tới năm 2017 cũng teo tóp đi rất nhiều.
Khó khăn chồng chất là thế, nhưng việc cần làm vẫn cứ nhất định phải làm cho tốt. Nhà hát Lớn lo chuẩn bị cho những buổi biểu diễn thật tốt. Các nhà hát xây dựng kịch mục, tập luyện để mang những tinh hoa nhất của sân khấu kịch tới đây- nơi được coi là Thánh đường Nghệ thuật, nơi mà mỗi nghệ sĩ khi vào diễn đều cảm thấy trọng trách của mình lớn lao hơn, cao cả hơn.
Bộ VHTTDL đã sẵn sàng rồi, Nhà hát Lớn cũng đã sẵn sàng rồi. Các đoàn kịch đều đã sẵn sàng rồi. Chỉ còn chờ một khâu cần phải sẵn sàng và sẵn sàng hơn nữa- đó chính là khán giả, với niềm yêu dành cho sân khấu, cho kịch nói, sẽ tới để xem, để cảm nhận, để biết đến và để yêu sân khấu, để có thể đưa việc thưởng thức các vở diễn vào một phần cuộc sống của mình. Chứ không như chuyện của nhiều khán giả có tuổi, sinh ra ở Bưởi, lớn lên ở Bưởi, sinh sống cũng ở Bưởi hơn 60 năm qua; thế mà tới giờ mới lần đầu bước chân tới Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi ngã ngửa ra rằng hóa ra bao năm qua, mình đã bỏ lỡ cái gọi là thưởng thức nghệ thuật, cái gọi là đời sống tinh thần và xuýt xoa tiếc nuối.
Đâu cần phải tiếc nuối, khi thật ra đến một buổi diễn, xem một vở kịch, với giá vé có thể vài trăm ngàn; không hề khó khăn và nhàm chán như ta tưởng. Nhất là khi, mỗi nghệ sĩ ở trên sân khấu kia, họ luôn sẵn sàng dốc ruột dốc gan phục vụ ta, dù 1 khán giả, dù 5 khán giả, dù 100 khán giả, hay 1.000 khán giả, vẫn diễn với niềm đam mê và sự trách nhiệm như thế. NSND Trung Hiếu, giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đã khẳng định vậy mà!
Theo Báo Tin Tức