“Đối với tôi, cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa của nhóm dân tộc là cho họ thấy được sự trân trọng từ bên ngoài cộng đồng, khiến họ cảm thấy tự hào về những di sản và phong tục, tập quán của mình” - nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle chia sẻ trong lễ khai mạc triển lãm ảnh “Di sản vô giá” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chiều 1.8.
Tôn trọng văn hóa các dân tộc
Triển lãm “Di sản vô giá” chỉ trưng bày 35 trong số vô vàn bức ảnh ông chụp về nhiều nhóm dân tộc khác nhau trên khắp đất nước Việt Nam. Ý tưởng về bộ ảnh này đến với ông như thế nào?
“Khi Réhahn Croquevielle thực hiện dự án ở Quảng Nam, Đà Nẵng thì nhiều người Cơ Tu rất ủng hộ và truyền tay nhau tư liệu quý giá về dân tộc mình. Dân tộc Cơ Tu hiện có đến 8 vạn người, nhưng văn hóa đã mai một và chính từ những bức ảnh của Réhahn, chúng tôi xác định lại điều cần phục hồi và phát triển của dân tộc mình; đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển du lịch thông qua văn hóa”. Bí thư Huyện ủy Tây Giang, Quảng Nam Briu Liếc |
- Bộ sưu tập “Di sản vô giá” bắt đầu sau chuyến đi đầu tiên của tôi đến phía Bắc Việt Nam năm 2011. Tôi không thể tưởng tượng rằng sẽ thấy được nhiều người mặc trang phục truyền thống, sống trong những ngôi làng có kiến trúc cổ kính, và trong đó có một số vẫn còn nói tiếng cổ ngữ và theo những phong tục cổ xưa. Trong hành trình thứ hai một năm sau đó, tôi nhận ra rằng nền văn hóa độc đáo này đang bị mai một. Thật vậy, một số nhóm dân tộc chỉ có vài nghìn người, khi những người trẻ rời làng hướng đến các thành phố lớn. Điều này làm gián đoạn việc trao truyền những kiến thức xa xưa. Lúc ấy, ý nghĩ về vai trò mới của tôi, giới thiệu và bảo tồn sự đa dạng văn hóa này với tư cách một nhiếp ảnh gia ngày càng rõ rệt.
Tôi đã dành 6 năm vừa qua cho dự án này và đến ngày hôm nay, tôi đã tìm gặp được 45/54 dân tộc Việt Nam. Tôi sẽ hoàn thành dự án của mình với 6 dân tộc còn lại và những nhóm cộng đồng được chia ra từ các dân tộc lớn. Thông qua 35 bức ảnh được chọn lựa trưng bày lần này, tôi muốn đưa người xem đến những vùng đất hẻo lánh nằm rải rác khắp nơi trên đất nước Việt Nam, cùng nhau khám phá sự đa dạng của các nhóm dân tộc tại đó.
Trong quá trình sáng tác, khó khăn ông gặp không hẳn chỉ có việc đi lại khó khăn vì đồng bào các dân tộc thiểu số thường sinh sống tại những vùng hẻo lánh?
- Thực tế là trong quá trình thực hiện bộ ảnh này, tôi đã đến rất nhiều vùng đất xa xôi, có nơi họ không cho người nước ngoài vào, ví dụ như vùng Sa Thầy ở Kon Tum, tôi mất 3 năm để có thể tiếp cận đồng bào nơi đây. Khó khăn thứ hai là không phải dân tộc nào cũng gìn giữ được trang phục dân tộc, nên việc tìm được người còn lưu giữ trang phục cũng mất khá nhiều thời gian. Hơn nữa, họ không nói tiếng Việt mà chỉ dùng ngôn ngữ bản địa, nên cũng khó tiếp cận.
- Thông thường, đồng bào các dân tộc thiểu số rất ngại tiếp xúc với người lạ, nhất là người nước ngoài. Làm thế nào ông tạo cho họ sự thoải mái, thân quen, đầy cảm xúc như trong các bức ảnh đến vậy?
- Tôi thích nói chuyện với mọi người, thích văn hóa của họ. Tôi để mọi người cảm thấy thoải mái, khi họ cho phép chụp ảnh thì mới đưa cảm xúc vào. Cách làm việc của tôi là tạo mối quan hệ trước, chứ không bao giờ đến và xin chụp ảnh ngay. Chẳng hạn như việc tôi không uống được rượu nhưng tôi cũng ngồi với họ dưới sàn rất lâu để trò chuyện, ăn cơm với họ, hoặc hút thuốc bằng tẩu với người Cơ Tu, khiến họ cảm thấy thân thiện và vui vẻ. Quan trọng nhất là mình tôn trọng đời sống của họ, văn hóa của họ, xây dựng mối quan hệ thân thiện với họ, để đến lúc thích hợp xin phép được chụp ảnh.
Thêm động lực để tự hào và bảo tồn
Ông kỳ vọng gì qua những triển lãm như thế này?
- Sau khi đi nhiều và gặp gỡ nhiều người dân tộc, tôi nhận ra một điều là mình cần làm gì đó để chính cộng đồng có động lực bảo tồn văn hóa của riêng mình. Khi tôi giới thiệu ảnh ở triển lãm của mình, nhiều bạn quốc tế đến và cảm thấy rất thích thú. Có lần chính đồng bào Cơ Tu nhìn thấy niềm yêu thích của du khách, và họ cảm thấy yêu thêm vẻ đẹp của dân tộc mình, cũng như có động lực để bảo tồn văn hóa của mình hơn.
Đối với tôi, cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa của nhóm dân tộc là cho họ thấy được sự trân trọng từ bên ngoài cộng đồng, khiến họ cảm thấy tự hào về những di sản và phong tục, tập quán của mình. Mục tiêu của tôi là quảng bá hình ảnh các nhóm dân tộc Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Tôi tin rằng khi chúng ta cùng nói về vấn đề này thì sẽ càng có nhiều người, cả người Việt Nam và du khách nước ngoài, nhận thức được nó và càng có nhiều dân tộc cảm thấy tự hào, đồng thời nhận ra tầm quan trọng trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống đã tồn tại hàng thế kỷ. Đó là vòng tròn mang tính nhân văn mà tôi muốn thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
- Thế còn việc mở Bảo tàng Nghệ thuật vô giá ở Hội An đầu năm 2017 thì sao?
- Đó như một cống hiến nhỏ của tôi cho văn hóa dân tộc Việt Nam. Bảo tàng trưng bày những bức ảnh chân dung nghệ thuật khổng lồ của các dân tộc hiếm khi được nhìn thấy, các câu chuyện của tôi về những cuộc gặp gỡ, cũng như 38 bộ trang phục truyền thống gốc được đồng bào trao tặng với mong muốn giới thiệu về văn hóa dân tộc mình, trong đó một số là bộ cuối cùng của dân tộc họ.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Khải Minh - ĐBND