Văn nghệ trong nước
Tìm cái tôi trong Hà Nội hiện đại
09:35 | 11/09/2017

“Mỗi sáng đi làm, từng tia nắng chiếu xuống các con phố nhỏ Hà Nội tạo nên cảnh tượng rất đẹp. Vậy nên, tất cả các bức vẽ của tôi về Hà Nội đều có nắng. Nắng cũng mang đến hy vọng về một thành phố tràn đầy năng lượng đổi mới, không chỉ ở diện mạo mà cả tinh thần của một thành phố đang vươn lên lạc quan, để tìm thấy những điều thú vị trong cuộc sống thực tại” - họa sĩ Phạm Hà Duy Khánh chia sẻ.

Tìm cái tôi trong Hà Nội hiện đại
Phố mới seri 8, sơn dầu của Phạm Hà Duy Khánh

Lữ khách yêu Hà Nội

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Âm nhạc Vĩnh Phúc, Phạm Hà Duy Khánh từng dạy mỹ thuật ở quê hương. Nhưng có lẽ con đường “gõ” đầu trẻ không phù hợp cũng như không thỏa đam mê hội họa từ nhỏ, nên chàng họa sĩ trẻ đã chọn cho mình hướng đi khác, toàn tâm toàn ý cho hội họa. Sau khi học xong Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương và Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Phạm Hà Duy Khánh gia nhập làng nghệ sĩ trẻ tại Hà Nội. Từ đó đến nay, ngoài tham dự các triển lãm khu vực do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, triển lãm nhóm... anh cũng đã có tranh triển lãm tại Hungary (2016) và Đài Loan (2017).

Phố của Khánh đang diễn ra tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội là triển lãm cá nhân đầu tiên của Phạm Hà Duy Khánh, với cái nhìn phố trong tâm hồn giản phác. Trong những nhát vẽ sơn dầu mượt mà, nhanh và thoáng, đời sống phố Hà Nội hiện đại hiện lên rộn ràng, tưng bừng, đầy hứng khởi của sức trẻ. Phạm Hà Duy Khánh chia sẻ: “Hà Nội là nơi tôi đến, nơi tôi làm việc. Tôi vẫn thường dạo phố, thích trà đá vỉa hè, đắm chìm trong hương hoa sữa. Mỗi sáng đi làm, ánh sáng chiếu xuống vỉa hè tạo nên cảnh tượng rất đẹp, tôi muốn lưu lại cảm xúc của mình ở thời điểm đó. Vậy nên, tất cả các bức vẽ của tôi đều có nắng và cũng ẩn chứa hy vọng một thành phố tràn đầy năng lượng đổi mới, không chỉ ở diện mạo mà cả tinh thần của một thành phố đang vươn lên lạc quan, để tìm thấy những điều thú vị trong cuộc sống thực tại”.

Gần 20 năm gắn bó với Hà Nội, Phạm Hà Duy Khánh cũng chứng kiến nhiều đổi thay của thành phố này. “Trước đây, tôi có những người bạn cùng đạp xe trên đường thong dong qua các con phố, thế nhưng bây giờ phố xá đông đúc, phương tiện giao thông nhiều hơn, con người vội vã hơn. Tôi có cảm giác rằng, lúc này con người cần nhiều sự yêu thương hơn trước. Do đó, trong tranh của tôi hầu như đều là những nét nhanh, thể hiện sự nhộn nhịp của phố phường, vội vã của con người, nhưng cũng có những mảng màu phẳng phất nỗi buồn và sự hoài niệm”.

Khắc khoải cái tôi nghệ thuật

Hà Nội là đề tài quen thuộc không chỉ trong hội họa mà còn với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Phạm Hà Duy Khánh không giới hạn chủ đề tranh của mình, nhưng Hà Nội vẫn được anh yêu thích nhất cũng như chiếm số lượng lớn tranh anh vẽ. Nhiều người ví von rằng, người Hà Nội vẽ về chính thành phố của mình như vẽ một món đồ đạc trong nhà, tái hiện thói quen của cuộc sống hàng ngày, thì Phạm Hà Duy Khánh như một lữ khách, vẽ về Hà Nội bằng cái nhìn của người quê chiêm ngưỡng và hưởng thụ nét đẹp ồn ào, náo nhiệt của một Hà Nội hiện đại.

Thế nhưng, để tìm được phong cách hội họa riêng, khẳng định cá tính trong làng hội họa Thủ đô, nghệ sĩ trẻ cũng trăn trở, khắc khoải. Phạm Hà Duy Khánh bộc bạch: “Tiếp cận đề tài về Hà Nội không khó vì tình yêu Hà Nội như một dòng chảy luôn cháy trong tim. Nhưng cái khó ở đây là tìm ra cái tôi cá nhân trước đề tài vốn dĩ quen thuộc của nhiều nghệ sĩ. Đôi khi tôi vẫn ví von đau đớn rằng, muốn biết mình là ai thì phải “lột da” để tìm ra cá tính riêng”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét, cách vẽ của Phạm Hà Duy Khánh mang đến sự trong trẻo; cách nhìn, bút pháp cho thấy một tâm hồn gắn bó với Hà Nội theo cách riêng. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cũng cho rằng, công việc của người làm nghệ thuật là sáng tác. Trên con đường ấy chỉ có tìm được phong cách sáng tạo riêng, cẩn trọng với chính tác phẩm của mình, thì nghệ sĩ mới thành công, từ đó góp phần hạn chế vấn nạn tranh giả, sao chép tranh. “Nét bút, nét vẽ, cách sử dụng màu mang đặc điểm của phong cách cá nhân sẽ minh chứng cho bức tranh ấy là do họa sĩ vẽ. Và khi thực hiện những bức tranh giả, chắc chắn người ta sẽ không thể sao chép ngôn ngữ tạo hình chứ chưa nói tới chất liệu hội họa” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định.

Theo Khải Minh - ĐBND
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Giữ lửa chèo (06/09/2017)