Văn nghệ trong nước
Đâu rồi điệu ví Ngọc Than
08:38 | 13/09/2017

Làng Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội từng nổi tiếng với điệu ví dân gian. Tuy nhiên, bây giờ điệu hát ví đang đối diện với nguy cơ thất truyền…

Đâu rồi điệu ví Ngọc Than
Cụ Bùi Thúc Cát.

Một làn điệu độc đáo

Tìm đến nhà cụ Bùi Thúc Cát, 94 tuổi, ở xóm Trại, thôn Ngọc Than. Hỏi về làn điệu hát ví, cụ Cát thở hắt: “Đến đi lại còn bắt hơi không kịp làm sao có thể cất nổi câu hát nữa”. Cụ Cát bảo rằng, không biết hát ví có tự bao giờ, do ai nghĩ ra, chỉ biết khi cụ lớn lên đã thấy các anh, chị lớp trước hát rồi cụ hát theo, lâu dần thành thuộc và ngấm vào máu từ lúc nào không biết. 

Mỗi ngày qua đi, những điệu hát ví như những mạch nguồn thẩm thấu vào tâm hồn những đứa trẻ chăn trâu, cắt cỏ, những người phụ nữ lam lũ, và đi đâu, ở đâu, làm gì, người dân cũng sẵn sàng hát ví với nhau. Ngày ấy, chưa bao giờ không khí sinh hoạt văn hoá lại lan toả mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng đến thế. Trai gái làng Ngọc Than thường hát ví vào tháng 8, từ khi có giăng (trăng) lên buổi mười hai cho đến khi muộn giăng (khoảng hai mươi, hai sáu âm lịch), nghĩa là trong khoảng nửa tháng. Đó là các cuộc thi hát, hát giải hay hát theo yêu cầu (khao vọng, lễ đám...

Người ta cũng thể nhớ nổi hết từ những cuộc hát than có bao nhiêu cặp trai gái nên vợ nên chồng. Địa điểm hát rất linh hoạt. Có khi trai ở bên Hoàng Xá bơi thuyền sang hát bên thuyền, bên trên bờ hát ví với nhau; có khi thì cùng ở trên bờ nhưng ở hai bên bờ ngòi. Cũng có khi cùng đứng trên bãi đất rộng, như khu gò Bồ Quân.

Hái ví Ngọc Than là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian bắt nguồn từ lao động, sản xuất, lễ hội. Nội dung ví rất phong phú, bày tỏ nhận thức, thái độ ứng xử, tình cảm riêng tư, tình cảm đôi lứa. Cụ Cát bảo, cụ sợ cái đám thanh niên bây giờ không hiểu được hàm ý trong những câu ví ngày xưa cho nên khi đọc xong những điệu ví ấy bao giờ cụ cũng giải thích cặn kẽ.

Cụ Cát cho biết, điệu ví ở làng Than thường có 2 loại là ví lẻ và ví có lề lối. Mỗi đêm hát ví thường có 3 chặng: Ví chào, ví giao duyên và ví giã. Các điệu ví thường không nhất quán và tuân thủ theo một lề lối, quy tắc âm luật nào. Khi hát ví chỉ cần sao cho có vần, có điệu và hợp với ngữ cảnh. Các điệu ví cũng không có bài bản nào, nó chỉ như một hình thức đối thơ, người trước ví, người sau sẽ đối lại và ai biết thì tự ví đối lại.

Cần phương án bảo tồn

Những điệu hát ví không có nguồn gốc cụ thể mà nó ra đời một cách tự nhiên và gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hoá cộng đồng của người dân Ngọc Than. Ngày trước, gần như không ai là không biết hát ví, câu hát ví có sức cuốn hút mạnh mẽ nỗi mỗi người đều có thể tự có thể sáng tạo những bài hát ví của riêng mình để đối đáp nhưng về sau do cuộc sống cơm áo, chẳng ai còn nhớ nữa. Lắm lúc buồn quá, cụ Cát vẫn thường hay ngồi một mình hồi nhớ rồi lẩm nhẩm hát mấy câu hát ví để hồi nhớ về một thời sôi nổi đã qua, những điệu hát ví dân giã mộc mạc như tính cách của người Ngọc Than mà chất chứa trong đó bao tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, tình yêu đôi lứa. 

Cụ Cát cho biết, từ khi chỉ còn mình cụ biết hát ví không thấy có ai đến học hát hay có ý định phát triển hát ví nữa vì người ta còn bận làm ăn. Anh Đỗ Danh Lực- Trưởng thôn Ngọc Than cho biết: “Hồi còn nhỏ tôi vẫn thường nghe các cụ nhắc nhiều về câu hát ví nhưng bây giờ thì không thấy ai còn đề cập đến nữa. Hát ví không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng mà còn góp phần củng cố bền chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Ấy nhưng, buồn thay, trong thôn bây giờ lại chỉ còn có cụ Cát biết hát ví mà cụ thì năm nay cũng đã quá nhiều tuổi rồi. Tôi vẫn chưa nghe có một cơ chế, chính sách, chương trình hành động nào nói đến việc sẽ truyền dậy, truyền bá điệu hát ví cho thế hệ sau”.

Mỗi ngày qua đi, những truyền thống văn hóa của thế hệ ngày ấy cũng đi theo cùng họ, điệu hát ví làng Than là một trường hợp tiêu biểu như thế. Bây giờ, điệu ví ấy chỉ còn được nhắc đến như một kí ức đẹp. Sau này, có lẽ mỗi khi nhắc lại, những thế hệ sau có thể sẽ lại nuối tiếc về một nét đẹp trong văn hóa dân gian bị mất đi. Hơn bao giờ, điệu hát ví làng Ngọc Than đang rất cần một phương thức bảo tồn đúng đắn.    

    Theo Vũ Phúc - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Giữ lửa chèo (06/09/2017)