Văn nghệ trong nước
Nghệ thuật là không ngừng sáng tạo
08:58 | 09/10/2017

Vốn đã khẳng định tên tuổi của mình trong làng sơn mài Việt Nam bởi khả năng sáng tạo độc đáo từ chất liệu vỏ trứng, họa sĩ Văn Chiến (trong giới gọi ông là Chiến “trứng”) vẫn không ngừng tìm kiếm những hướng đi mới trên con đường nghệ thuật. Nhân dịp ra mắt phòng tranh sơn dầu trừu tượng, ông đã có cuộc trao đổi thú vị.

Nghệ thuật là không ngừng sáng tạo
Tác phẩm trừu tượng của Văn Chiến.

PV: Thưa ông, được biết đến là một họa sĩ gắn liền với tranh sơn mài, cơ duyên nào đưa ông đến với dòng tranh trừu tượng? Phải chăng ông muốn đối diện với một thử thách mới?


Họa sĩ Văn Chiến

Họa sĩ  Văn Chiến: Tranh sơn mài là một thể loại tranh đặc biệt của Việt Nam mà rất nhiều họa sĩ nổi tiếng thể hiện, cũng như nó là một sản phẩm quảng bá văn hóa ra thế giới. Trong hơn 40 năm làm nghề vẽ, có thể khẳng định sơn mài của tôi không giống bất cứ ai, trong nghệ thuật tôi luôn có một style của riêng mình. Tôi tìm hiểu và nghiên cứu rất kĩ về sơn mài và kĩ thuật làm sơn mài mà các danh họa, các cụ đời xưa, học hỏi kinh nghiệm từ những tinh hoa của các cụ từ đó tìm ra hướng đi riêng của mình. Các cụ ngày xưa chất liệu hạn chế hơn so với bây giờ, còn mình đang sống trong thời đại của khoa học công nghệ phát triển, mọi thứ điều kiện đều tốt hơn thì tại sao mình không tận dụng để làm cho tranh sơn mài của Việt Nam hay lên.

Cho đến khoảng 10 năm trở lại đây tôi mới bắt đầu chuyển sang dòng tranh trừu tượng. Nó xuất phát từ trong chính bản thân người họa sĩ, thôi thúc tôi phải đổi mới, tìm tòi những hướng vẽ khác, để mình được đi sâu vào những đề tài khác và duy trì năng lượng, hưng phấn trong công việc. Tranh trừu tượng thực ra cũng không thoát khỏi các đề tài thiên nhiên, con người, hiện thực và cái vốn có của người họa sĩ, nhưng ngôn ngữ trừu tượng nó không được hình hài cụ thể.

Ông nghĩ sao về ý kiến tranh trừu tượng không chỉ là một thể loại kén người xem mà còn kén cả người sáng tác?

-Không phải ai cũng vẽ trừu tượng được. Họa sĩ vẽ trừu tượng phải có tố chất phù hợp, tư duy cùng sự tưởng tượng phải cao cũng như phải có bề dày nội tâm và trải nghiệm sâu sắc. Vẽ trừu tượng là một thứ vẽ rất tự do, biểu hiện cảm xúc là chính. Trong tranh trừu tượng, nếu có sự đắn đo, cân nhắc, vật lộn thì không thể nào làm lên một tác phẩm. Nếu là bức tranh vẽ hiện thực khi đụng chạm đến cái cụ thể, họa sĩ phải xử lý ánh sáng, độ đẹp, độ căng, độ mịn rất vất vả, phải cân nhắc kĩ lưỡng nên xử lý như thế nào. Nhưng tranh trừu tượng chủ yếu bộc lộ tình cảm, cảm xúc nên người họa sĩ phải chớp được cái thời cơ cảm xúc ấy chứ nếu mà vẽ đắn đo hay là phải vật lộn với nó quá sẽ làm mất đi yếu tố trừu tượng.

Muốn xem tranh trừu tượng phải dựa vào cảm xúc. Vẫn là một bức tranh nhưng mỗi người xem sẽ có một góc nhìn khác nhau, tùy theo tưởng tượng, theo tâm trạng của mỗi người xem tranh. Vẫn là bức tranh này nhưng hôm nay bạn vui bạn nhìn nó thấy tưng bừng kì lạ, tự dưng chú ý một vài chi tiết nào đó thế là say sưa nhìn nó nhưng lúc buồn có khi lại thấy không thích.

Trong 40 năm gắn liền với hội họa, ông nghĩ sao về vấn nạn tranh chép, tranh giả hiện nay. Theo ông, khi phát hiện ra tranh giả, tranh bị mạo danh thì bản thân người họa sĩ cần làm gì?

-Tranh giả chắc chắn ảnh hưởng lớn tới hình ảnh hội họa của Việt Nam đến quốc tế. Người nước ngoài rất quan tâm đến tranh Việt Nam, không nói đến chuyện bán mua, tiền bạc, có những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, người sưu tầm tranh họ quan tâm đến các dòng chảy văn hóa ở các quốc gia, xem Việt Nam vẽ thế nào, Trung Quốc vẽ ra làm sao… Việc thật giả lẫn lộn sẽ gây mất uy tín tranh Việt Nam.

Xử lý tranh giả, tranh mạo danh liên quan đến pháp luật và phía cơ quan quản lý nhà nước. Nếu muốn kiện các đối tượng làm giả, giả mạo thì trước hết phải xem tranh của mình đã được đăng ký bản quyền hay chưa. Phải có đăng ký bản quyền mới có chứng từ để kiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Một khi tác phẩm được đăng ký ở Cục Bản quyền thì sẽ được sự bảo vệ của luật pháp, nếu có giả mạo, sao chép sẽ có pháp luật xử lí. Nhưng rất nhiều họa sĩ chưa nắm rõ luật nên để xử lý rất khó.

Đã bao giờ ông được ai đó nhắc đến hay tự mình phát hiện có những người đang chép tranh của mình chưa?

-Có đấy nhưng mà tôi cũng không muốn nêu ra bởi vì tôi muốn làm một người nghệ sĩ chứ không muốn gây ra những dư luận ồn ào, tranh cãi trong giới. Tôi biết rõ ai chép tranh của mình, khi tôi gọi điện nhắc nhở họ cũng xin lỗi nên tôi đều cho qua. Còn những người đến gặp tôi để xin lỗi thì tôi chỉ khuyên họ rằng là người nghệ sĩ thì phải lao động, phải sáng tạo chứ không nên đi lấy của người khác, lười nhác. Còn nếu nói họa sĩ chép tranh để kiếm tiền vậy sao anh không chọn việc khác bởi người mua tranh cũng không nhiều.
 

Trân trọng cảm ơn ông!
    

Họa sĩ Văn Chiến (sinh năm 1951) được biết đến từ triển lãm chung của nhóm họa sĩ tỉnh Hà Tây năm 1990 với tên gọi “Vẽ về một vùng quê lụa”. Ông đã thể hiện thành công rất nhiều đề tài trên các chất liệu như: tranh khắc, sơn dầu, lụa, bột màu, giấy dó… nhưng thành công nhất là mảng tranh sơn mài. Họa sĩ Văn Chiến cũng là hoạ sĩ duy nhất được ủy ban Olympic Việt Nam trao tặng giải nhất cho cuộc thi “Olympic thể thao và nghệ thuật” với tác phẩm “Niềm vui chiến thắng”. Phòng tranh trừu tượng lần này của ông gồm 19 bức sơn dầu, sơn mài khuôn khổ lớn được sáng tác trong khoảng thời gian 2 năm từ 2016-2017.

Theo Trần Vân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng