Hơn 50 năm sau ngày soạn giả Trần Hữu Trang hy sinh, nỗi đau vẫn còn hằn sâu trong tim họa sỹ Trang Phượng, một trong những người may mắn sống sót dưới trận bom B52 kinh hoàng...
Thời điểm ấy, họa sỹ Trang Phượng là cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam. Ông nhớ lại: Sáng hôm ấy tôi ghé hầm bác Tư Trang (bí danh của soạn giả Trần Hữu Trang) uống trà. Hồi ở trong cứ, hai bác cháu rất thân nhau. Bác Tư giản dị, hiền lành, luôn quan tâm đến đồng chí, đồng đội. Những vở cải lương của bác được khán giả yêu thích, các đoàn diễn công khai tại các sân khấu Sài Gòn trước năm 1975 dù bác là một chiến sỹ giải phóng.
“Hai bác cháu vừa uống trà, vừa bàn công việc. Bác Tư hỏi thăm gia đình rồi nhắc tôi cố gắng giữ sức khoẻ chờ đến ngày miền Nam được giải phóng. Tôi vừa rời khỏi hầm bác Tư khoảng 15 phút thì máy bay B52 ào tới thả bom”, họa sỹ Trang Phượng nhớ lại.
Khu rừng nghiêng ngả như cơn bão tràn qua. Khói lửa mù mịt. Họa sỹ Trang Phượng và hai chiến sỹ đi cùng nép vào gốc cây dầu cổ thụ chịu trận vì trên đường là trảng trống, không có công sự, hầm trú ẩn. Buổi sáng hôm ấy, máy bay B52 đã tấn công 11 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 3- 5 phút. Vệt bom dài hàng cây số lần lượt trút xuống căn cứ.
“Đang là ban ngày mà bầu trời tối thui như đêm đen, không còn nhìn thấy gì. Dứt mỗi đợt bom anh em gọi nhau í ới, xem ai còn, ai mất. Mình mẩy người nào người nấy ám khói đen sì. Cây dầu bị trúng bom tét làm đôi, đè chiếc xe đạp bẹp dí. May mắn là cả ba người đều sống sót nhưng khu vực có căn hầm trú ẩn của bác Tư trở thành bình địa, cây cối ngã đổ ngổn ngang. Mình lên tìm bác Tư nhưng không thấy. Đến chiều, ba anh em về tới văn phòng tiểu ban thì mới biết mọi người đổ đi tìm… xác vì thấy chiếc xe đạp bị vứt lại. Căn hầm của bác Tư trúng bom, bác Tư hy sinh, thân thể không còn nguyên vẹn”, họa sỹ Trang Phượng xót xa.
Hàng chục năm sau, khi đất nước hòa bình, họa sỹ Trang Phượng vẫn còn bị ám ảnh bởi trận bom kinh hoàng ấy. Và, ông càng không thể lý giải vì sao mình còn sống. Cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạ sỹ quân Giải phóng Miền Nam hy sinh 61 người thì phòng hội họa của ông chết 11 người. Nhiều lúc, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc.
Nhớ một thời khói lửa
Thoát khỏi trận bom hủy diệt, họa sỹ Trang Phượng được cử xuống vùng đất thép Củ Chi ngoại thành Sài Gòn. Đến tháng 2/1967, địch mở trận càn quy mô lớn đánh vào căn cứ Trung ương Cục. Ông Trang Phượng kể: Buổi sáng, tôi cử một tổ trang bị súng DKZ ra chốt sẵn sàng chiến đấu. Đến 10 giờ thì địch tấn công vào cứ. Cuộc chiến giằng co kéo dài từ sáng đến chiều. Nhiều xe bọc thép của địch bị bắn cháy.
Đến 5 giờ chiều, khi đợt tấn công thứ 7 của địch đang diễn ra, cậu giao liên chạy xuống hầm báo cáo khẩu súng DKZ đã bị hỏng và yêu cầu Trang Phượng rút lui. “Tôi cầm thủ pháo cùng cậu liên lạc chạy tới nhà bếp thì một trái bom rơi xuống. Tôi ngất đi, lúc tỉnh dậy thấy miệng ngậm đầy cát. Định lấy bình tong đeo ở thắt lưng để lấy nước xúc miệng thì không rút ra được vì một miếng bom găm vào bình tong và ca inox. Địch đánh rát quá, anh em đành phải cắt rừng rút qua Campuchia. Gặp lại nhau trên đất bạn, nhiều chị bật khóc vì tưởng tôi đã hy sinh”, ông Phượng nhớ lại...
Trang Phượng tham gia nhiều chiến dịch lớn như Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân; chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long, trực tiếp cùng các chiến sỹ tiểu đoàn 2 đánh vào Đồng Xoài, tiêu diệt tiểu đoàn 1 (sư đoàn 5) quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông kể: “Tôi chạy ra thấy đồng đội đang dẫn giải tù binh vào. Mình bắt sống được khoảng 150 người, cả sỹ quan và binh lính. Tôi đang kiểm tra thì nghe một tù binh gọi: Anh Phượng ơi, anh Phượng. Em là Mẫn, cháu ông Út Tồi nè. Thì ra là người quen. Tôi bảo ông bị bắt, sống được là may rồi (sau này ông Mẫn đào ngũ trở thành du kích)”.
Chính trị viên tiểu đoàn gọi họa sỹ Phượng đến gặp ba người lính Sài Gòn bị thương nặng đang nằm dưới một hố sâu. Một người lính bị mảnh pháo chém ngang bụng, máu tuôn xối xả. Anh ta nài nỉ: “Các anh ơi cho em xin miếng nước. Em là dân Mỹ Tho. Anh trai em cũng tập kết, không biết đợt này có về không”. Anh chính trị viên bảo “Mày đang bị thương nặng, uống nước vào sẽ chết” nhưng anh ta không nghe. Đành phải lấy chén nước cho uống thì mấy phút sau anh ta chết.
Vẽ để trả nợ
Một ngày cuối năm 2017, trong căn nhà nhỏ trên đường Vườn Chuối (quận 3, TPHCM), ở tuổi 79, họa sỹ Trang Phượng vẫn không ngừng vẽ tranh. Có nhiều bức được các nhà sưu tập nước ngoài trả giá hàng chục nghìn đô la nhưng ông không bán.
Như đọc được thắc mắc của người viết bài, họa sỹ Trang Phượng lí giải: “Tôi vẫn nhớ khuôn mặt đôn hậu của bác Tư, dáng lao nhanh của nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), nhớ đôi mắt không nhắm của họa sĩ Lê Hoàng Anh, nhớ nụ cười đôn hậu của Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), nhớ tiếng cười giòn giã cuả nhà phê bình văn học Hồng Tân... Tôi luôn tâm niệm sáng tác thật nhiều và suốt đời chỉ vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng. Tôi nghĩ mình có trách nhiệm gánh vác một phần công việc của các anh bỏ dở, như món nợ phải trả”.
Họa sỹ Trang Phượng tên thật là Trương Bá Phạn, học sinh trường trung học Mỹ thuật Bình Dương, tốt nghiệp thủ khoa. Được cấp học bổng sang Nhật học Mỹ thuật, nhưng họa sỹ quyết định vào căn cứ tham gia kháng chiến. Năm 1971, ông được ra Hà Nội học Đại học Mỹ thuật, làm nghiên cứu sinh ở Bulgary. Họa sỹ Trang Phượng nguyên là Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy TPHCM. |
Soạn giả Trần Hữu Trang (1906 - 1966) quê ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Ông tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, dự các buổi diễn thuyết của Phan Châu Trinh, liên hệ với phong trào cộng sản ngay từ năm 1930 – 1931. Trong thập niên 1930, những vở do Trần Hữu Trang sáng tác như Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937), Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Tình lụy,... đã trở thành những tác phẩm kinh điển, được nhân dân yêu thích đến hôm nay. Soạn giả Trần Hữu Trang được Nhà nước truy tặng Huân chương Thành Đồng; Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về văn học nghệ thuật. Tên ông được đặt cho một con đường, một ngôi trường và một nhà hát tại TPHCM. |