Thành công của bộ phim Mê Kông ký sự không chỉ thổi một làn gió mới cho thể loại phim tài liệu từ lâu vốn khô khan mà còn khơi mào cho dòng phim ký sự theo kiểu khám phá nở rộ hàng loạt sau này. Những Ký sự hỏa xa, Huyền bí sông Hằng, Ký sự Amazon, Ký sự Tân Đảo, Đi tìm dấu tích ba vua, Hành trình theo chân Bác, Trở lại Volga hay gần đây là Bên dòng Mississippi nối tiếp nhau ra đời nhưng càng ngày sự háo hức của người xem dành cho dòng phim được gọi là “discovery mác Việt” này đã không còn.
Cưỡi ngựa xem hoa
Thời buổi công nghệ phát triển, khán giả VN cũng đã quá quen với những bộ phim “discovery” ngoại được phát trên các kênh truyền hình cáp. Nhưng dù sao các bộ phim đó cũng chỉ nhìn qua lăng kính của người nước ngoài nên những phim “discovery” do VN sản xuất vẫn luôn được khán giả ưu ái đón xem nhờ tính gần gũi bởi tất cả đều được phản ánh dưới con mắt của người Việt. Chính vì thế, dòng phim “discovery mác Việt” do hãng phim truyền hình TPHCM (TFS) thực hiện, từ khi ra đời, luôn được người xem tin tưởng và chờ đón, đặc biệt là sau thành công vang dội của Mê Kông ký sự. Tuy vậy, cũng từ sau phim này, hầu như không còn bộ phim ký sự khám phá nào để lại ấn tượng nữa bởi chất “khám phá” trong đó đã ngày càng nhạt dần.
Trước khi Ký sự Amazon lên sóng HTV, dẫu đã được xem nhiều phim nước ngoài làm về đề tài này trên kênh Discovery, National Geographic, nhưng khán giả vẫn hồi hộp chờ đợi được chiêm ngưỡng những thước phim tư liệu quý giá về dòng sông kỳ bí này qua lăng kính của các nhà làm phim VN. Tiếc là Ký sự Amazon đã không làm được điều đó. Ngay trong phần 1 của phim, phần thực hiện trên đất Brazil, suốt mấy chục tập phim, những gì liên quan đến dòng Amazon chỉ xuất hiện sơ sài trong vài tập, còn lại người xem chỉ thấy hình ảnh các thành viên của đoàn phim đi dạo chơi các điểm du lịch nổi tiếng ở Brazil rồi phỏng vấn cảm giác của nhau. Hết đi thác nước Iguazu, đập Itaipu (từng giữ kỷ lục đập nước lớn nhất thế giới) đến thành phố Rio De Janeiro, thậm chí có tập chỉ đề cập chuyện đoàn phim đi thăm và dùng bữa ở Đại sứ quán VN tại Brazil. Với phần hình ảnh như thế, nếu lời bình được chăm chút, có lẽ cũng vớt vát đôi chút chất lượng phim, đằng này suốt bộ phim, hầu như khán giả chỉ nghe lời đọc ra rả của anh chàng BTV kiêm MC, chẳng khác gì hướng dẫn viên du lịch đang thuyết minh cho du khách. Sang đến Hành trình theo chân Bác, sự thất vọng ngày càng tăng lên khi xem hết cả bộ phim nhưng người xem chẳng thấy được thêm những tư liệu quý giá gì về hành trình tìm đường cứu nước của Bác mà chỉ thấy các thành viên của đoàn phim dạo chơi hết nước này đến nước khác. Trải qua mười mấy quốc gia, vùng lãnh thổ, đoàn phim cho người xem “cảm nhận” của mình bằng cách đến địa danh nào thì quay cảnh đường phố, địa điểm du lịch nổi tiếng của nơi ấy rồi cho MC thuyết minh bằng những lời sáo rỗng, na ná nhau kiểu: “đứng trước nơi này lòng chúng tôi bỗng bồi hồi xúc động”, “dâng tràn cảm xúc...”.
“Nước cơm pha loãng”
Một trong những nguyên nhân góp phần làm chất lượng của dòng phim “discovery” VN không còn ở đỉnh cao như ngày đầu của Mê Kông ký sự là vấn đề quảng cáo, tài trợ. Kinh phí để đưa một đoàn phim từ vài người đến chục người ra nước ngoài không phải nhỏ, với những phim mà hành trình phải trải qua nhiều ngày, nhiều quốc gia thì số tiền đầu tư càng “đội” lên cao. Một mình nhà đài không thể kham nổi nên cần thêm sự phối hợp của các nhà tài trợ, điều này cũng phù hợp với chủ trương xã hội hóa làm phim truyền hình. Và với ưu thế của mình, các nhà tài trợ trong trường hợp này thường là các hãng lữ hành. Điều này đã biến nhiều phim ký sự giống như một chương trình quảng bá tour du lịch bằng hình ảnh của một hãng nào đó. Khán giả không tìm thấy đâu sự gian khổ dấn thân để khám phá, tìm tòi của người làm phim mà chỉ thấy hình ảnh những thành viên của đoàn nhởn nhơ như những du khách dạo chơi trên xứ người với điểm đến toàn là những danh thắng du lịch nổi tiếng.
Để bù đắp lại kinh phí mà các nhà tài trợ đã bỏ ra, các phim này đều bị chia nhỏ thời lượng phát sóng để dành thời gian cho các mẩu quảng cáo. Hầu hết thời lượng phát sóng các phim ký sự khám phá hiện nay là 10 phút/buổi. Phim đầu tư kinh phí càng cao thì số tập phim, số ngày phát sóng càng kéo dãn để nhà tài trợ có thời gian thu hồi vốn. Điều này khiến nội dung mỗi tập như “nước cơm pha loãng”, chuyện đoàn phim chuẩn bị lên đường, cảnh các thành viên tạm biệt người thân thế nào, chuyến bay bị trục trặc ra sao... tất tần tật đều đưa hết lên phim bởi nếu không làm như vậy thì không đủ chỉ tiêu số tập để phát.
Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân khác là cách làm kiểu truyền hình thực tế: vừa làm vừa phát sóng. Việc ghi hình, dựng và phát sóng ngay trên đường đi khiến đoàn phim không có thời gian chăm chút kỹ cho phần nội dung và kỹ thuật. Nhận ra thực tế này nên phim Bên dòng
Mississippi
, đang phát sóng, đã trở về cách làm truyền thống: thực hiện hậu kỳ và lên sóng sau khi đoàn phim đã về nước. Danh sách phim “discovery” VN sẽ còn nối dài khi kế hoạch của các nhà đài vẫn còn ấp ủ rất nhiều đề tài, như: khám phá con đường tơ lụa xưa, khám phá sông Nil (Ai Cập), sông
Danube
(châu Âu)... Dòng phim này còn sống được bao lâu là tùy vào cách làm như thế nào của các nhà làm phim.
Theo NLĐO |