Văn nghệ trong nước
Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên
14:05 | 10/04/2018

Ngày 10/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở VH - TT&DL; Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Công tác bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên - Chính sách và thực tiễn”.

Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên
Quang cảnh Hội thảo

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện, thúc đẩy bảo vệ bản sắc dân tộc, gìn giữ bản sắc văn hóa. Trên cả nước, nhiều cuộc liên hoan hát dân ca; Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc; những Hội diễn văn nghệ quần chúng dành cho các lứa tuổi; nhiều đợt xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho những người có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp bảo tồn âm nhạc dân tộc. 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều luồng, nhiều loại âm nhạc ngoại lai xâm nhập khiến cho âm nhạc dân tộc nước ta nói chung, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc nói riêng đang ngày càng bị thu hẹp về không gian trình diễn, cơ hội trình diễn, đối tượng khán giả… Một thực trạng hiện nay chỉ còn ít thanh niên dân tộc thiểu số biết hát dân ca, chơi nhạc cụ của dân tộc mình. Các nghệ nhân giỏi nghề, trình diễn thành thạo các loại âm nhạc dân gian đặc sắc; nghệ nhân biết chế tác, trình diễn và truyền dạy nhạc cụ dân tộc độc đáo thì ngày càng ít… khiến cho việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở nước ta gặp nhiều khó khăn. 

Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên

Các đại biểu trao đổi, bàn thảo các vấn đề về âm nhạc cổ truyền. 

Do đó, Hội thảo “Công tác bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên - Chính sách và thực tiễn” nhằm tiến hành điều tra, khảo sát toàn diện từ thực tiễn hoạt động thực hành cho đến thực tiễn triển khai các chủ trương, chính sách có liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Từ đó, đề xuất các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước nghiên cứu thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung, tiến tới hoàn thiện chính sách dân tộc nói chung và đối với các dân tộc thiểu số nói riêng, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách, trong đó có việc bảo tồn và phát huy các di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số cho đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. 

Bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên

Các đại biểu về tham dự Hội thảo.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các đại biểu đã tập trung trảo đổi, bàn thảo các vấn đề: Diện mạo, đặc trưng và những giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật trong di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên. Vai trò, vị trí của các di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên. Thực trạng bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền và kết quả thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy di sản âm nhạc dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên… các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp phù hợp hiệu quả cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên. 

Theo Nguyễn Tuấn Anh- ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng