Văn nghệ trong nước
Màu của điêu khắc
15:20 | 06/07/2018

Sau những chuyến trải nghiệm đến các vùng miền đất nước, cảm nhận nguồn năng lượng dồi dào và sức sống căng tràn của thiên nhiên, Trần An và Thái Nhật Minh đã hình thành quan niệm mới trong sáng tác. Các tác phẩm điêu khắc trong triển lãm “Mùa hoa và chim” của cả hai như một cuộc đối thoại giữa ngôn ngữ của hình khối, tính chất của vật liệu và màu sắc.

Màu của điêu khắc
Triển lãm điêu khắc “Mùa hoa và chim” thu hút sự tham gia của đông đảo công chúng và nghệ sĩ

Khởi từ tự nhiên

Sau thời gian dài tìm kiếm phương pháp thể hiện, Trần An và Thái Nhật Minh vô tình chung ý tưởng trưng bày nghệ thuật tại công sở bận rộn giữa trung tâm thành phố. Hai nghệ sĩ lý giải, trong thời buổi khó lựa chọn điểm tổ chức không gian nghệ thuật hiện nay, tác phẩm muốn có sức sống riêng, không gian chứa đựng nó cũng phải có chất riêng, toát lên tinh thần và khí thế. Đó chính là lý do các tác phẩm điêu khắc của cả hai tiếp cận trực tiếp với không gian làm việc. Triển lãm điêu khắc “Mùa hoa và chim” đang trưng bày tại không gian eSpace (số 1 Đinh Lễ, Hà Nội) là kết quả của ý tưởng ấy.

Nghệ sĩ Trần An là người am hiểu và ưa thích sử dụng chất liệu công nghiệp hiện đại. Anh luôn chủ động với kỹ thuật đúc, uốn, cắt, hàn, mài và tính đa dạng của trọng lượng, thể tích của một tác phẩm điêu khắc. Chính sự thấu hiểu về ưu điểm, nhược điểm của chất liệu sắt đã giúp các tác phẩm vừa có sự cứng cáp, lạnh lùng, lì lợm, vừa có sự mềm mại, giàu chất thơ, gần với đời sống xã hội hiện đại. Nghệ sĩ Trần An chia sẻ, sau những chuyến trải nghiệm đến các vùng miền đất nước, cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào và sức sống căng tràn của thiên nhiên, anh quyết định theo đuổi dự án nghệ thuật như vậy. Các tác phẩm thực hiện gần đây của Trần An mang trọn vẹn ý tưởng và mong muốn thể hiện ngôn ngữ của điêu khắc hiện đại qua hình khối, tính chất của vật liệu. Anh muốn chuyển tải vào chúng tất cả những gì thuộc về thiên nhiên thông qua ngôn ngữ điêu khắc, như hy vọng về sự sinh sôi, bung nở, với một tương lai mới rực rỡ và tươi sáng hơn.

Giống như Trần An, ý tưởng nghệ thuật và phong cách tạo hình trong các sáng tác về thiên nhiên của Thái Nhật Minh cũng dễ hiểu, dễ nhận biết và cảm thụ. Các tác phẩm có hình khối giản lược, khái quát và gần gũi thiên nhiên, khiến người xem cảm thụ một cách thân thiện. Bộ sưu tập “Chim” có những sáng tạo từ loại keo kết dính đến cách làm cốt, tạo khối, chất loại giấy… Nghệ sĩ Thái Nhật Minh quan niệm, chim biểu tượng cho ước mơ, khát vọng và hòa bình, trong nhiều câu chuyện dân gian, nó còn chuyển tải các câu chuyện về văn hóa, tín ngưỡng và lịch sử. Bài học mà nghệ sĩ đúc kết cho riêng mình trong quá trình sử dụng vật liệu, giống như con ong, con kiến xây tổ, mang tính nguyên sơ và tự nhiên. Với Thái Nhật Minh, không có sách vở nào bằng sự tự trải nghiệm. Chỉ khi sống với chất liệu mới có thể phát hiện được những khả năng biểu hiện của từng loại, từ đó phát huy thích hợp thế mạnh của chúng.

Mở rộng quan niệm

Bên cạnh sự biểu cảm của hình khối, màu sắc cũng góp tiếng nói không nhỏ trong sáng tác điêu khắc. Các công đoạn làm màu cho tác phẩm của Thái Nhật Minh được thực hiện kỹ lưỡng song không quá cầu kỳ. Bột giấy sau khi trộn với keo sữa, định hình trên khung kim loại được kết hợp với màu nước hoặc acrylic tạo thành hỗn hợp tươi, mềm, quánh. Chất liệu bột giấy với độ thô nhám, chất xốp tự nhiên tạo nên chất cảm riêng, đó là độ âm vang sâu thẳm mà vẫn êm dịu, mộc mạc và đằm thắm. Nhờ đó, điêu khắc của Thái Nhật Minh có cách biểu cảm màu khá đặc biệt.

Để có chất màu cho các sáng tác của mình, Thái Nhật Minh đã nghiên cứu nhiều giai đoạn phát triển của điêu khắc. Trong các thời kỳ lịch sử của nghệ thuật này, hầu hết nghệ sĩ không sử dụng màu mà để nguyên màu của chất liệu đá, đồng. Ở phương Đông, nghệ thuật điêu khắc thường sử dụng màu theo mô típ tôn giáo với những bức tượng tại đình, chùa được sơn son thếp vàng hay đồ vật gốm sử dụng thêm màu men để tăng phần biểu cảm. Tuy nhiên, qua thời gian, quan niệm màu trong điêu khắc đã mở rộng. Vấn đề sử dụng màu như thế nào cho hiệu quả và thể hiện rõ nhất ý tưởng được nhiều nghệ sĩ quan tâm. Đó là lý do với tác phẩm trong “Mùa hoa và chim”, Thái Nhật Minh sử dụng màu nước hoặc acrylic thay vì sơn công nghiệp; Trần An dùng sơn có kết dính cho sáng tác từ chất liệu sắt hàn.

Việc vẽ màu lên tác phẩm điêu khắc còn là sự giải tỏa cảm xúc nghệ thuật mạnh mẽ. Màu sắc trên ngôn ngữ khối tròn, vuông hay dẹt đòi hỏi những cảm nhận, kinh nghiệm riêng của tác giả. “Màu sắc đã nói nên phom hình. Nó cũng trả lời cho câu hỏi tại sao một số tác phẩm không thể đưa màu vào, một số tác phẩm rất dè dặt với màu. Lẽ thường, nghệ sĩ phải làm chủ cảm xúc, màu sắc. Đôi khi chỉ một nét chấm nhỏ trên hoa cũng phải tiết chế để không phá hỏng cả khối điêu khắc”, nghệ sĩ Trần An nói.

Theo Hồng Hà - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng