Văn nghệ trong nước
Gắn kết cởi mở
15:11 | 27/08/2018

Vẫn ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nhưng đa phần tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam và châu Á tham gia trại sáng tác tại Ninh Bình vừa qua đã bày tỏ thái độ rõ ràng trước những vấn đề đương đại. Đặc biệt, họ có cơ hội học hỏi nhiều phong cách nghệ thuật cũng như cách lựa chọn ý tưởng và tiếp cận vấn đề khác nhau trong nghệ thuật.

Gắn kết cởi mở
Tác phẩm chung được hoàn thành bởi các nghệ sĩ Việt Nam và châu Á - Ảnh: H. Sen

Sáng tạo trong cách nhìn thực tại

Lâu nay, hình thức trại sáng tác (workshop) đã mở ra nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ châu Á giao lưu, cọ xát cũng như trao đổi kinh nghiệm trong việc tìm kiếm ý tưởng nghệ thuật, sử dụng chất liệu sáng tác. Các tác phẩm sau những chuyến thực tế này tuy vẫn còn một số ít được thực hiện theo thói quen và dòng cảm hứng đơn thuần nặng khái niệm vẽ theo chủ đề, song đã được nhiều nhà phê bình đánh giá cao bởi tính sáng tạo và cởi mở.

Theo họa sĩ Nguyễn Sơn Ka, Hội Mỹ thuật Việt Nam, chính sự phong phú từ phong cách thể hiện qua các chương trình này khiến cho nghệ thuật đương đại châu Á hiện là một trong những nền nghệ thuật đương đại có tính đột phá và thú vị nhất thế giới. Việc mở rộng các chương trình giao lưu giúp công chúng và giới phê bình có thể ghi nhận thêm nhiều nghệ sĩ cũng như quá trình sáng tạo của họ, phát hiện và giới thiệu các tác phẩm đặc biệt đến với những người yêu nghệ thuật, các nhà phê bình và sưu tầm nghệ thuật.

Các sáng tác tại mỗi kỳ workshop được thực hiện với nhiều phong cách và thể loại khác nhau, song đều cùng đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh những lo ngại về sự hủy hoại môi trường, tốc độ đô thị hóa quá nhanh, những cảm xúc và suy tư của con người về thiên nhiên, thế giới xung quanh... Tranh của các nước Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines vẫn nằm trong dòng chảy chung của hội họa châu Á, ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, nhưng lại có những mô típ riêng. Malaysia đặc trưng ở đường nét, họa tiết, giống như hoa văn trên trang phục truyền thống người dân nước này. Ấn Độ là tinh thần nhẫn nại, khiêm nhường và thanh đạm ẩn sau đó. Còn Nhật Bản sở hữu sự đặc sắc, vi tế và lâu đời. Nếu đối sánh, tranh của các họa sĩ Việt Nam thường lấy cảm hứng từ con người, trong khi tranh các nước trong khu vực phần nhiều trừu tượng. Một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, các họa phẩm lại thể hiện chiều sâu và có cái nhìn thực tại cập nhật.

Phong phú về kỹ thuật và ý tưởng

 Mặc dù chỉ có khoảng thời gian sáng tác ngắn (từ 21 - 24.8) tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, chương trình workshop nghệ thuật giữa các họa sĩ Việt Nam và châu Á đã trình làng 44 tác phẩm có chất lượng được đánh giá theo tiêu chí chung của hội họa khu vực. Ngoài sức hút về vẻ đẹp từ các di tích, danh thắng trên vùng đất cố đô Ninh Bình thì tinh thần làm việc hăng hái, cởi mở của nghệ sĩ Việt để lại ấn tượng tốt với bạn bè khu vực. “Nghệ sĩ Việt Nam được đào tạo tốt, có nhiều vấn đề xã hội làm vốn cho sáng tác, song song với đó là thẩm mỹ đặc biệt trong một nền nghệ thuật truyền thống đáng trân trọng và khâm phục”, họa sĩ Philippines Virgilio Arguelles Aviado nhận xét.

Là một trong 5 nghệ sĩ Việt tham gia workshop lần này, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương cho biết, khoảng hơn 10 năm gần đây các chương trình giao lưu mỹ thuật tại nhiều nước trên thế giới đã giúp anh học hỏi được thái độ của nghệ sĩ đối với xã hội đương đại. “Không thể hiện những chủ điểm chung chung, các họa sĩ quốc tế, trong đó có họa sĩ châu Á vẫn ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nhưng đa phần bày tỏ thái độ rõ ràng trước những vấn đề đương đại”.

Ưu điểm nổi trội của các nghệ sĩ châu Á là sự phong phú về kỹ thuật, ý tưởng thể hiện và thái độ làm việc nghiêm túc. Theo họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, quá trình làm việc trực tiếp với các đồng nghiệp đã giúp anh thấy được sự phong phú trong cách sử dụng chất liệu xuất phát từ những quan điểm nghệ thuật riêng biệt, đó cũng là lý do khiến các họa sĩ châu Á có được thế tiên phong. Điều này chứng tỏ cái nhìn nghệ thuật qua nhiều cách tiếp cận đáng được học hỏi từ các nghệ sĩ châu Á, trong khi nhiều họa sĩ của chúng ta vẫn còn những e dè nhất định trong quá trình dấn thân của một nghệ sĩ đương đại, từ đó không bộc lộ hết mình.

Từng tham gia nhiều chương trình giao lưu, họa sĩ Ấn Độ Ganesh Chandra Basu rất thích thú trước những cảnh đẹp hữu tình với cỏ cây và đá núi ở Việt Nam. Cảnh đẹp ấy thôi thúc ông muốn chia sẻ nhiều hơn cảm xúc với các bạn đồng nghiệp, muốn truyền đi thông điệp về sự trân quý thiên nhiên, gần hơn với tự nhiên để trải rộng tâm hồn mình. “Quá trình sáng tác, kỹ thuật làm màu cho các bức vẽ cùng ý tưởng sáng tác của các họa sĩ trẻ người Việt khiến tôi vô cùng thích thú và muốn học hỏi”, Ganesh Chandra Basu cho hay.

Đến Ninh Bình nhiều lần, tuy nhiên với họa sĩ đồ họa Vũ Bạch Liên, chuyến giao lưu lần này với chị lại mới mẻ trong một cảm xúc đặc biệt. Chị chia sẻ, gần đây các họa sĩ Việt Nam có nhiều cơ hội học hỏi cách làm việc của nhiều phong cách nghệ thuật trên thế giới. Tuy nhiên, học và hiểu để khai thác tính tích cực của các phong cách lại tùy thuộc vào khả  năng của mỗi nghệ sĩ. “Đó là cách truyền tải và thể hiện cá tính trong nghệ thuật. Tuy là một chất liệu nhưng mỗi người lại sử dụng nó trong một sở trường riêng, biểu hiện bằng hình thức và nội dung tác phẩm riêng. Nhiều nghệ sĩ cùng phác họa về hang động, núi đá, sông nước nhưng cách họ đặt vấn đề khi là giản lược, có lúc đi vào chi tiết. Tất cả tạo nên sự phong phú và biểu hiện thú vị qua các tác phẩm, cũng như là sự nhận diện cá nhân của nghệ sĩ với cộng đồng.

Theo Hồng Hà - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng