“Hơn nửa thế kỷ hoạt động trên nhiều lĩnh vực, Đỗ Đức Dục chính là hiện thân sinh động và đẹp đẽ của mẫu hình trí thức dấn thân không mệt mỏi trong thế kỷ XX đầy biến động. Ở ông, ta bắt gặp sự kết hợp hài hòa ba trong một: nhà hoạt động xã hội sôi nổi, nhà văn hóa giàu sáng tạo và nhà nghiên cứu văn học tâm huyết” - PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học khẳng định.
Tại hội thảo “Kỷ niệm 25 năm ngày mất nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục” tổ chức sáng 13.9, đa số đại biểu cho rằng, ở lĩnh vực nào Đỗ Đức Dục cũng có những đóng góp đáng ghi nhận.
“Tôi như con dao pha...”
Sinh ra và lớn lên tại làng Xuân Tảo, nay là phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Đỗ Đức Dục từ Nho học chuyển sang Tây học tại Trường Albert Sarraut, trường Bưởi, rồi tốt nghiệp hạng ưu Cử nhân Luật Viện Đại học Đông Dương năm 1938. Những năm trước Cách mạng tháng Tám, trí thức trẻ Đỗ Đức Dục hăng hái tham gia phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, gia nhập nghề báo và là chủ bút tạp chí Thanh Nghị, cổ súy cho tự do, dân chủ và mở mang dân trí nước nhà.
Tại tòa soạn báo Thanh Nghị, ông viết nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, nhất là xã hội và văn hóa. Có lúc ông kiêm cả lược thuật tin tức thế giới, viết và dịch một số tác phẩm văn học hay sáng tác một số truyện ngắn và thơ… Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa: “Ngòi bút của ông cho thấy sức đọc, sức viết và phạm vi càn lướt ấn tượng của người thanh niên trí thức họ Đỗ. Viết nhiều thể loại, từ nghị luận đến phóng sự, tạp văn, phê bình văn học, đặc biệt những bài luận chiến sắc bén, Đỗ Đức Dục được ví như con dao pha trên báo Độc Lập, tờ báo mà ông gắn bó nhiều năm trong và sau kháng chiến chống Pháp, trở thành ngòi bút xông xáo của báo chí cách mạng Việt Nam”.
“Tôi như con dao pha của tờ báo, có khi phải viết ngay trên máy in để bổ sung tờ báo vào giờ chót, trước khi báo lên khuôn. Tôi đặc biệt chú ý đến các vấn đề thời sự, chính trị và qua những bài xã luận, nhằm cổ động lòng yêu nước của thanh niên, sự quan tâm của họ đến vận mệnh của đất nước, nhất là từ sau khi quân Nhật đặt gót lên Đông Dương, chuyển tình thế nước ta vào cục diện mới đầy dự báo”, bà Trần Thị Kim Hoa dẫn lời Đỗ Đức Dục. Đây cũng chính là thời điểm ông dấn thân vào hoạt động chính trị bằng những bài báo nhạy bén và giàu tính thời sự. “Tinh thần dấn thân và khát vọng thay đổi xã hội của ông đã tác động sâu sắc đến đông đảo trí thức và thanh niên yêu nước, góp phần vào cuộc vận động tư tưởng dân tộc dân chủ và cải cách, nhằm đem lại nền độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Trung tâm Di sản các Nhà Khoa học Việt Nam nhận định.
Một trí thức “ưu thời mẫn thế”
Những hoạt động xã hội và chính trị sôi nổi đã đưa ông trở thành Đại biểu Quốc hội Khóa I và đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tham gia tiểu ban soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Giám đốc Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa… Có thể coi những năm liền kề trước và sau Cách mạng tháng Tám là quãng thời gian “đắc ý” nhất của Đỗ Đức Dục trong tư cách là nhà hoạt động chính trị xã hội nổi tiếng.
Nghiên cứu của nhà giáo, dịch giả Vũ Thế Khôi cho thấy, trong vai trò lớn hơn, luật gia Đỗ Đức Dục cùng thực tiễn đấu tranh cách mạng và vũ khí báo chí, đã thuyết phục được Quốc hội Khóa I thông qua Hiến pháp 1946, theo đó “kiên quyết bảo vệ nguyên tắc tập quyền với Quốc hội một viện, phản đối phân quyền, dân chủ đại nghị với hai viện, nhất quán ủng hộ nguyên tắc tập trung dân chủ của chế độ dân chủ mới”.
Trên cương vị lãnh đạo Bộ Văn hóa, ông đã tích cực tham gia vận động thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và trở thành một trong những hội viên sáng lập Hội năm 1957.
Với tất cả những đóng góp của mình, Đỗ Đức Dục trở thành một trí thức “ưu thời mẫn thế”, vì sự phát triển của đất nước, một người luôn kiên định với lý tưởng là tận hiến cho Tổ quốc và nhân dân.
Có lẽ không thể nêu hết những vai trò và trọng trách mà nhà trí thức Đỗ Đức Dục từng đảm nhiệm, song đủ để thấy nội lực mạnh mẽ cũng như bản lĩnh vững vàng của ông. GS.TS Lộc Phương Thủy, Viện Văn học cho biết, bản lĩnh ấy đáng được trân quý khi ông rẽ sang con đường khác sau khi từ giã chính trị, trở thành nhà nghiên cứu văn học. Từ nghiên cứu trào lưu văn học hiện thực Pháp nói riêng, của phương Tây nói chung, đến văn học Việt Nam, Đỗ Đức Dục đã để lại bao bài học quý giá: Cách ứng xử vững vàng với sóng gió cuộc đời đến việc định hướng lâu dài, có tính chất hệ thống trong nghiên cứu, dịch thuật…
Bản lĩnh của một trí thức vững vàng đã giúp ông không chỉ trụ lại giữa cuộc đời, mà còn để lại những thành quả có ích cho đời.
Theo Hương Sen - ĐBND