Sáng ngày 25/11/2018, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (số 01 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội), Viện Văn học đã tổ chức Lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học “Kỷ niệm 65 năm thành lập Viện Văn học” (1953 - 2018).
Sự kiện có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Duy Bắc - Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đại biểu đến từ các cơ quan hữu quan, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu trên cả nước; lãnh đạo Viện Văn học qua các thời kỳ cùng đông đảo các thế hệ cán bộ, nhân viên và nghiên cứu sinh của Viện Văn học.
Tiền thân của Viện Văn học là Tổ Văn trong Ban Lịch sử - Văn học - Địa lý được thành lập ngày 02/12/1953 theo Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Vào năm 1954, do yêu cầu và nhiệm vụ mới, Ban đổi tên thành Ban Văn học - Lịch sử - Địa lý (gọi tắt là Ban Văn - Sử - Địa). Sau hơn 5 năm hoạt động, đến năm 1959, Ban Văn - Sử - Địa đã hoàn thành vai trò lịch sử của nó và bộ phận nghiên cứu văn học của Ban chuyển thành Sở Nghiên cứu văn học (tên gọi đầu tiên của Viện Văn học). Đầu năm 1960, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng, Chính phủ quyết định thành lập Viện Văn học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
Như vậy, tính đến thời điểm 2018, Viện Văn học đã trải qua 65 năm xây dựng, phát triển và đổi mới.
Trong hai cuộc kháng chiến, trải qua nhiều gian khó, Viện Văn học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong nước và ngoài nước nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà góp phần vào cuộc đấu tranh cho hoà bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”.
Sau 1975, đặc biệt là từ Đổi mới (1986) đến nay, trong bối cảnh lịch sử mới, Viện Văn học đã có nhiều thay đổi về mô hình nghiên cứu và đào tạo nhân lực, nhằm thích ứng với tình hình đổi mới và hội nhập.
Hiện nay, Viện Văn học vừa kiên trì hướng nghiên cứu cơ bản, vừa có ý thức gắn nghiên cứu hàn lâm với thực tiễn văn hoá và văn học, đồng thời tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác với các trường đại học, các viện và các trung tâm nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.
Trong suốt hơn sáu thập kỷ qua, Viện Văn học đã khẳng định được vị thế của một trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu, có vai trò to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp nghiên cứu văn học của nước nhà.
Những cống hiến quý báu của các thế hệ cán bộ Viện Văn học đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất cho Viện Văn học, Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tạp chí Văn học (nay là Tạp chí Nghiên cứu văn học).
Diễn văn lễ kỷ niệm do PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - trình bày có đoạn: “Những thành tựu không thể kể hết ở đây, một mặt, gắn liền với sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ đã và đang công tác tại Viện, mặt khác, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. Tự nó đã chứng minh rằng, Viện Văn học thực sự là một trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu của đất nước, có tác động sâu sắc đến đời sống văn hoá xã hội trong suốt hơn sáu chục năm qua. Ngôi nhà 20 Lý Thái Tổ, sau hơn sáu thập kỷ đã thực sự trở thành một địa chỉ văn hoá quan trọng của Thủ đô ngàn năm tuổi”.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - phát biểu: “Với những thành tựu đã đạt được, có thể khẳng định, 65 năm Viện Văn học là một lịch sử sống động, vinh dự, tự hào. Mong rằng, thời gian tới, Viện Văn học tiếp tục phát triển mạnh mẽ, không ngừng đổi mới để xứng đáng là trung tâm nghiên cứu văn học hàng đầu của quốc gia, khẳng định vị thế và uy tín khoa học của mình trong khu vực và quốc tế”.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - nhấn mạnh: “Trong bước đi lên của Viện Văn học những năm tới, theo tôi, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng đắn Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đó là xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong sáng tác cũng như nghiên cứu văn học cần khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”.
Theo Đăng Hoàng - VNQĐ