Văn nghệ trong nước
Trăm năm sân khấu cải lương: Thập niên vàng
10:25 | 24/12/2018

Hòa trong khí thế chiến thắng của ngày 30-4-1975, những đoàn ca múa nhạc, nhất là Đoàn kịch nói Nam bộ, đã ra mắt khán giả miền Nam các vở diễn Chuông đồng hồ điện Kremlin và Hòn đảo thần vệ nữ… với những tên tuổi tạo ngay dấu ấn trong lòng người xem như: Can Trường, Văn Chiêu, Tú Lệ, Văn Thành, Kim Cúc, Hải Thanh, Quốc Hòa...

Trăm năm sân khấu cải lương: Thập niên vàng
Cảnh trong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga. Ảnh: QUỐC THANH

Tuy nhiên, thành phố Sài Gòn - đất của cải lương lại trở nên im ắng vào những ngày đầu giải phóng. Thời kỳ này, sáng tác mới còn quá ít, nên các đoàn cải lương, kịch nói đã phải dàn dựng lại những vở cũ như: Đời cô Lựu, Lỡ bước sang ngang, Tấm lòng của biển, Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Sân khấu về khuya...

Những tác giả nổi tiếng của sân khấu ngày xưa như Hà Triều - Hoa Phượng, Điêu Huyền, Hoàng Khâm, Nguyễn Phương, Thu An… chưa bắt kịp với nhịp sống chuyển đổi, những vấn đề mới do cuộc sống mới đòi hỏi nên chưa có những kịch bản cải lương như kịch nói phản ánh được con người và hiện thực đời sống đang đặt ra. Để có những kịch bản cho sân khấu thành phố, năm 1976, Hội Nghệ sĩ sân khấu miền Nam đã tổ chức một trại sáng tác ở Vũng Tàu, tập hợp hầu hết đội ngũ tác giả sân khấu cải lương, kịch nói như: Điệu Huyền, Thiếu Linh, Hoa Phượng, Hà Triều, Hoàng Khâm, Vĩnh Điền, Trường Xuân Trúc, Lê Duy Hạnh, Ngọc Linh trong 6 tháng trời.

Không lâu sau đó, sân khấu cải lương rực rỡ ánh đèn và chiếm lĩnh các rạp Quốc Thanh, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo… Trước hết là Đoàn cải lương Văn công Giải phóng (thành lập từ năm 1960 tại Hố Bò, với tên Văn công Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định) nhanh chóng kết hợp 3 nguồn lực lượng: từ tập kết trở về như Thanh Hùng, Ngọc Hoa; từ chiến khu ra như Quốc Hùng, Hoàng Trung, Ngọc Cẩm, Hồng Nhung; và nghệ sĩ tại chỗ như Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Hoàng Giang, Diệp Lang, Phương Quang, Thanh Tú, Thoại Miêu, Hùng Minh, Mỹ Châu, Khả Năng…

Với lực lượng nghệ sĩ hùng hậu, đoàn đã gây dựng thành công một loạt vở như: Cây sầu riêng trổ bông, Bạo chúa, Khi bình minh trở lại, Tiếng sóng Rạch Gầm, Tâm sự Ngọc Hân, Nàng Hai Bến Nghé, Dòng sông đầm lầy, Muôn dặm tìm chồng...

Đoàn cải lương Sài Gòn 1 ra đời tháng 9-1975, với những nghệ sĩ đầu tiên là NSND Phùng Há, Năm Châu, Ba Vân..., tiếp đến là các diễn viên Út Trà Ôn, Thành Được, Út Bạch Lan, Phượng Liên, Mỹ Châu, Thanh Thanh Hoa, Ngọc Giàu, Tô Kim Hồng..., rồi Thanh Kim Huệ, Thanh Điền, Châu Giang, Trúc Phượng, Bảo Linh, Dương Thanh, Kim Tử Long, Phượng Loan. Đoàn có những vở diễn thành công: Sân khấu về khuya, Đời cô Lựu, Người ven đô, Đêm trắng... của các tác giả: Năm Châu, Trần Hữu Trang, Minh Khoa, Lưu Quang Hà.

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang là Nhà hát Quốc gia hạng I được thành lập ngày 15-9-1976 trên cơ sở 3 nguồn lực lượng là Cải lương Giải phóng (trong R), Cải lương Nam bộ (tập kết) và nghệ sĩ tại chỗ. Năm 1998, Nhà hát Ca - Kịch - Cải lương Trần Hữu Trang và Đoàn Văn công thành phố sáp nhập lấy tên gọi là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho đến ngày nay. Nhà hát có đội ngũ diễn viên nổi tiếng, nhiều ngôi sao cải lương được công chúng cả nước biết tên. Mỗi giai đoạn có nhiều vở diễn kinh điển cho ngành cải lương như: Chim Việt cành Nam (Thể Hà Vân), Kiều Nguyệt Nga (Ngọc Cung), Dốc sương mù(Lê Duy Hạnh), Thái hậu Dương Vân Nga (Trúc Đường), Đêm phán xét (Thể Hà Vân), Cây sầu riêng trổ bông (Hoài Linh), Truyện cổ Bát Tràng (Hoa Phượng chuyển thể)…

Các đoàn cải lương sau 1975 khác các đoàn cải lương của thời kỳ khác về cơ chế quản lý. Không còn đoàn cải lương của bầu tư nhân nữa mà là nhà nước và tập thể quản lý. Trong thời kỳ đầu, nhiệm vụ của các đoàn cải lương là làm sao để đưa lên sân khấu mới được nhiều hình ảnh đa dạng về người chiến sĩ cách mạng. Đó là cả một quá trình phấn đấu của các tác giả, đạo diễn và diễn viên.

Về mặt nội dung, đề tài tưởng chừng như đơn điệu nhưng các tác giả đã có những cố gắng xây dựng các nhân vật kịch của mình với công phu đào sâu tâm lý, khắc họa tính cách trong những tình huống khác nhau, tạo được tính hấp dẫn và độ bền của vở diễn như: Khách sạn hào hoa, Cây sầu riêng trổ bông. Nhiều vở cải lương đi vào đề tài cách mạng: Mùa thu trên non cao của Đoàn Văn công thành phố tái hiện thời kỳ đầu cách mạng ở một vùng cao. Gương mặt người thương của Đoàn Thống Nhất tả lại cuộc đấu tranh chống tư sản và chính quyền cũ. Những đêm trăn trở của Đoàn Thanh Nga diễn tả cuộc Tổng tiến công Mậu Thân.

Sân khấu cải lương không chỉ chứa đựng nội dung mới mà còn có những bước tiến khá dài, vẫn giữ được những tinh túy, đẹp đẽ của nghệ thuật cải lương cũ, song đã đem đến một vẻ đẹp mới vừa duyên dáng hấp dẫn, vừa trang nhã nghiêm túc. Thời gian này, nghệ sĩ cũ, mới đều say mê nhiệt tình, sáng tạo, năng động. Bên cạnh  lực lượng diễn viên nổi tiếng, đã có một thế hệ diễn viên trẻ đầy triển vọng.

Đến thời kỳ đổi mới, qua hàng loạt các vở diễn, thấy rõ sân khấu cải lương đủ khả năng đặt ra các xung đột của cuộc sống mới, có giá trị trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho con người đương thời. Vở Pha lê và cát bụi của Đoàn 2-84 phê phán tác phong quan liêu xa rời quần chúng, đòi hỏi có một cơ chế làm việc mới. Vở San hô đỏ của Đoàn Cải lương Sài Gòn 1, Hoa phong lan của Đoàn Cải lương Sài Gòn 2 cũng đề cập đến những vấn đề như thói quan liêu, bao cấp, nạn tham nhũng…

Cái lẽ sống của một nền sân khấu là vở diễn, và lẽ sống của người nghệ sĩ sân khấu cũng chính là vở diễn. Những tác giả cải lương được xem là sung sức, ngoài Phạm Ngọc Truyền - tác giả Hoa đất đỏ và Chuỗi nhạc rừng dương; Minh Khoa với vở Người ven đô; Hà Triều - Hoa Phượng, 2 cái tên gắn liền với 70 vở cải lương trước 1975, còn có 2 tác giả thường trực của Đoàn Văn công Giải phóng: Ngọc Linh và Lê Duy Hạnh.

Tác giả Lê Duy Hạnh là sinh viên phong trào Sài Gòn, sau  khi từ chiến khu ra đã thành công trong những vở: Ngày tàn bạo chúa, Tâm sự Ngọc Hân, Dòng sông và đầm lầy, Nàng Sa rết, Hoàng hậu của hai vua, Dốc sương mù. Vào những năm đầu thập niên 1980, Ngọc Linh và Lê Duy Hạnh được gọi là trẻ trong sân khấu cải lương, đều khai thác các truyện lịch sử của danh nhân miền Nam. Lê Duy Hạnh là một tác giả trẻ, còn Ngọc Linh đã từng là cây bút sáng tác tiểu thuyết nổi tiếng Sài Gòn từ trước.

Không dọ dẫm, không đánh hơi, chờ đợi xem khuynh hướng của sân khấu cách mạng ra sao, Ngọc Linh đã thâm nhập vào giới sân khấu từ những ngày đầu hòa bình lập lại. Vào tuổi 41 (năm 1976), lứa tuổi nằm trong phạm trù “bất hoặc” nhưng Ngọc Linh đã nhảy sang lĩnh vực dù quen thuộc nhưng vẫn khá mới mẻ trong sự nghiệp cầm bút của ông: sáng tác kịch bản sân khấu, nhưng thử thách thật sự là viết cải lương. Thập niên vàng của nghệ thuật cải lương thành phố có sự đóng góp công lao không nhỏ của các tác giả từ trại sáng tác năm 1976…

Theo Lê Văn Nghĩa - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng