Nhạc đương đại đã xuất hiện trên thế giới hơn 100 năm và có mặt tại Việt Nam trong thời gian không ngắn. Tuy nhiên, đến gần đây, loại hình âm nhạc này mới thu hút nhiều nghệ sĩ và khán giả hơn, với những tác phẩm dựa trên chất liệu âm nhạc truyền thống.
Sáng tạo và thử nghiệm
Gắn bó với âm nhạc mang nhiều tính thử nghiệm từ năm 1987 và thực hành mạnh mẽ hơn từ những năm 1990 - 1991, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân nhớ lại: “Lúc ấy mọi người bỡ ngỡ, và phản ứng không tích cực với thể loại âm nhạc đương đại. Thời kỳ đó chưa có nhạc điện tử, phương tiện truyền thông còn hạn chế để giới thiệu rộng rãi, tôi sử dụng chính nhạc cụ mình có là cây đàn piano và tháo lắp, chơi thẳng trên dây đàn hay cài các vật dụng vào dây đàn... Sau này khi ra nước ngoài, tôi được tiếp xúc và có nhiều cách thức khác”.
Có thể thấy, âm nhạc đương đại, hay còn gọi là nhạc mới đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, trải dài khoảng 100 năm. Giai đoạn đầu, từ năm 1900 - 1930, thời kỳ công nghệ chưa phát triển, máy móc còn ít, nhạc đương đại dựa vào nền tảng của dàn nhạc giao hưởng. Từ năm 1930 đến nay, cùng với sự phát triển của kỹ thuật điện tử, công nghệ đã sinh ra dòng âm nhạc điện tử. Âm nhạc đương đại đã được mở rộng, phát triển đa dạng, có hàng trăm dòng khác nhau, khán giả cũng chia thành nhiều nhóm và không có dòng nào được coi là chủ lưu. Khi âm nhạc mới trên thế giới đã là... “chuyện quá khứ”, thì ở Việt Nam, một thời gian dài sau khi xuất hiện, thể loại này vẫn khiến cả giới âm nhạc và khán giả khó chấp nhận.
Tuy vậy, một vài năm gần đây, nhạc đương đại Việt đã có những bước phát triển mới. Theo đánh giá của một số chuyên gia âm nhạc, đến nay, loại hình âm nhạc này đã có được những thành tựu đáng kể trong đời sống văn hóa và ngày càng thu hút nhiều mối quan tâm từ khán giả mọi lứa tuổi. Các nhà soạn nhạc và nhạc công Việt Nam biểu diễn nhạc mới trên các sân khấu ở cả trong và ngoài nước, phổ âm nhạc của họ trải rộng từ âm nhạc châu Âu thế kỷ XX đến âm nhạc truyền thống Việt Nam giàu bản sắc. Sự đa dạng và dồi dào trong vốn nhạc này thu hút các thế hệ nhà soạn nhạc mới đến với thách thức sáng tác và thử nghiệm nhạc mới.
Kết nối, phát huy di sản âm nhạc
Từ cuối tháng 2 đến tháng 4, Viện Goethe Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện âm nhạc Nhạc mới, với sự tham dự của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, nhằm làm giàu gia tài âm nhạc này cũng như thúc đẩy sự đa dạng của các con đường âm nhạc. Chương trình gồm các buổi biểu diễn mở rộng thông điệp nghệ thuật về âm thanh, giai điệu, nhịp điệu, hình dạng và sử dụng phương tiện truyền thông... |
Tại Việt Nam hiện nay, nhiều nghệ sĩ chọn lựa những chủ đề và giai điệu đã được truyền nối qua nhiều thế hệ và đưa chúng vào âm nhạc hiện đại. Theo đuổi nhạc mới từ năm 2013, khi hoạt động này vẫn còn nhiều khó khăn, nghệ sĩ Hương Dona cho biết, cô thường sử dụng các vật dụng hàng ngày để tạo ra âm thanh, âm nhạc. Trong quá trình thực hành nghệ thuật của mình, cô cũng thử nghiệm kết hợp nhạc cụ truyền thống với thiết bị điện tử để kể câu chuyện riêng và đang tìm hiểu nhã nhạc cung đình Huế để đưa vào tác phẩm. Trong khi đó, nhà soạn nhạc Lương Huệ Trinh từ năm 2010 đến nay đi theo hướng khai thác nhạc truyền thống kết hợp mềm mại và nhuần nhuyễn với nhạc điện tử. Sắp tới, trong hòa nhạc đa phương tiện “Vệt” diễn ra ngày 16.3, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, 5 tác phẩm của cô lấy cảm hứng từ thân phận phụ nữ Việt Nam sẽ được trình diễn. Các chất liệu của âm nhạc truyền thống được pha trộn với âm thanh điện tử, kết hợp cùng nghệ thuật nhiếp ảnh, video.
Gắn bó với nhạc mới hàng chục năm, 2017, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân đã viết “Kim” cho nhóm Nhạc đương đại Hà Nội và Đông Kinh cổ nhạc cùng biểu diễn. Tác phẩm nằm trong dự án Ngũ hành và đây cũng là bản nhạc đầu tiên được viết kết hợp biểu diễn giữa nhạc đương đại và nhạc cổ của anh, với mong muốn mở cửa cho những chuyển động của âm thanh và tư duy sáng tạo. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho biết: “Tác phẩm là kết hợp của tập thể gồm người viết nhạc, chỉ huy (nhạc trưởng người Mỹ Jeff Von der Schmidt), nghệ sĩ hai nhóm nhạc làm việc chung, một bên nhạc mới, một bên nhạc cổ, một bên đàn Tây, một bên đàn ta. Với nhạc cụ giao hưởng, tôi viết trên tổng phổ, còn viết cho nhạc cổ, tôn trọng truyền thống cũng như tính biến chuyển, ứng tác, tôi chỉ để những khuông hình. Qua nói chuyện về ý tưởng và tập với nhau, nhạc trưởng sẽ hướng dẫn để các nghệ sĩ nhạc dân tộc có thể biểu diễn và hòa với nhạc giao hưởng. Đó là việc mới đối với một người sáng tác, với cả chỉ huy và nghệ sĩ hai nhóm nhạc. Và đông đảo khán giả đã đón nhận”. Tiếp nối “Kim”, ngày 22.3 tới, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, hai nhóm nhạc cũng sẽ trình diễn tác phẩm “Kim - Thủy - Hỏa”...
Việt Nam có kho tàng nhạc cổ độc đáo và nhạc đương đại bước đầu phát triển. Các nghệ sĩ đã thấy mối liên hệ thú vị giữa âm nhạc cổ - kim, tạo ra nhiều tác phẩm xóa nhòa khoảng cách, gắn kết hai dòng nhạc với nhau. Trên thế giới, dòng âm nhạc mới phát triển trên nền âm nhạc cổ truyền cũng khá phát triển. Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân cho hay: “Nhạc mới có nhiều hướng, kết hợp nhạc cổ truyền với nhạc điện tử hay dàn nhạc giao hưởng là một trong những hướng chính mà chúng tôi đang triển khai. Chúng tôi thấy cần phải tiếp nối, kết nối và phát huy di sản âm nhạc của Việt Nam, để nhạc cổ song hành với nhạc đương đại”.
Theo Thảo Nguyên - ĐBND