Văn nghệ trong nước
“Của để dành” từ tình yêu Tây Bắc
15:13 | 20/03/2019

Cùng gặp nhau ở niềm say mê vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, họa sĩ Hà Hùng Dũng và nhà sưu tập Trương Thị Thu Thủy truyền tải vẻ đẹp ấy qua tranh và các sản phẩm thủ công nhuốm màu thời gian.

“Của để dành” từ tình yêu Tây Bắc
Chị Trương Thị Thu Thủy giới thiệu về các đồ vật được sử dụng trong lễ cúng của người Dao - Ảnh: Th. Nguyên

Cảm xúc với cái cũ

Đến căn gác nhỏ xinh của Chie Tây Bắc tại 66 Hàng Trống, Hà Nội, khách tham quan như lạc vào không gian sống của đồng bào miền núi phía Bắc. Nơi đây có sự hiện hữu dày đặc đồ vật gắn bó với đời sống của đồng bào, từ các tấm vải dệt, khung cửi, những chiếc gùi quen thuộc trên vai của phụ nữ miền núi, đến cây nêu, đồ dùng trong lễ cúng, trang sức bằng bạc tinh xảo...

Bên bếp lửa nhỏ, tấm vải vẽ sáp ong còn dang dở... nhà sưu tầm Trương Thị Thu Thủy say mê giới thiệu từng hiện vật chị đã yêu quý đem về  qua các chuyến ăn rừng, ở bản hàng chục năm qua, rồi nâng niu cất giữ, thỉnh thoảng... ngắm lấy động lực làm việc tiếp. “Để làm ra được một mảnh vải là bao nhiêu công đoạn vất vả của phụ nữ Mông. Từ cây lanh, họ phải tách vỏ, kéo sợi... hàng chục công đoạn mới dệt nên tấm vải. Sau khi dệt, bên bếp lửa ấm, họ lại tỉ mẩn vạch từng nét bằng sáp ong, xong mang nhuộm chàm trong nhiều ngày”. Cạnh đó là chiếc khung cửi khá cũ, chị kể tiếp: “Tôi phải mất vài năm mới có được một khung cửi này. Bởi hầu như nhà người Mông nào cũng có khung cửi, nhưng không mấy khi họ thay và đặt đóng khung cửi mới. Khi thay khung cửi, họ cũng quan niệm người làm ra khung mới phải là đàn ông độc thân, thì khung cửi ấy mới giúp họ dệt ra những mảnh vải đẹp”...

Từng tham gia dự án giúp đồng bào miền núi phía Bắc bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống, từ năm 2009 đến nay, Trương Thị Thu Thủy trở đi trở lại với mảnh đất này, tiếp xúc, ăn ở với đồng bào hàng tháng trời, dù khí hậu khắc nghiệt, mọi thứ đều thiếu thốn. Mỗi chuyến đi về như vậy, chị lại mang theo vô số thứ, nào chiếc ghế được đục từ khúc gỗ; nào là mảnh thổ cẩm đã được cất giữ hơn 30 năm, do các cô gái dệt chung trước khi lấy chồng; những bộ trang sức được truyền qua nhiều thế hệ... mà đồng bào yêu quý đã gửi gắm. Những hiện vật ấy được coi như “gia tài”, cất giữ và nâng niu, bởi chị quan niệm “đồ theo người ta nhiều năm có linh hồn, có tinh thần trong đó, hay nói cách khác có màu thời gian. Tôi luôn có cảm xúc với những cái cũ, dù giữ chúng, mỗi lần chuyển nhà khổ lắm!”.

Cảm hứng bất tận

Cùng chung tình yêu với đất và người Tây Bắc, họa sĩ Hà Hùng Dũng và phối hợp giới thiệu tại Hà Nội.

Nhiều lần đến Tây Bắc, họa sĩ Hà Hùng Dũng cũng thích thú sưu tầm các hiện vật của đồng bào, với mong muốn sẽ tạo dựng một không gian Tây Bắc giữa TP Hồ Chí Minh. Anh còn được nhiều người nhớ đến với các bức tranh đề tài miền núi phía Bắc. Họa sĩ cho biết, từ ngày đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Sapa, Lào Cai, anh đã “cảm nắng” mảnh đất này. Đầu năm 2019, họa sĩ dành thời gian dài lên núi, và cùng Trương Thị Thu Thủy làm sự kiện nhỏ tôn vinh vẻ đẹp đất và người Tây Bắc. “Không phải năm nào tôi cũng đến Sapa, nhưng mỗi lần đến là một cảm xúc khác nhau. Có năm tôi đến Y Tý, có năm tôi đến Hà Giang... Cũng không phải lần nào cũng vẽ tranh, mà có lần tôi ghép vải, có lần làm gốm. Nhưng phụ nữ và trẻ em ở Tây Bắc luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận”.

Một góc triển lãm Ảnh: Th. Nguyên

“Tôi yêu thích văn hóa thổ cẩm. Dù những người làm ra chúng không qua trường lớp đào tạo về tạo hình hay phối màu, nhưng qua kinh nghiệm đúc kết, cách bố trí hoa văn chính - phụ, màu sắc của họ rất hài hòa. Mới nhìn thì thấy các mảnh thổ cẩm sặc sỡ, nhưng thực ra, mỗi hoa văn trên đó còn chứa đựng các câu chuyện được lưu truyền qua nhiều đời, chứa đựng kho tàng văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Tôi mong muốn góp phần tạo sinh kế cho bà con miền núi ngay tại địa phương bằng việc giúp họ giữ nghề dệt thủ công truyền thống”.

Nhà sưu tầm Trương Thị Thu Thủy

Trong triển lãm “Của để dành” đang diễn ra tại Chie Tây Bắc (diễn ra đến hết tháng 3 này), Hà Hùng Dũng giới thiệu 8 bức tranh khổ nhỏ, và 6 bức khổ lớn, cả tranh vẽ và tranh ghép vải... mang sắc xuân của miền núi phía Bắc tới Hà Nội. Trong không gian mộc mạc của đồ thủ công gắn bó với đời sống đồng bào, tranh của Hà Hùng Dũng tô điểm cho vẻ đẹp của vùng núi rừng qua hoa lá, trang phục rực rỡ của các cô gái vùng cao. Tất cả tạo nên một không gian đậm chất Tây Bắc, mà ở đó con người là trung tâm, là hoa của vạn vật...

Giới thiệu “Của để dành”, hai tác giả mong muốn khoe vẻ đẹp truyền thống quý giá qua tranh và các sản phẩm được làm từ bàn tay khéo léo của những người con núi rừng, đồng thời thể hiện khát vọng truyền lửa duy trì và tiếp nối ngành nghề thủ công của bà con dân tộc. “Qua nhiều năm gắn bó, tôi thấy đồng bào cũng yêu truyền thống và khát khao giữ gìn. Một dân tộc phải có văn hóa, bởi đó là gốc rễ, nếu mất bản sắc, họ sẽ bị lẫn với dân tộc khác. Và tôi luôn tin, bản sắc văn hóa của đồng bào sẽ luôn có sức sống” - Trương Thị Thu Thủy khẳng định.

Theo Thảo Nguyên - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng