Văn nghệ trong nước
Một nét cắt của lịch sử Việt Nam thế kỷ thứ X
09:28 | 29/03/2019

Ngày 28/3, tại Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm đã tổ chức buổi ra mắt và tọa đàm về cuốn sách “Việt Nam thế kỷ thứ X – Những mảnh vỡ lịch sử”. Nhân dịp này TS Trần Trọng Dương - tác giả cuốn sách, đã có những chia sẻ với báo chí.

Một nét cắt của lịch sử Việt Nam thế kỷ thứ X

PV: Vì sao ông lại chọn tiêu đề “Những mảnh vỡ lịch sử” để đặt tên cho cuốn sách?

TS Trần Trọng Dương: Tôi viết cuốn sách không có tham vọng vẽ lại những xu hướng chính trị liền mạch, hay diện mạo tổng quát về dân cư, dòng họ, tộc người, văn hóa, văn học, kiến trúc, điêu khắc, lễ nghi, tôn giáo, tín ngưỡng, chế độ sở hữu ruộng đất, nghệ thuật quân sự… mà chỉ là những nét cắt ngang bất chợt, những nhận thức mang tính điểm xuyết, về những sự kiện có tính vấn đề, có thể khác lạ và mới so với các nghiên cứu trước đây. Còn đúng hay không thì lại tùy thuộc vào sự đánh giá của độc giả. Vì thế, tôi chỉ tự nhận rằng, mình đang làm một công việc nhặt nhạnh sử liệu, giám định ở từng chi tiết, để tái lập những mảnh vỡ khác nhau của những sự kiện mang tính đại tự sự trong lịch sử cũng như quá trình chép sử, một yếu tố quan trọng kiến tạo nên các tri thức lịch sử.

Việc thực hiện nội dung cuốn sách có gặp nhiều khó khăn không thưa ông?

- Cuốn sách này dẫu sao cũng là một thử nghiệm về lối viết, nên ở đây tôi sẽ giới thuyết về một số khái niệm, cũng thư thao tác làm việc để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn. Về mặt sử liệu, các bài viết đã cố gắng ở mức cao nhất trong hoạt động hệ thống hóa các tư liệu chữ viết nguyên cấp, đặc biệt là các bộ chính sử Hán văn ở Việt Nam cũng như Trung Quốc. Các sử phẩm được trích dẫn thường có kèm nguyên văn chữ Hán, niên đại biên soạn, và niên đại xuất bản. Trong khi các sử liệu ở Việt Nam viết về giai đoạn thế kỷ X (hiện còn như “Việt sử lược”, “Đại

Việt sử ký toàn thư”) chủ yếu được định bản từ thế kỷ XIV- XV-XVII về sau, thì các sử liệu Trung Hoa như Tống hội yếu, Tống sử… được biên soạn trong quãng thế kỷ X-XI-XII-XIII. Các sử liệu Trung Hoa cung cấp cho chúng ta nhiều nhân vật mới, sự kiện mới về giai đoạn này, đặc biệt là về Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, hay địa danh châu Đường Lâm cổ vào thế kỷ VII-VIII-IX-X.

Tuy nhiên, sử liệu Trung Hoa có điểm bất cập ở chỗ, đó là sử liệu do người nước ngoài viết về Việt Nam. Đôi khi nó còn bị khúc xạ qua những nguồn tin gián tiếp, qua những người cung cấp tin, qua khoảng cách không gian địa lý. Vì thế, cần phải đặt các sử liệu Trung Hoa trong thế so sánh với các sử liệu Việt Nam, để giám định về nguồn tin, về tác giả, về niên đại biên soạn, phương thức biên soạn, mục đích biên soạn, quá trình truyền bản, và cả tư tưởng sử của người biên chép. 

Ông có thể dẫn chứng một ví dụ?

- Ví dụ, sử liệu Trung Quốc chỉ chép đến việc Đinh Tiên Hoàng được phong làm Giao Chỉ quận vương, giống như “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng không hề chép đến việc ông xưng Vạn Thắng Vương, và sau này xưng Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Mô hình “trong xưng đế ngoài xưng thần” là một thủ pháp chính trị, dĩ nhiên các triều đại Việt Nam không thể để thông tin “xưng đế hiệu” lọt ra bên ngoài được, vì đó là một cớ để các chính quyền phong kiến phương bắc lấy cớ phát động chiến tranh trách phạt, nhưng thực chất là nhằm thôn tính và đồng hóa.

Như thế, sử phẩm Trung Hoa, với một truyền thống chép sử lâu dài, ít nhiều cung cấp cho ta những sử liệu mới, sử kiện mới, nhân vật mới, thông tin mới mà sử phẩm Việt Nam còn khuyết thiếu, như trường hợp Ngô Xử Bình – người đã làm cuộc đảo chính mở đầu cho giai đoạn loạn lạc năm 965 - 968, hay Dương Huy thứ sử châu Vũ Ninh thời Hậu Ngô. Như ta biết, mỗi khi có sử liệu mới thì lại có những diễn giải mới, nhận thức mới, góp phần cho công tác tái lập những mảnh vỡ của lịch sử…

Cuốn sách này vì vậy không dám mơ đến việc hoạch định một sử thực tuyệt đối nào, mà chỉ là những nét vẽ cá nhân, thể hiện quá trình khám phá tự thân của một người đọc sử đang nỗ lực thử tự kiến tạo những tri thức của riêng mình về lịch sử nước nhà. Đó là một lịch sử hay đúng hơn là một nhận thức lịch sử được kiến tạo bởi một cá nhân, nó cố gắng trượt qua khỏi tính hữu dụng của lịch sử, để nhìn lịch sử như là một một yếu tố khả biến trong hoạt động tri nhận của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Minh Quân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng