Văn nghệ trong nước
Niềm tin tất thắng
20:11 | 30/04/2019

Trong những ngày tháng hào hùng của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, 4 ngày trước thời điểm quân ta tiến vào Dinh Độc lập, Nhạc sĩ Hoàng Hà đã cho ra đời ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Sau này, nhiều người lầm tưởng tác giả sáng tác bài hát khi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng. Đây chính là cái tài, cũng là niềm tin mãnh liệt của ông vào sự tất thắng của dân tộc.

Niềm tin tất thắng
Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng, ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu.

Nhạc sĩ Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh ra và lớn lên ở Tây Hồ, Hà Nội. Hoàng Phi Hồng chào đời vào mùa đông năm 1929, khi được 9 tuổi thì thân phụ ông qua đời, mẹ ông ở vậy nuôi anh em ông khôn lớn thành người. Thương mẹ vất vả, năm 13 tuổi, Hoàng Phi Hồng đã xin vào xưởng in làm việc để đỡ đần cho mẹ. Tháng 10/1945, Hoàng Phi Hồng thoát ly gia đình tham gia cách mạng, cùng năm đó ông bắt đầu sáng tác nhạc. Năm 1947, chàng trai 18 tuổi này đã cho ra tác phẩm ca nhạc đầu tay với bút danh Hoàng Hà. Mặc dù Hoàng Hà có thiên bẩm năng khiếu về âm nhạc, song ông lại thiệt thòi vì chưa từng được đào tạo qua bất cứ một trường lớp âm nhạc nào. Bù lại, ông được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tận tình giúp đỡ, chỉ bảo trong suốt thời gian đầu sáng tác các ca khúc.

Vào thời gian này, Hoàng Hà cũng đã có một số tác phẩm khá hay như “Hò dân công”, “Vui lên đường”... Song, chỉ đến khi “Ánh đèn cầu Việt Trì” ra đời (1956), cái tên Hoàng Hà mới thực sự nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Năm 1957, Hoàng Hà tham dự đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tư cách người sáng lập cùng một số nhạc sĩ khác. Tới thập niên 60, tên tuổi và tài năng âm nhạc của Hoàng Hà được khẳng định trong làng âm nhạc cách mạng Việt Nam với những ca khúc có tiếng vang thời bấy giờ như “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Ngày cách mạng thứ bảy”, “Làng ta làm thuế”... Trong đó, “Cùng hành quân giữa mùa xuân” là một khúc quân hành rất náo hoạt nhưng lại rất trữ tình, lạc quan, tươi vui: “Khi tiếng chim hót vang lên lời ca, và khi nắng tỏa rộn bước quân hành xa thì em có nghe tiếng mùa xuân về giục cất bước giải phóng cho làng quê... Xuân nước non chứa chan bao tình thương, lòng ta ấm lửa tình nghĩa hậu phương. Kìa em có nghe sóng người lên đường cùng chung sức giải phóng cho miền Nam…”. Tới năm 1962, được sự thuyết phục của Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Hoàng Hà về Hà Nội học đại học tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia). Sau khi tốt nghiệp, ông về làm biên tập viên âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Những năm sau đó, Hoàng Phi Hồng ít viết, mãi tới những năm thập niên 70 ông mới sáng tác trở lại với bút danh Cẩm La. Ông lý giải: Hoàng Hà là người con của miền Bắc XHCN, Cẩm La là người con của miền Nam trực diện nơi chiến trường. Chính vì thế, những ca khúc mang bút danh Cẩm La của ông được viết với tình cảm khẩn trương, quyết liệt, lạc quan, quyết thắng. Với bút pháp khẩn trương, sôi sục, các bài hát của Cẩm La như vẽ ra một bức tranh sinh động cho người nghe về bối cảnh chiến đấu và tình cảm đẹp đẽ đối với miền Nam thân yêu. Trong các ca khúc của ông, người lính xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước có một vị trí hết sức quan trọng, đặc biệt. Chẳng thế mà một số người còn cho rằng: Thơ về Trường Sơn chỉ có Phạm Tiến Duật, nhạc về Trường Sơn chỉ có Hoàng Hà. Bài hát về Trường Sơn của ông cho đến nay vẫn rất nhiều người yêu thích đó là “Gặp nhau trên đình Trường Sơn”. Bên cạnh những ca khúc gửi trọn tình cảm thân thương tới đồng bào miền Nam đang phải ngày đêm ngoan cường chiến đấu với quân thù, nhạc sĩ Hoàng Hà cũng còn có nhiều sáng tác cho thiếu nhi như “Con mèo ra bờ sông”, “Cùng múa hát mừng xuân”...

Song, nhắc đến Hoàng Hà, người ta không thể không nhắc đến “Đất nước trọn niềm vui” được ông sáng tác đêm ngày 26/4/1975. Bài hát “Đất nước trọn niềm vui” lần đầu tiên được ca sĩ Trung Kiên thể hiện phát trên  sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc đầu, ông định ký bút danh Cẩm La cho tác phẩm “Đất nước trọn niềm vui”, nhưng sau đó ông quyết định lấy bút danh là Hoàng Hà. Mỗi khi nghe “Đất nước trọn niềm vui”, nhất là vào những ngày tháng 4 lịch sử, chúng ta luôn cảm nhận được giai điệu vừa thiết tha, vừa hùng tráng như khúc khải hoàn của dân tộc trong ngày vui đại thắng. Ca từ ngọt ngào, giai điệu thiết tha cùng với nhịp điệu dồn dập đưa tâm hồn người thưởng thức bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng.

Hoàng Hà không chỉ để lại sự mến mộ đối với các khán thính giả, mà ông còn được các nhạc sĩ cùng trang lứa hết sức nể phục về khả năng sáng tác khá... mắn. Trong sự nghiệp ca nhạc của mình, Hoàng Hà đã để lại hàng trăm ca khúc say đắm lòng người, là những tác phẩm trường tồn cùng năm tháng, dù chiến tranh đã lùi xa. Chỉ tính riêng trong vòng 1 tháng, từ ngày 1/4/1975 đến ngày 1/5/1975, ông đã sáng tác hàng chục ca khúc hay được phát trên cả Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng, như: “Sục sôi cách mạng”, “Hát trên đường phố giải phóng”, “Chào Nha Trang giải phóng”, “Hội toàn thắng”... Lý giải cho khả năng sáng tác mạnh mẽ đến không ngờ đó, Nhạc sĩ Hoàng Hà từng tâm sự: Đó là một thời điểm kỳ lạ mà suốt cuộc đời sáng tác của ông chưa bao giờ làm được. Cảm xúc mạnh mẽ chưa từng thấy của ông được bắt nguồn từ chính những chiến công thần kỳ của quân và dân ta trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975.

Niềm tin tất thắng

Nhạc sĩ Hoàng Hà.

Lúc còn tại thế, nhạc sĩ Hoàng Hà từng tâm sự, ông hết sức xúc động khi nghe ca sĩ Trung Kiên thể hiện bài hát “Đất nước trọn niềm vui” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Giữa người nhạc sĩ và ca sĩ đã có sự đồng cảm, đồng điệu, như cùng hình dung về bức tranh ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Chính vì tình cảm thiêng liêng dành cho miền Nam thân yêu, niềm tin tất thắng của dân tộc là cảm xúc để nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác một ca khúc để đời, trong khi chưa từng đặt chân tới TP Hồ Chí Minh. Và trong cái không khí náo nức, niềm vui khôn tả đó, Hoàng Hà luôn “muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang” để mà tự hào, để mà đắm say. “Đất nước trọn niềm vui”, ngay cái tên bài hát cũng đã thể hiện niềm tin tất thắng, sự khát khao thống nhất non sông đất nước của toàn dân tộc. Chỉ có giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì mới có thể trọn niềm vui: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây... Ôi hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương...”.

Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, Hoàng Hà đã để lại hàng trăm tác phẩm âm nhạc hay, say đắm, mê mẩn lòng người. Hoàng Hà có khá nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhưng khi nhắc đến ông không thể không nhớ tới các bài hát: “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”... Đến bài hát “Đất nước trọn niềm vui” thực sự là đỉnh cao âm nhạc của Hoàng Hà, càng khẳng định thêm tài năng sáng tác của ông, chiếm được cảm tình của thính giả cả nước. Những bài hát của ông, nhất là “Đất nước trọn niềm vui” đã đồng hành cùng năm tháng và sống mãi trong lòng công chúng. Mỗi dịp 30/4 về, trong niềm say mê, tự hào chiến thắng của dân tộc, chúng ta không thể quên ông - nhạc sĩ tài danh của nền âm nhạc cách mạng, cũng không thể quên những lời ca hùng tráng của “Đất nước trọng niềm vui”: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say... Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng... Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương...”.

Theo Thanh Loan - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng