60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH (19.5.1959 - 19.5.2019)
Đường Trường Sơn huyền thoại không chỉ có bom đạn và thương vong. Ở đó mùa này qua mùa khác, năm này qua năm khác, các đoàn văn công, đội văn nghệ xung kích đã thay nhau biểu diễn, cất cao tiếng hát át tiếng bom.
Biểu diễn giữa hai trận đánh
Trên chiến trường, sân khấu ít khi có phông màn, âm thanh, ánh sáng, nơi biểu diễn có thể là ngay thùng xe, trong hầm trú ẩn, giữa rừng sâu, giao thông hào... Giữa rừng già, tiếng hát cất cao giữa những giờ giải lao ngắn ngủi, giữa hai trận đánh. Tuy vậy, các bài ca, điệu múa, trích đoàn chèo, vở kịch ngắn… lại có sức mạnh đặc biệt, như luồng gió mát lành làm dịu không khí căng thẳng của chiến trường, nâng đỡ tinh thần bộ đội hành quân, chiến sĩ lái xe, bộ đội công binh, thanh niên xung phong... hun đúc thêm ý chí, tôi luyện quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội Trường Sơn.
16 năm kháng chiến, rất nhiều văn nghệ sĩ đã xung phong ra chiến trường, góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của các chiến sĩ. Bà Đỗ Tuyết An, diễn viên Đoàn Văn công quân Giải phóng Trường Sơn kể: “Năm 1971, mới 16, 17 tuổi tôi xung phong vào Trường Sơn. Đoàn chúng tôi gần 50 người gồm 5 đội ca, múa, nhạc, kịch, chèo. Ngồi trên các xe tải Gat, Zin vào chiến trường, nhìn thấy bìa rừng tôi không sợ hãi, chỉ lo lắng cho gia đình, khi ngoài Bắc đang dồn dập hứng chịu các trận bom phá hoại. Nhưng tất cả được gạt sang một bên để biểu diễn khích lệ tinh thần, động viên chiến sĩ chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, vì đất nước thống nhất, hòa bình. Đoàn chúng tôi được chia thành các mũi xung kích, mỗi đội khoảng 15 người, các thành viên trong đoàn đa năng, vừa diễn viên chèo, vừa là diễn viên kịch, vừa múa”.
Trên các sân khấu giữa rừng già, ngoài Đoàn Văn công quân Giải phóng Trường Sơn là đội quân nghệ thuật chủ lực, còn có các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp vào phục vụ các lực lượng chiến đấu công tác trên tuyến đường Trường Sơn, như: Đội xung kích của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Trung ương, Đoàn Kịch nói Trung ương, Kịch nói Nam Bộ, Đoàn Cải lương Trung ương, Đoàn ca múa miền Nam... cùng đoàn văn công nhiều tỉnh, thành phố.
Chiến tranh ác liệt, nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, vừa hành quân vừa biểu diễn, đối mặt với hiểm nguy bom đạn luôn cận kề, chịu đựng thời tiết nắng cháy, mưa lớn, thú dữ, côn trùng xung quanh. Ban ngày biểu diễn, ban đêm họ lại hành quân sang đơn vị khác, vừa đi vừa sưu tầm, cải biên, sáng tác, dàn dựng thêm bài mới. Tuyến đường nào địch đánh phá ác liệt, những lời ca mượt mà lại được cất lên từ đó, sự lãng mạn được cất cánh từ nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh.
Kể chuyện bằng nghệ thuật
Không chỉ nghệ sĩ biểu diễn, Trường Sơn cũng mang đến cho văn nghệ sĩ sáng tác cảm hứng sáng tác dạt dào với các bài thơ, tác phẩm hội họa, ca khúc đi cùng năm tháng. Nhiều tác phẩm vẫn in đậm trong lòng công chúng đến tận hôm nay như: “Bước chân trên đỉnh Trường Sơn” của Vũ Trọng Hối, lời thơ Ðăng Thục; “Bài ca Trường Sơn” của Trần Chung, lời thơ Gia Dũng; “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” nhạc Hoàng Hiệp, lời thơ Phạm Tiến Duật…
“Mỗi dòng sông, ngọn suối, mỗi tấc đất cung đường đã nhuộm đỏ máu đồng đội. Dù đã có hàng trăm tác phẩm, tôi vẫn thấy còn nợ đồng đội, nợ Trường Sơn đến khi nhắm mắt xuôi tay” - nhạc sĩ Đào Hữu Thi không nén được xúc động khi nhắc tới những kỷ niệm với con đường huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ. 23 năm mặc áo lính và 9 năm gắn bó với Trường Sơn, người lính năm xưa tâm sự rằng chính những năm tháng ở chiến trường đã đưa ông trở thành một nhạc sĩ như hôm nay.
Từ năm 1971, nhạc sĩ Đào Hữu Thi cùng các ca sĩ, nhạc công hành quân giữa Trường Sơn, lách qua những làn bom đạn của kẻ thù, đi khắp nơi biểu diễn phục vụ các đơn vị đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều tác phẩm như: “Em là cô gái Trường Sơn”, “Đường Trường Sơn trăm ngả”, “Tình em gửi trọn con đường”... vang lên từ cảm xúc, trái tim của nghệ sĩ giữa sự quả cảm, tình đồng đội nơi chiến trường ác liệt.
Với nhạc sĩ, các ca khúc, hợp xướng về Trường Sơn không đơn giản chỉ là giai điệu, lời ca mà là mồ hôi, nước mắt, máu xương của đồng đội. Kỷ niệm nhạc sĩ Đào Hữu Thi nhớ mãi vào năm 1971, khi cùng đoàn tới vùng Khe Sanh, Quảng Trị biểu diễn phục vụ hai tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong của tỉnh Thái Bình, giữa lúc chiến tranh ác liệt tại đường 9, Nam Lào. “Sau khoảng 2 tiếng háo hức xem biểu diễn, các cô gái tiếp tục ra san lấp đường cho xe qua, nhưng không lâu sau thì máy bay B52 tới, hơn 20 cô hy sinh và bị thương nặng. Vô cùng xúc động, ngay đêm đó trong hầm chữ A, dưới đèn dầu thắp ống bơ, tôi viết xong bài hát. Sáng hôm sau, tôi hát cho các cô đang điều trị, vừa hát vừa khóc, ngắt bao nhiêu lần mới trọn vẹn. “Tình em gửi trọn con đường” là chính cuộc đời của các cô gái đã đặt tên. Họ đã dâng hiến trọn thanh xuân, nhiều người nằm lại ở đó với con đường lịch sử”.
Chiến tranh đã qua, nhưng ngày tháng đó vẫn in đậm trong trái tim những người từng gắn bó với con đường xuyên rừng. Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Đào Hữu Thi ghi dấu với hợp xướng “Huyền thoại Trường Sơn”; và nay miền ký ức năm xưa tiếp tục ùa về trong hợp xướng “Hào khí Trường Sơn”. Tối 16.5, tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, ông tổ chức đêm diễn “Nhạc sĩ Đào Hữu Thi với Trường Sơn”, gồm các bài hát, hợp xướng với lực lượng biểu diễn là các cựu chiến binh tại Hà Nội.