Văn nghệ trong nước
Câu chuyện cuối cùng của Kafka
08:32 | 18/06/2019

Vừa qua, tại Heritage Space, Dolphin Plaza (số 6 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) diễn ra buổi chiếu phim tài liệu Câu chuyện cuối cùng của Kafka và trò chuyện cùng đại diện Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu.

Câu chuyện cuối cùng của Kafka
Nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu (giữa) và ngài Doron Lebovich - Phó đại sứ Israel tại Việt Nam (bên phải)

Đây là sự kiện khép lại “Kafka Week 2019” - chuỗi sự kiện tôn vinh tài năng và di sản của Franz Kafka nhân kỉ niệm 95 năm ngày mất của nhà văn Franz Kafka (3/6/1924 - 3/6/2019) do các Đại sứ quán Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Israel, Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8/6/2019.

Câu chuyện cuối cùng của Kafka (Kafka's Last Story) là bộ phim tài liệu của đạo diễn Sagi Bornstein do Israel sản xuất năm 2011, xoay quanh câu chuyện li kì về số phận các bản thảo viết tay vô giá của Kafka. Phim đã giành nhiều giải thưởng danh giá trong các liên hoan tại Israel và các nước như Mĩ, Nga, Hà Lan, Canada từ khi ra mắt.

Không lâu trước khi qua đời ở tuổi 40 vì bệnh lao năm 1924, Kafka đã để lại những bản thảo viết tay (sáng tác, nhật kí, thư từ…) của mình cho Max Brod, yêu cầu phải đốt hết chúng sau khi ông qua đời. Thế nhưng, “di chúc” này đã bị “phản bội”. Max Brod đã cho xuất bản phần lớn các bản thảo của Kafka, bao gồm các tiểu thuyết Vụ ánLâu đàiNước Mĩ, giúp đưa tên tuổi Kafka trở thành một trong những tác gia vĩ đại nhất của văn học thế giới thế kỉ XX. Từ trường từ sáng tác của Kafka vẫn còn tiếp tục toả lưu trên nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác nhau cho đến tận ngày nay. Kafka là tượng đài mà thế giới sẽ còn tiếp tục chiêm bái và ngưỡng vọng.

Sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) vào năm 1938, Brod đã chạy trốn đến lãnh thổ Palestine lúc đó do Anh cai trị cùng với toàn bộ bản thảo của Kafka. Trước khi qua đời, Brod đã để thư kí riêng của mình là Esther Hoffe phụ trách tài sản văn học này và hướng dẫn cô chuyển giao các bản viết tay của Kafka cho một tổ chức học thuật. Nhưng Esther Hoffe lại giữ các tài liệu ấy trong bốn thập kỉ tiếp theo và bán đi một phần trong đó, ví dụ như bản thảo gốc của cuốn Vụ án để lấy 1,8 triệu đô la Mĩ qua một cuộc đấu giá năm 1988. Khi Hoffe qua đời năm 2008, bộ sưu tập đã đến tay hai người con gái của bà, họ đã tranh đấu để được tiếp tục giữ nó nhưng cuối cùng đã thua theo phán quyết tại Tòa án tối cao Israel năm 2016. Tòa án đứng về phía Thư viện Quốc gia Israel, cho rằng các bản thảo của Kafka là "tài sản văn hóa" thuộc về người Do Thái.

Những bản thảo viết tay của Kafka có hành trình, số phận kì lạ

Tại sự kiện, lần đầu tiên khán giả Hà Nội được xem bộ phim tài liệu mang màu sắc trinh thám Câu Chuyện cuối cùng của Kafka để dõi theo hành trình của những tập bản thảo của Kafka từ lúc còn ở trong vali của Brod khi Đức Quốc xã xâm chiếm châu Âu đến Israel, nơi bản thảo đang nằm bám bụi trong một căn hộ tồi tàn tại Tel Aviv, do một người phụ nữ lập dị, tâm lí bất ổn sống với hàng chục con mèo canh giữ.

Nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy cái nghĩ của mình bị thách thức khi đọc Kafka. Như thời gian qua, khi đọc về vụ tranh chấp quyền sở hữu bản thảo Kafka, tôi bị cuốn vào những phân tích gợi ra cho bản thân cả một trường suy tưởng từ Benjamin Balint, Judith Butler, Walter Sokel… Khi người ta còn muốn đọc để thách thức mình thì đó là điều có ích của những thứ văn chương kiểu Kafka”.

Ngài Doron Lebovich bày tỏ sự hứng khởi khi Đại sứ quán Israel đã tham gia Tuần lễ Kafka ở Hà Nội năm nay cùng với Đại sứ quán Cộng hòa Séc, Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc, góp phần giúp công chúng Việt Nam thêm cơ hội để nhận diện những ảnh hưởng của Franz Kafka trong điện ảnh cũng như văn hoá nghệ thuật nói chung. “Bộ phim tài liệu độc đáo xoay quanh vụ tranh chấp quyền sở hữu bản thảo của Kafka - Câu chuyện cuối cùng của Kafka - đặt ra nhiều câu hỏi phức tạp và thú vị, về vai trò của Max Brod đối với sáng tác của Kafka, về việc văn chương của Kafka có thể được xem là biểu trưng cho cộng đồng dân tộc Do Thái hay không, về việc Kafka từ chỗ là một nhà văn ít người đọc bây giờ được pop hóa, hòa vào văn hóa đại chúng ở nhiều quốc gia như thế nào...” - ngài Doron Lebovich chia sẻ. Ngài Phó đại sứ Israel tại Việt Nam cũng cung cấp những thông tin thú vị về việc tiếp nhận Kafka tại Israel có những biến động như thế nào kể từ thời điểm lập quốc và những dấu ấn của căn tính Do Thái thể hiện như thế nào trong văn chương của ông. Và hơn hết, Kafka được đánh giá là một tài năng vượt khỏi thời đại của mình không phải bởi những phân tích và tiên tri về xã hội trong tác phẩm của nhà văn đặc biệt này mà còn bởi những khả thể văn chương mà sáng tác của ông đã mở ra.

Tại “Kafka Week 2019”, trước khi diễn ra sự kiện chiếu bộ phim Câu chuyện cuối cùng của Kafka, khán giả Hà Nội đã có cơ hội xem bộ phim Nước Mĩ (Amerika) chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Franz Kafka do điện ảnh Czech sản xuất năm 1994 và bộ phim Đi tìm Kafka (Looking for Kafka/ 愛上卡夫卡, 2018) của Jade Y.Chen, một nữ nhà văn và nữ đạo diễn của Đài Loan, người thừa nhận cuộc đời và văn chương Kafka đã gợi cảm hứng lớn cho bà.

Theo Huyền Thi - VNQĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng