Trong tháng 7, hàng loạt chương trình sân khấu cải lương do các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa thực hiện sẽ công diễn, tái diễn tại các rạp hát, nhà hát TPHCM. Với nội dung và hình thức thực hiện đa dạng, các chương trình nghệ thuật sân khấu đang tạo nhiều sự lựa chọn hấp dẫn cho khán giả mộ điệu.
Sau suất diễn đầu tiên của chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội” (tác giả, đạo diễn Quang Thảo), sẽ có thêm 2 suất vào tối 13 và 14-7, tại Nhà hát Bến Thành. Chương trình được thực hiện chỉn chu, dàn dựng có sự kết nối xuyên suốt, nhằm giúp khán giả hiểu thêm về 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương cũng như những giai đoạn cải tiến, thay đổi bước ngoặt của loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Khán giả lần lượt được thưởng thức bản chuẩn Dạ cổ hoài lang (nhạc sĩ Cao Văn Lầu), bài vọng cổ Hàn Mạc Tử (soạn giả Viễn Châu), trích đoạn 2 vở cải lương kinh điển: Đời cô Lựu (soạn giả Trần Hữu Trang) và Câu thơ yên ngựa với lớp diễn Xử án Thượng Dương, với sự tham gia biểu diễn của NSND Bạch Tuyết, NSƯT Việt Anh, Vũ Linh, Quế Trân, Tú Sương…
Tối 20-7, tại rạp Công Nhân, quận 1, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long biểu diễn vở cải lương Tân anh hùng náo (tác giả, đạo diễn Bạch Mai) với sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ Bình Tinh, Hoàng Đăng Khoa, Hoài Nhung, Thái Vinh, Bảo Ngọc, Bạch Lợi… Vào tối 25 và 26-7, tại Nhà hát thành phố, Sân khấu Cải lương mới Đại Việt tái diễn kịch bản Chuyện tình Khau Vai (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể và đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu). Vở diễn với sự tham gia diễn xuất của đội ngũ nghệ sĩ cải lương 2 miền Nam - Bắc, như: NSƯT Phượng Loan, Lê Tứ, Quế Trân, Quang Khải, Võ Minh Lâm, Lê Thanh Thảo, Linh Trung, các nghệ sĩ múa Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM…
Tối 28-7, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu Cải lương Chí Linh - Vân Hà sẽ công diễn trọn vở tuồng cổ Đoàn Hồng Ngọc phá trận Thuận Dương (tác giả Quang Nhã, đạo diễn Chí Linh) với sự tham gia biểu diễn của NSƯT Vân Hà, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Thúy My, Hoàng Hải… Đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Tôi và soạn giả Hoàng Song Việt đã ấp ủ từ lâu việc thành lập Sân khấu cải lương mới Đại Việt. Năm nay, khi thời điểm chín muồi, chúng tôi bắt tay thực hiện và chọn những kịch bản đặc sắc để lần lượt đầu tư dàn dựng. Các vở diễn ngoài phát huy giá trị nghệ thuật đích thực, còn phải có nét tươi mới, hấp dẫn, phù hợp với xu thế xã hội và con người hiện đại. Sự tươi mới đó sẽ thể hiện từ trong kịch bản, cách dàn dựng, trang trí sân khấu, âm thanh, ánh sáng, diễn xuất...”.
Soạn giả Hoàng Song Việt nói: “Lâu nay chúng ta chưa có một cuộc điều tra xã hội học nào đủ quy mô để tìm hiểu khán giả hôm nay mong muốn điều gì ở sân khấu cải lương. Thực tế luôn có những ý kiến, nhận xét rằng, sân khấu cải lương hôm nay cũ kỹ, lạc hậu. Vậy thì để tạo nên sức hấp dẫn cho sân khấu, người làm nghề bắt buộc phải đổi mới. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khán giả hiện đại, chúng tôi phải nỗ lực làm mới mỗi tác phẩm mình đầu tư và tiếp tục hy vọng”.
Diễn viên, tác giả, đạo diễn Quang Thảo cho biết: “Gần đây, một số sân khấu xã hội hóa mạnh dạn bắt tay đầu tư và thực hiện các chương trình, vở diễn nguyên tuồng. Mỗi sân khấu xây dựng theo các phong cách khác nhau sẽ góp phần đem lại nhiều sự lựa chọn thú vị cho khán giả. Riêng với chương trình “Cải lương - Trăm năm nguồn cội”, chúng tôi xem đây là nỗ lực của người trẻ cùng góp thêm chút sức để tạo nên nét chấm phá giúp những khán giả chưa biết nhiều về cải lương sẽ hiểu hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo này”.
Chính vì sự đam mê ấy đã giúp không khí tổ chức biểu diễn nghệ thuật cải lương tại TPHCM thêm sôi động, nghệ sĩ có cơ hội thăng hoa với các nhân vật. Cần ghi nhận sự đóng góp của những nghệ sĩ và sân khấu cải lương xã hội hóa, trong nỗ lực không mệt mỏi ấy.
Theo Thúy Bình - SGGP