Vở diễn "Ngàn năm mây trắng" kết hợp nhuần nhuyễn 4 loại hình nghệ thuật đặc sắc, công diễn vào tối 22/8, đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Vở diễn “Ngàn năm mây trắng” là kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể kịch hát: NS Hoàng Song Việt – NSND Thanh Ngoan. Đạo dễn: NSND Thanh Ngoan – NSND Triệu Trung Kiên; với sự tham giả của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, cùng các nghệ sĩ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài TNVN.
PV: Thưa NSND Triệu Trung Kiên, đây là lần đầu tiên trên sân khấu có sự kết hợp của nhiều loại hình truyền thống trong một vở diễn. Ý tưởng này xuất phát từ đâu?
NSND Triệu Trung Kiên: Vở diễn “Ngàn năm mây trắng” là tác phẩm chúng tôi dàn dựng để tham dự Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV và cũng là công trình kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập Đài TNVN và 70 năm thành lập Nhà hát Đài TNVN.
Nhà hát Đài TNVN là một nhà hát đặc biệt, hội đủ tất cả các loại hình: âm nhạc, sân khấu và diễn xướng dân gian. Vì thế khi dựng vở diễn, chúng tôi căn cứ từ những đặc điểm, kết cấu của Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam. Ở đây chúng tôi cùng một lúc đưa lên sân khấu 4 loại hình nghệ thuật sân khấu là cải lương, chèo, hát xẩm, ca Huế. 4 thể loại đó được hoà trộn trong một tác phẩm. Có thể nói đây là lần đầu tiên có sự kết hợp như vậy trên sân khấu nghệ thuật truyền thống, chúng tôi mạnh dạn để đưa ra thử nghiệm này.
PV: Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình dựng vở?
NSND Triệu Trung Kiên: Khó khăn lớn nhất ở đây đó là đưa nghệ thuật chèo và cải lương lên cùng một sân khấu. Bởi vì cải lương là sân khấu dân tộc còn chèo là sân khấu truyền thống, cả hai có những đặc điểm rất là khác biệt.
Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo, mang những phương pháp sân khấu của Phương Đông. Cải lương lĩnh hội hoàn toàn từ âm nhạc đờn ca tài tử, sau đó tiếp thu các phương pháp của kịch nghệ phương Tây. Yếu tố chính trong vở diễn này là nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong nghệ thuật cải lương đã có 50% là hiện thực. Và từ hiện thực đó, theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng đã bắt gặp những không gian không hiện thực. Những không gian mang nhiều tính kể chuyện tự sự được tái hiện bằng nghệ thuật chèo, hát xẩm, ca Huế...Chúng tôi đã kết nối được các loại lại với nhau không khiên cưỡng, lắp ghép mà hòa quyện ngọt ngào. Mỗi không gian của mỗi loại hình nghệ thuật được bảo toàn để hòa nhập nhưng không hòa tan.
PV: Phần âm nhạc của vở diễn được xử lý thế nào thưa đạo diễn Triệu Trung Kiên?
NSND Triệu Trung Kiên: Âm nhạc là một trong những thành tố quan trọng của vở diễn. Dàn nhạc dân tộc VOV đã có hơn 70 năm phục vụ khán giả Việt Nam và có thể nói đây là một dàn nhạc tương đối chuẩn về âm nhạc dân tộc. Dàn nhạc tham gia vào vở diễn, không chỉ đệm cho các phần hát chèo, hát xẩm, hát ca Huế mà còn đảm nhiệm cả nhạc nền tạo không khí cho vở diễn. Rõ ràng với một dàn nhạc như thế, càng làm cho hồn cốt Việt được toát lên đậm đà trong tác phẩm.
PV: Ông đánh giá như thế nào về diễn xuất của dàn diễn viên?
NSND Triệu Trung Kiên: Tôi khá hài lòng về dàn diễn viên của 3 nhà hát, đặc biệt là các diễn viên của Nhà hát VOV. Tuy không thường xuyên biểu diễn mà họ chủ yếu làm công việc thu thanh, nhưng họ đã diễn một cách chân thành và mộc mạc. Đó là điều rất cần trong sân khấu. Ở đây, chúng tôi đã chọn diễn viên, có thể nói là “đo ni đóng giày” cho các nhân vật trong vở diễn. Các diễn viên vào vai cứ như là không phải diễn.
Ví dụ như vai ông trưởng trò chèo có nét rất riêng. Diễn viên đã tạo nên hình tượng trưởng trò chèo đầy thuyết phục mà ai cũng có thể tin rằng vai diễn là dành cho bạn.
Mỗi diễn viên vào vai rất hợp và có thể nói là đã tạo nên những hình tượng nhân vật mà chúng tôi thấy rất hài lòng. Khi xem vở diễn này, khán giả thấy ngay một tập thể diễn viên có bản lĩnh và làm chủ sân khấu cũng như tạo nên một dấu ấn mạnh mẽ đối với nhân vật của mình.
PV: Cách thay đổi, sáng tạo trong xây dựng vở diễn truyền thống, có phải là cách để thu hút khán giả quay trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống?
NSND Triệu Trung Kiên: Đây là một trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm thu hút khán giả, bởi khi xem tác phẩm này, họ sẽ thấy chất dân gian truyền thống đậm đặc trong tác phẩm nhưng đồng thời họ cũng sẽ cảm nhận được chất đương đại trong đó. Chất đương đại được thể hiện ở cách thức chúng tôi xử lý không gian, các kỹ thuật hỗ trợ và đặc biệt là trong các quan điểm sáng tạo. Nó vừa đảm bảo các yếu tố của một tác phẩm nghệ thuật hiện đại, vừa đảm bảo việc phát huy vốn cổ.
Chúng tôi tin và mong muốn quan điểm nghệ thuật này sẽ thu hút được khán giả hiện đại. Tất nhiên chúng tôi vẫn nghĩ rằng nghệ thuật truyền thống dân tộc dù không phải món ăn thường xuyên của các thế hệ khán giả hiện đại, nhưng nó sẽ là những món đặc sản để cho con người hôm nay thay đổi khẩu vị của mình. Hoặc là mỗi khi nhớ đến, tìm đến nguồn cội sâu xa của dân tộc mình, họ sẽ tìm đến với những tác phẩm của sân khấu truyền thống. Tôi cũng không hy vọng, nghệ thuật truyền thống sẽ trở thành “cơm ăn nước uống” hàng ngày của khán giả, nhưng mà có lẽ cũng chỉ cần có vậy thôi cũng đã là đủ cho sự phát triển của các loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống.
PV: Táo bạo trong việc kết hợp giữa các loại hình âm nhạc truyền thống trên một sân khấu, vậy ông có kỳ vọng gì ở vở diễn “Ngàn năm mây trắng”?
NSND Triệu Trung Kiên: Chúng tôi không quá tham vọng, quá quyết đoán về hiệu quả của vở diễn. Chúng tôi làm bằng sự say mê sáng tạo của mình và cảm quan nghệ thuật của người nghệ sĩ làm nên một tác phẩm thật đẹp, dễ thương, đáng yêu và thiết tha, tràn đầy âm hưởng dân tộc. Chúng tôi chỉ mong rằng khi tác phẩm ra đời sẽ được khán giả đón nhận. Ngay từ đầu, những người nghệ sĩ như chúng tôi không ép mình đến mục đích nào đó mang tính cứng nhắc, mà chỉ trông đợi vào kết quả của quá trình sáng tạo nghiêm túc trực tiếp và những cảm hứng sáng tạo nhất thời của người nghệ sĩ trong giai đoạn dàn dựng.
"Ngàn năm mây trắng" được xác định tiêu chí là thử nghiệm, có thể làm theo cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ. Tôi rất mong chờ hiệu quả cho lần đầu tiên mạnh dạn hòa trộn các loại hình sân khấu vào với nhau.
Bên cạnh đó còn sự thể nghiệm của các ngôn ngữ sân khấu khác nữa, tạo nên 1 tác phẩm sân khấu mang nhiều tìm tòi. Sự tìm tòi, đổi mới, cách tân cho các tác phẩm sân khấu luôn cần thiết để khán giả có sự trải nghiệm và tạo cảm xúc. Ngoài diễn xuất của dàn diễn viên xuất sắc ở các nhà hát, "Ngàn năm mây trắng" được đầu tư về phần thiết kế mỹ thuật với những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam, nhằm xây dựng nên một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại, tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam".
PV: Liệu dụng ý nghệ thuật trong việc kết hợp độc đáo giữa 4 loại hình sân khấu truyền thống: cải lương, chèo, xẩm và ca Huế còn là cách để quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra với thế giới? .
NSND Triệu Trung Kiên: Nếu đối tượng khán giả là người nước ngoài thì họ sẽ có thể đắm chìm trong một không gian của văn hóa Việt trong đó có cả những huyền tích về nàng Tô Thị, có cả những loại hình diễn xướng dân gian, nghệ thuật dân tộc rồi kể cả hội họa mỹ thuật dân tộc trong đó như những bức tranh Đông Hồ và những bức tranh dân gian lấp ló đâu đó trong vở diễn. Chúng tôi tin rằng bạn bè quốc tế qua một tiếng rưỡi ngắn ngủi sẽ được thưởng thức, chiêm ngưỡng khá nhiều những nét đẹp, nét đặc sắc, vốn quý trong nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn NSND Triệu Trung Kiên.
Theo Lê Anh Phương - VOV.VN