Văn nghệ trong nước
Trở lại Huế xưa
09:39 | 11/09/2019

Câu chuyện của ba cô con gái Tổng đốc triều Nguyễn Võ Chuẩn gợi người ta nhớ về mảnh đất cố đô đậm đà phong vị lịch sử. Những giá trị từ ngàn đời nhắn nhủ thế hệ sau cần gìn vàng giữ ngọc, bảo tồn truyền thống gia tộc, vì truyền thống đó nằm trong nền văn hóa chung của dân tộc.

Trở lại Huế xưa
Phu nhân và các con gái đứng xem họa sĩ Pháp Alexandre Icovleff vẽ chân dung ông Võ Chuẩn trong vườn nhà

Những mảnh ký ức

Nước non ngàn dặm ra đi… Điệu Nam Bình trầm trầm, man mác vẫn cất lên để kể về sự kiện lịch sử, về cuộc tình duyên của Công chúa Huyền Trân với Vua Chế Mân Chiêm Thành hơn 700 năm trước. Tác giả của lời ca ấy là quan Thượng thư và Tổng đốc Võ Chuẩn. Lịch sử lưu danh Võ Chuẩn là một vị quan yêu nước, nhưng câu chuyện về cuộc đời, về dòng tộc và lớp hậu duệ của ông thì mới được hé mở, trong cuốn sách “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” và những thước phim được chính ông cho quay cách đây một thế kỷ.

“Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa” là cuốn sách của ba người con gái của ông Võ Chuẩn và bà Tôn Nữ Thị Lịch. Dù là tiểu thuyết hay thể ký, các tác phẩm vẫn đậm chất tự truyện, kể lại gần như toàn bộ câu chuyện của gia đình tác giả, một gia đình quan lại triều Nguyễn yêu nước, với những hỉ, nộ, ái, ố như mọi gia đình Việt khác. Nhưng qua đó, có thể hiểu thêm cách giáo dục con cái, xây dựng nền nếp trong một gia đình quan lại xưa.

Tuyển tập mở đầu với tiểu thuyết “Hai gốc cây” của Minh Đức Hoài Trinh mang nhiều chất tự truyện về cuộc đời, gia đình Tổng đốc Võ Chuẩn từ khi ông là tham tá Tòa khâm sứ đến khi trở thành Tổng đốc Quảng Nam rồi về hưu sớm đi tản cư… Tiểu thuyết “Những đêm mưa” của Linh Bảo kể về mối tình sóng gió của nhân vật Tham Hải mà nguyên mẫu chính là Tổng đốc Võ Chuẩn. Phần cuối trích một phần nhật ký của bà Băng Thanh, ghi lại những câu chuyện trong đời sống cũng như tình cảm của bà với các thành viên gia đình. Như lời tâm sự, những câu chuyện kể về một thời xa vắng, ba người con gái viết về cha mẹ, gia đình ở các khía cạnh khác nhau.

Qua từng lời kể, ta như thấy xứ Huế xưa, cảnh chồng chúa vợ tôi, cảnh cam chịu của những phụ nữ phải vui lòng cưới thiếp cho chồng và cảnh những người hầu, người thiếp thời đó… Ở góc cạnh khác là không khí một thời, ông bà Tham tá, Tổng đốc ngoài việc lo cho dân, còn nuôi lợn, làm vườn, giữ gìn gia phong, dạy dỗ con cái với câu nói mà sau này, những người con gái, con dâu luôn phải ghi nhớ: Quốc có quốc pháp, gia có gia cang.

Con gái bà Băng Thanh, Phan Thanh Hảo kể: “Mẹ tôi không viết văn, mẹ chỉ để lại ba tản văn cho ba chắt gái của mẹ. Đấy là ba bản chép tay, những mong các chắt, thế hệ thứ 4 và thứ 5 trong gia đình hiểu được một giai đoạn lịch sử của gia tộc, cội nguồn của cả đất nước”.

Tư liệu lịch sử quý

Từ câu chuyện của gia đình Tổng đốc Võ Chuẩn, phóng chiếu, liên tưởng với nếp sống của vùng đất Huế xưa, để thấy cả một giai đoạn lịch sử, giai đoạn chuyển từ thời phong kiến sang thời kỳ hiện đại, với sự tiếp nhận, giao lưu với văn hóa phương Tây. Thời đó, Võ Chuẩn nổi tiếng vì đa tài, thích hướng về phương Tây kinh doanh, những mong canh tân đất nước, nhưng phải nghe lời thân phụ làm quan Nam triều. Tuy vậy, ý tưởng canh tân của cụ thể hiện ngay khi làm quản đạo tỉnh Kon Tum, mở mang văn hóa, giáo dục, cải thiện điều kiện canh tác, lập làng mới. Ông hiểu rõ phương Tây, chấp nhận sự hiện diện của Pháp, hiểu tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh tế của thời đó và mong muốn hiện đại hóa Việt Nam, cải thiện nền nông nghiệp lúa nước. Kon Tum bây giờ vẫn còn dấu vết khi ông làm ở đó, nhiều làng vẫn mang họ tên, hoặc bút danh của ông…

Kon Tum, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Huế là những mảnh đất ghi dấu ấn của Tổng đốc Võ Chuẩn, phản ánh tinh thần của một nhà lãnh đạo khi xưa: Nâng cao dân trí, chú trọng canh nông, dẫn thủy nhập điền… Đặc biệt trong những năm 1934 - 1940, Tổng đốc Võ Chuẩn đã nhờ người quay những thước phim ghi lại hoạt động của mình như: Thăm lễ hội đâm trâu cùng Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương; dự lễ Phật đản; đưa học sinh đi nghỉ mát, tới các trang trại... Nhờ vậy, người ta được thấy lại nếp nhà xứ Huế xưa, những bi hài kịch ẩn giấu trong đời sống xã hội một thời, và thấy lại cả một đời sống văn hóa trong các khu chợ, lăng mộ, lễ hội... tại Huế, Kon Tum thời Võ Chuẩn làm quản đạo.

140 phút phim tư liệu này nằm trong 8 cuộn phim 8mm, sau năm 1964, được bà Minh Đức Hoài Trinh mang sang Pháp, gửi nhà báo người Anh David Willey lưu giữ ở Vatican. Năm 2017, hay tin nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh qua đời, nhà báo đã chuyển lại cho đại diện gia đình họ Võ tại Mỹ. Ông Jean Noel Poirier, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam ngỡ ngàng trước những thước phim tài liệu, bởi tài liệu về triều Nguyễn còn lại vốn đã ít, những thước phim này càng hiếm và giá trị hơn do thời đó rất ít máy quay từ phía người Việt.

Những dòng mực xưa, thước phim cũ nhưng là những mảnh ghép tiếp tục làm rõ thêm bức tranh Việt Nam thế kỷ XX. Nguyên Đại sứ Pháp Noel Poirier đang cùng gia đình con cháu Tổng đốc Võ Chuẩn tìm cách làm sống lại các thước phim. Giống như vòng quay lịch sử, những ký ức năm xưa tái hiện qua trang viết của ba người con gái sẽ cùng lúc sống động qua các thước phim với tên gọi Le Mandarin dans l’Ombre (Góc khuất của vị Tổng đốc). Nhiều ý kiến cho rằng, đấy sẽ là đường dẫn đưa ra những nguyên mẫu của nhiều phong tục, tập quán và phục dựng cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt, giai đoạn chuyển mình từ truyền thống sang hiện đại qua cuộc sống của một gia đình quan lớn triều Nguyễn.

Theo Hải Đường - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng