Văn nghệ trong nước
Sắp đặt gánh hàng rong và tiếng rao: Không chỉ là hoài niệm…
15:38 | 19/09/2019

Mấy ngày nay, nhiều người Hà Nội mách nhau đến Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội để thưởng lãm một sắp đặt về chủ đề rất đỗi quen thuộc: “Gánh hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội”…

Sắp đặt gánh hàng rong và tiếng rao: Không chỉ là hoài niệm…
Nhiều bức tranh còn có cả những khuông nhạc dành cho tiếng rao - Ảnh: TG

Động trong… tĩnh

Ông Olivier Tessier, người phụ trách Viện Viễn đông Bác Cổ tại TP Hồ Chí Minh đã không khỏi ngạc nhiên khi đến dự triển lãm. Bởi lẽ, những tác phẩm bấy lâu “ngủ yên” trên những trang sách, giờ đây được các nghệ sĩ sắp đặt một cách tài tình, khéo léo để kể câu chuyện về gánh hàng rong sao mà nên thơ đến thế.

Không nên thơ sao được khi mười bài vẽ (vẽ từ những năm 1925 - 1929) của 15 họa sĩ Đông Dương, trong đó có cả những danh họa như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ… “trả bài” cho ông thầy

Ferdinand de Fénis, được in trên giấy dó, đóng hộp, chiếu đèn. Chừng 30 bức tranh khác, cũng của những học trò ấy, có cả tranh màu lẫn nét phác thảo được chiếu lên tường khiến khách tham quan dừng bước lâu hơn để đọc cho được những tiếng rao viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp như: “Chum chậu bát sứ vỡ, bán không”; “Ai bánh chưng, bánh cốm ra mua”, “Ai có chai, cốc vỡ bán không”, “Ai giẻ rách, sắt vụn bán không nào”, “Nước vôi nóng, ăn thuốc không”… “nhảy múa” trên khuông nhạc.

Chỉ tiếp vào 27 bức ảnh (chụp từ những năm 1920 đến đầu những năm 1950) đặt trong “cây cầu ánh sáng”, ông Olivier Tessier “khoe” đây là những bức ảnh được chọn ra từ 10.300 bức ảnh có liên quan đến Việt Nam. Và, 10.300 bức ảnh đó lại được chọn trong 100 nghìn bức ảnh thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn đông Bác Cổ.

Với ông, những bức ảnh, bức tranh dù nằm tĩnh lặng trên tường hay trong hộp kính nhưng nhìn sâu vào đó lại là những chuyển động.

“Một vài nét vẽ nhưng có đủ cả mọi tư thế, dáng hình: Cúi, ngồi xổm, rảo bước, vung vẩy… Một khuôn hình đen trắng chưa đựng đủ trạng thái: Tươi tắn, trầm ngâm, lo âu… Những dáng hình đó, trạng thái đó rất đặc trưng với người bán hàng rong ở các ngõ phố Hà Nội.

Chúng đã khiến mỗi bức tranh, bức hình chuyển động. Vậy nên, trong tĩnh mà có động là như thế. Mặt khác, thật thú vị khi cùng được sắp đặt trong không gian triển lãm, những hình ảnh và tranh vẽ ấy luôn tương hỗ, tương tác lẫn nhau” – ông Olivier Tessier chia sẻ cảm nhận.

Trải nghiệm thú vị

Trải nghiệm đi trên “cây cầu ánh sáng” có những bức ảnh khiến nhiều người e dè để rồi thích thú. Ảnh: TG.
 

Nguyễn Khánh Hà – sinh viên Khoa Quốc tế Trường Đại học Quốc gia Hà Nội - tủm tỉm nói rằng cô đến để “đối chứng” ký ức của ông bà mình về tiếng rao xưa có trùng khớp không.

Trần Bạch Thanh – nữ sinh đến từ Phú Thọ thì tròn mắt bảo, cô tò mò tìm đến để lần đầu bước vào không gian của tiếng rao được kể trong những bức tranh, hình ảnh và cả âm thanh nữa.

Dạo một vòng, ngắm tranh, đi lên ảnh rồi áp tai vào hộp tranh… Khánh Hà xác nhận những điều ông bà kể về tiếng rao xưa đều có ở đây. Thế nhưng, sự sống động, độc đáo thì có lẽ chỉ có ở đây.

Riêng với Bạch Thanh, sau khi ngắm nghía kỹ lưỡng từng bức tranh, dừng lại thật lâu bên những chiếc hộp vang lên tiếng rao, cẩn thận bước đi trên… ảnh, cô bảo, thật thú vị và ấn tượng. Đấy là những nét vẽ phác thảo mà vẫn vừa đủ để khắc họa một dáng điệu tất bật, vội vã hay thảnh thơi…

Những góc ảnh rất “đắt giá” khi người nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết vào ống kính. Đã thế, những bức ảnh kể về phiên chợ, cảnh gồng gánh buôn bán… nơi phố phường Hà Nội ấy giờ “hội tụ” bằng một cách thức không như thông thường. Chúng “nằm chềnh ềnh” trong hộp ánh sáng giữa phòng triển lãm (chứ không phải treo trên tường).

Thêm nữa, nghệ sĩ Duy Phương – người thực hiện sắp đặt này khuyến khích khách tham quan đừng đứng nhìn mà hãy xỏ chân vào bao giầy vải rồi… bước lên, cúi xuống để mà ngắm nghía, trải nghiệm.

Thực ra, lời mời ấy khiến nhiều người e ngại, rụt rè vì chưa từng… giẫm lên ảnh như thế. Bạch Thanh đã mạnh dạn bước lên, cúi xuống để rồi sung sướng reo lên khi lần đầu được nhìn thấy những hình ảnh ấy khi tương tác với ánh sáng sẽ đem đến cho công chúng những khuôn hình thật sâu, thật rõ phố phường, hình ảnh người Hà Nội xưa.

Và trong rất nhiều niềm thích thú ấy, Bạch Thanh thích nhất cảm giác ghé tai vào hộp và nghe tiếng rao: “Tôi được trải nghiệm trong âm điệu của người Hà Nội xưa với những nhấn nhá khá hay và đặc biệt. Những âm điệu ấy hòa quyện cùng âm nhạc cổ, nghe như tiếng đàn nguyệt, đàn tranh…” – Bạch Thanh chia sẻ.

Quả vậy, trong món quà tặng cho công chúng Hà Nội trong những ngày thu đầy quyến rũ của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội và Viện Viễn đông Bác Cổ không thể không nhắc đến âm thanh do ông Đàm Quang Minh và nhóm Đông Kinh cổ nhạc thực hiện. Đấy là âm thanh của tiếng nhạc, tiếng rao được phát ra từ mỗi hộp tranh lúc bổng, lúc trầm, lúc dìu dặt, lúc khoan thai, lúc réo rắt…

“Tôi chợt giật mình khi nghe lại tiếng rao “Ai mua rươi ra mua”. Tiếng rao này đã hằn sâu trong ký ức tuổi thơ của tôi, một tiếng rao thật khó quên”, lắng nghe những tiếng rao, bà Nguyễn Thị Minh Phương xúc động chia sẻ.

Tĩnh mà động, đơn giản mà sâu lắng, cổ xưa mà hiện đại… sắp đặt “Gánh hàng rong và tiếng rao trên đường phố Hà Nội” được trưng bày ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội đến hết tháng 10 đã quyến rũ khán giả hôm nay như thế.

Và, những khuôn hình, những bức tranh, những âm thanh ấy đã cùng làm nên một bản tổng hòa giai điệu phố phường Hà Nội rất đỗi thân thương.

Theo Bình Thanh - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng