Hà Nội đang năng động chuyển mình nhưng vẫn in đậm dấu ấn 65 năm về trước. Khoảnh khắc được lưu lại, trời thu xanh như rực sáng sắc màu cách mạng, niềm vui chiến thắng bừng lên trong hình ảnh lớp lớp đoàn quân tiến về, trong nụ cười hân hoan của nhân dân... Đâu đó vang lên câu hát của cố nhạc sĩ Văn Cao: Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây…
Trong từng khoảnh khắc
Một ngày cách đây 15 năm, nhà sử học Dương Trung Quốc bất ngờ nhận được 2 cuộn phim Kodak của một nhà giáo già từ Huế gửi ra. Đó là hơn 70 tấm ảnh của ông Thân Trọng Ninh khi đang là sinh viên học tại Hà Nội đã chụp vào ngày 9 và 10.10.1954. Những tấm ảnh được gìn giữ cẩn thận là cảm hứng cho ý tưởng tìm kiếm nguồn tư liệu ảnh trong các album gia đình ghi lại sự kiện Ngày Giải phóng Thủ đô. Vào thời điểm ấy, ảnh chụp sự kiện này chưa nhiều. Chủ yếu là số ảnh của phóng viên Thông Tấn Xã theo đoàn quân tiến về Hà Nội và một số ảnh được trích ra trong bộ phim “Việt Nam trên đường thắng lợi” của điện ảnh Xô Viết do đạo diễn Karmen thực hiện…
Nhờ vậy, tháng 10.2004, lần đầu tiên diễn ra triển lãm trưng bày hình ảnh về Ngày Giải phóng Thủ đô, trong đó có nhiều tấm ảnh do người dân Hà Nội chụp. Như những tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh tài tử bậc thầy Nguyễn Duy Kiên, ông chủ hiệu ảnh “Quốc tế” nổi tiếng Phan Xuân Thúy, ông Đoàn Ngọ ở phố Huế, kiến trúc sư Đặng Trần Phát phố Hàng Gai, ông Vũ Văn Mỹ (Cự Đạt) phố Hàng Bông, ông Lê Sửu phố Hàng Đào, ông Trịnh Tiến, con ông chủ hãng thủy tinh Thanh Đức phố Hàng Bồ, kiến trúc sư Đặng Trần Hoàn phố Hàng Gai…
“Chúng tôi không quên được lời thảng thốt của Giáo sư Trần Quốc Vượng: Ôi, mẹ tôi đây này, khi nhận ra trong một tấm ảnh của ông Thân Trọng Ninh gương mặt mẹ mình. Bà đứng trong đám đông đón chào đoàn quân giải phóng ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm” - nhà sử học Dương Trung Quốc kể lại. Ông bảo, qua ống kính máy ảnh của những con dân Thủ đô đầy hào hoa lúc bấy giờ, hiện thực như sống động, đọng lại để rồi ngân vang theo lời hát “Tiến về Hà Nội”: Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về… Hôm ấy, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên đỉnh Cột Cờ cổ kính, trên những mái nhà. Cờ và hoa như reo ca trên đôi tay của những em bé Hà Nội… Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, cùng xúc động nghẹn ngào trong thời khắc kết thúc một chặng đường lịch sử đầy hy sinh, gian khổ nhưng rất oanh liệt vẻ vang.
Những điều tâm khảm
“Tin quân ta về ai cũng biết. Sớm ấy cậu tôi dặn mợ tôi đóng kín cửa nhà, vì sợ quân Tây đen gác bên nghĩa địa Tây ngay trước mặt làm càn. Trước đó một hôm, một tên lính da đen uống rất say quậy phá ở ngay sân đá chơi chùa Vua đã bị một Lepute Pháp đi mô tô đến đánh bắt đi. Dặn vậy nhưng ông lại lấy cái máy ảnh xịn (sau này phải bán đi cho mợ tôi đong gạo) lẳng lặng một mình đi đón quân ta. Rồi ông trở về hoan hỉ và đêm đó tráng phim”. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể về nguồn gốc những bức ảnh được lưu giữ trong gia đình ông suốt mấy chục năm qua.
Đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô hành quân trước hiệu kem Hồng Vân (nay là quảng trường Đông Kinh nghĩa thục) - Ảnh: Thân Trọng Ninh |
Nhìn những tấm ảnh mà xem bao nhiêu hoa của nhân dân Hà Nội mang ra tặng quân ta trở về, toàn hoa dơn từng bó trên tay ôm của các anh bộ đội… Ngay sau ngày đó hai ba hôm, bộ đội về vệ sinh đường phố, ngôi nhà có sân lớn ở phố đêm đêm nam nữ thanh niên, thiếu nhi đến xem bộ đội múa hát. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhớ lại: “Rồi bộ đội dạy tụi tôi hát: Qua miền Tây Bắc núi ngút ngàn trùng xa. Núi sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua, bộ đội ta vâng lệnh cha già. Về đây giải phóng quê nhà... Những bài hát khí thế thấm đẫm cuộc chiến giành độc lập gieo vào từng trái tim thơ ngây... Gần 70 năm rồi, ngày ấy, những dấu vết của đội quân cách mạng, của Bác Hồ với Hà Nội chúng tôi chưa khi nào mờ phai...”.
Chưa khi nào mờ phai những dấu vết của đội quân cách mạng, của hình ảnh Hà Nội hân hoan trong niềm vui chiến thắng mà những con người bấy giờ đã kịp thời ghi lại, để biến khoảnh khắc ấy trở thành lịch sử, thành những kỷ niệm không quên. Ở đó, có những bức ảnh như của ông Lê Sửu chụp người em đứng dưới lòng đường, phía đằng sau là những đoàn quân đang kéo về. Cậu bé 7 tuổi ấy sau này cũng đi bộ đội, cũng nối gót bậc đàn anh và hy sinh. Dường như, đằng sau những hình ảnh chụp để lưu lại kỷ niệm, còn là câu chuyện đầy thiêng liêng về sự tiếp nối thế hệ, tiếp nối những giá trị căn cốt làm nên một dân tộc.
Theo quy luật thời gian, những con người trong tấm hình này, chụp những tấm hình này rồi cũng ra đi ý nghĩa lịch sử ấy sẽ còn mãi trong tâm khảm mỗi người. Đó cũng là lý do, 65 năm trôi qua, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các đồng nghiệp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện cuốn sách ảnh “Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về”, lưu giữ thời khắc lịch sử của Thủ đô. “Những bức ảnh biến mỗi khoảnh khắc trở nên vĩnh viễn, để cho dù thời gian có qua đi, thì hình ảnh về những con người làm nên chiến thắng vẻ vang, hình ảnh đại diện cho tinh thần dân tộc ấy vẫn luôn có mặt, đồng hành với sự phát triển. Đó chính là đường dẫn, là tài sản quý giá để trao truyền giá trị lịch sử cho thế hệ sau”.