Sau 4 lần đăng cai tổ chức Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm, sân khấu Việt Nam bắt đầu xuất hiện một đội ngũ diễn viên có tài, có kỹ năng và khát vọng, đủ sức thực hiện mọi yêu cầu tìm tòi, sáng tạo của đạo diễn, mang đến yếu tố mới lạ.
Làm mới những giá trị cũ
Liên hoan Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần thứ IV, năm 2019 vừa kết thúc sau 10 ngày diễn ra sôi động khắp các sân khấu của Thủ đô. 7 vở diễn của 7 quốc gia, vùng lãnh thổ và 14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật nước chủ nhà mang đến những yếu tố mới lạ, phản ánh kịp thời những xu hướng mới, mang đậm tính thử nghiệm của giới sân khấu thế giới.
Diễn vào chiều tối 9-10 tại sân khấu Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Espace, Tràng Tiền), vở kịch phi lý “Nữ ca sĩ hói đầu” do NSƯT Trần Lực đạo diễn, được biểu diễn bởi các diễn viên trẻ của Sân khấu Lực Team, 250 ghế trong khán phòng được lấp đầy, nhiều người đứng thưởng thức, lúc cười rộ khi lại vỗ tay rầm rầm tán thưởng. “Nữ ca sĩ hói đầu” phi lý ngay từ chính cái tên bởi trong các nhân vật, chẳng có nữ ca sĩ nào và chẳng ai hói đầu. Những câu thoại “lạ thật”, “một sự kỳ lạ dị thường”, “nhưng tôi chẳng thể hiểu nổi điều gì”... lặp đi lặp lại khiến khán giả phì cười. Các diễn viên thể hiện nét ngây thơ, ngơ ngẩn, đôi lúc lại rất "tăng động" để khán giả tin vào thế giới mà nhân vật của họ đang sống. Phần cuối cũng chính là điểm nhấn của vở kịch khi những món ăn, bài hát, sự kiện, nhân vật đậm chất Việt Nam được Trần Lực khéo léo đưa vào. Những tràng pháo tay của khán giả liên tiếp vang lên khi các nhân vật bất chợt thốt ra “sườn xào chua ngọt”, “bia Hải Xồm” hay khi họ tranh cãi Đoàn Hang Seo hay Park Nguyên Đức (trộn lẫn tên của HLV đội tuyển bóng đá Việt Nam Park Hang Seo và ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch đội bóng Hoàng Anh Gia Lai); khi họ liệt kê “Quỳnh búp bê”, “Về nhà đi con”… rồi ngân nga “khi hai ta về một nhà”, bà Smith đọc thơ “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là... get out”... theo phong cách của cộng đồng mạng.
Vở diễn “Nữ ca sĩ hói đầu” là sáng tạo của tác giả Rumani-Eugène Ionesco. Tác phẩm lần đầu được công diễn vào ngày 11-5-1950 tại rạp Noctambules (Paris). Sau 61 năm với hơn 17.000 buổi diễn tại nhà hát Huchette (Paris), vở diễn lập kỷ lục thế giới là tác phẩm kịch được công diễn với mật độ dày nhất. Tại Việt Nam, “Nữ ca sĩ hói đầu" thu hút khán giả ngay từ khi ra mắt hồi tháng 1-2019. Trần Lực cho biết, anh không nghĩ tác phẩm được khán giả yêu thích nhanh chóng, bởi đây là lần đầu tiên kịch phi lý xuất hiện trên sân khấu Việt Nam. Kịch phi lý không có cốt truyện, tính cách, con người chỉ được xác định bởi các hành vi không có liên hệ nhân quả. Dòng kịch phi lý đi ngược hẳn với kịch truyền thống nên ai không nghiên cứu về nó hoặc đứng trên góc độ kịch truyền thống để cảm nhận sẽ cho là thứ vớ vẩn. Tuy nhiên, NSƯT Trần Lực nghĩ, mình phải tiên phong đưa ra cái mới.
NSND Trần Minh Ngọc, Trưởng ban giám khảo liên hoan cho hay: Thử nghiệm luôn là công việc của tác giả và đạo diễn. Điều này đã thấy trong liên hoan lần này, qua “Nữ ca sĩ hói đầu” (Lực Team), “Cậu Vanya” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Sự sống” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Thân phận nàng Kiều” (Nhà hát Múa rối Việt Nam)… nhiều đạo diễn đã mở rộng không gian mới cho các vở diễn, mà hầu hết những tác phẩm này đều được sáng tạo từ những tác phẩm văn chương có giá trị của Việt Nam và thế giới.
Santanu Das, nghệ sĩ của Nhà hát Kalyani Kalamandalam (Ấn Độ) chia sẻ: "Ấn Độ đã có nhiều đoàn dựng “Cậu Vanya” của tác giả Chekhov, nhưng quả thực chúng tôi thấy “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi trẻ rất xuất sắc. Vở diễn đã khéo léo kết hợp giữa trường phái sân khấu cổ điển và sân khấu hiện thực". Nghệ sĩ người Ấn Độ cũng ngưỡng mộ khi nói về chương trình xiếc “Hà Nội những giấc mơ” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam: “Xiếc Ấn Độ lâu nay mới chỉ dàn dựng ở các tiết mục nhỏ lẻ với các thể loại xiếc truyền thống và chủ yếu là khoe kỹ thuật biểu diễn của nghệ sĩ. Chúng tôi không bao giờ nghĩ tới việc xiếc có thể xây dựng thành một chương trình có chủ đề tư tưởng như vở diễn này. Chúng tôi rất mong sẽ có cơ hội làm việc với đạo diễn của các bạn để xây dựng được những chương trình xiếc lớn như vậy”.
Bước qua lối mòn là cần thiết
PGS, TS Phạm Duy Khuê, nhà lý luận, phê bình sân khấu đánh giá, từ liên hoan lần này đã thấy sân khấu Việt Nam có bước chuyển mình mới. Diễn xuất của diễn viên có nhiều tiến bộ, có thể thấy điều này qua các diễn viên trẻ được đào tạo chính quy của Nhà hát Kịch Việt Nam trong “Sự sống” của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, nhóm Lực Team thể hiện trong “Nữ ca sĩ hói đầu”… họ có thể là nguồn lực thực hiện các thử nghiệm. Tuy nhiên, qua nhiều vở diễn cũng bộc lộ tài năng đạo diễn sân khấu Việt Nam còn thiếu và yếu. Một số vở Việt Nam chưa có được những tìm tòi mới, chúng ta chỉ quen cách kể một nội dung, một sự kiện. Sân khấu Việt Nam đang cần ra khỏi lối mòn trong cách kể chuyện. Liên hoan lần này cho ta một kinh nghiệm là được hợp tác, giao lưu với các đạo diễn nước ngoài có uy tín, có sức trẻ.
Nghệ sĩ Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ) cho hay, thử nghiệm sân khấu cũng giống như thử nghiệm khoa học, có thành công và thất bại. Nhưng quan trọng, người làm thử nghiệm phải dấn thân, phải dũng cảm mới có thể có được những tác phẩm đỉnh cao. Liên hoan lần này đã có được những kết quả nghệ thuật rất đáng khích lệ. Bằng chứng là chúng ta đã có những tiếp cận với sân khấu thế giới qua dòng kịch hiện đại, tác phẩm hiện đại, qua đó học hỏi nhiều điều về biên kịch, đạo diễn và biểu diễn. Người xem sân khấu có được tầm nhìn mới.
Theo Vương Hà - QĐND