“Sau ngàn năm, sau vạn năm/ Tôi theo câu hát xa xăm tìm về/ Nẻo đường hun hút sơn khê/ Vẳng trong gió núi vỗ về lời ru/ Chiều nao khói lửa mịt mù/ Ôm con nàng ngóng chinh phu cuối trời…”. Những lời thơ được PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ viết ra tại thời điểm ông đến thăm, chiêm bái tượng đá nàng Tô Thị năm 1997, đã trở thành cảm hứng, là tứ để ông viết kịch thơ “Ngàn năm mây trắng” đầu năm 2019. Tác phẩm được kết hợp dàn dựng với nhiều loại hình sân khấu truyền thống, là minh chứng cho sáng tạo không giới hạn của các nghệ sĩ.
Một cách lý giải khác
Vở diễn bắt đầu bằng lời ru da diết của nàng Tô Thị. Nàng bế con vượt suối sâu, đèo cao đi tìm chồng. Đến đâu Tô Thị cũng hỏi thăm tin tức của Trần Khôi, chồng mình. Mỗi câu trả lời là một câu chuyện dẫn dắt khán giả như chìm đắm vào từng câu hát. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, mô típ truyền thống về một nàng Tô Thị hóa đá chờ chồng đã quá quen thuộc trong dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, trong vở diễn, vẫn là nàng Tô Thị ấy nhưng không bị động như trong truyền thuyết. Với niềm tin sắt đá rằng chồng mình vẫn còn đâu đó trong cõi nhân gian, rằng chồng mình chưa thể chết, nàng bồng con quyết đi tìm chồng, cho đến khi vô vọng, nàng mới hóa đá.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, hình ảnh về nàng Tô Thị mang tính điển hình rất cao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, muôn đời lay động lòng người. Trên cơ sở đó, vở diễn xoay quanh chủ đề chính là ca ngợi những chiến binh Việt Nam dũng cảm đã lấy máu mình bảo vệ giang sơn của Tổ quốc; ca ngợi tấm lòng thủy chung, hiền hậu, đảm đang, nhân ái của phụ nữ Việt. Cũng qua vở diễn, những người thực hiện muốn xây dựng hình tượng người chiến binh có thể hy sinh về hòn tên mũi đạn của quân thù nhưng cũng có thể chết trong tay người thân (em trai kết nghĩa) của mình. Vì danh lợi, vì dục vọng mà người em đã bị quân thù mua chuộc và tự tay giết chết anh trai.
Vở kịch thơ được NSND Thanh Ngoan và NSND Triệu Trung Kiên kết hợp dàn dựng. PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Chúng tôi không kỳ vọng “Ngàn năm mây trắng” là một tác phẩm đại diện cho sân khấu đương đại đặt ra những vấn đề to tát của cuộc sống mà chỉ muốn nói bên cạnh cái đẹp, cái tốt, thì cái xấu, cái ác cũng luôn song hành. Mong muốn hơn cả là làm sao dàn dựng được một tác phẩm nghệ thuật giới thiệu được cùng lúc nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống một cách hợp lý”.
Vở diễn “Ngàn năm mây trắng” có thời lượng 90 phút, là kịch bản văn học của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể kịch hát: NS Hoàng Song Việt - NSND Thanh Ngoan; đạo diễn: NSND Thanh Ngoan - NSND Triệu Trung Kiên. Vở diễn có sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, cùng các nghệ sĩ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV mới đây, “Ngàn năm mây trắng” giành 4 giải, trong đó có Huy chương Bạc dành cho vở diễn xuất sắc. Dự kiến vở diễn sẽ được biểu diễn phục vụ các đại biểu Quốc hội vào tối 24.10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. |
Kết hợp các không gian âm nhạc
Theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng, vở diễn trải qua nhiều không gian, mỗi không gian là một câu chuyện được kể lại mang tính tự sự và được xử lý dưới một hình thức sân khấu riêng của từng loại hình sân khấu truyền thống. Nàng Tô Thị được tin chồng hy sinh qua lời kể của người em kết nghĩa được các nghệ sĩ cải lương thể hiện với những làn điệu như: Chiêu quân, Vọng cổ, Lý chiều chiều, Hoài cổ. Cảnh nàng Tô Thị lang thang đi tìm chồng kể bằng hình thức sân khấu chèo với những làn điệu: Vỉa ngâm, lẩy Kiều, bản tiểu. Không gian thứ ba là khi Tô Thị đến vùng cao gặp một cụ bà hát rong với những làn điệu xẩm như: Xẩm ba bậc, Xẩm chợ, Ngâm sa mạc… Không gian cuối cùng là ngôi đền Tứ Phủ khi nàng và Trương Lỗ gặp cô Đồng với những làn điệu hát văn như: Trống quân, Hát Tử vi…
Khó khăn lớn nhất khi thực hiện vở diễn, theo NSND Triệu Trung Kiên, là đưa nghệ thuật chèo và cải lương lên cùng sân khấu. Bởi hai loại hình này có những đặc điểm rất khác biệt. NSND Triệu Trung Kiên giải thích: “Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch, mang tính nguyên hợp độc đáo. Cải lương lĩnh hội hoàn toàn từ âm nhạc đờn ca tài tử, sau đó tiếp thu các phương pháp của kịch nghệ phương Tây. Yếu tố chính trong vở diễn này là nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong nghệ thuật cải lương đã có 50% là hiện thực. Và từ hiện thực đó, theo chân nàng Tô Thị đi tìm chồng đã bắt gặp những không gian không hiện thực. Những không gian mang nhiều tính kể chuyện tự sự được tái hiện bằng nghệ thuật chèo, hát xẩm, ca Huế... Chúng tôi đã kết nối được các loại hình âm nhạc với nhau không khiên cưỡng, lắp ghép mà hòa quyện. Mỗi không gian của mỗi loại hình nghệ thuật được bảo toàn để hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Về thiết kế mỹ thuật, êkip thực hiện đã lấy những hình ảnh mang phong cách tranh dân gian Việt Nam từ một chiếc đèn kéo quân để diễn tả không gian, thời gian của các lớp kịch. Phương pháp sân khấu tự sự phương Đông là chủ đạo để xây dựng nên một tác phẩm sân khấu mang âm hưởng dân gian đương đại nhằm tôn vinh những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Đảm nhận vai Trương Lỗ, NSƯT Quang Khải chia sẻ: “Bản thân chúng tôi cũng không thể ngờ rằng cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế lại có thể hòa quyện với nhau trong một vở diễn nhuần nhuyễn và ngọt đến thế. Không có rào cản nào đối với nghệ sĩ biểu diễn ở từng loại hình khi cùng diễn trên một sân khấu. NSƯT Thu Trang, vai nàng Tô Thị, hay tôi vừa ca xong một bài cải lương, thì NSƯT Văn Chương ngâm một câu hát chèo tiếp nối cũng rất hợp lý. Tự thân các giai điệu của các loại hình âm nhạc dân tộc đã tạo nên sự độc đáo này khi chúng tự tìm được sự hòa quyện với nhau, bổ trợ và tôn vinh lẫn nhau”.