Sau hơn nửa thế kỷ lao động sáng tạo đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và điêu khắc nói riêng, triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sẽ diễn ra tại Lunet Art Galerie, số 1 Thanh Niên, Hà Nội, từ ngày 25.12, giới thiệu các tác phẩm của nghệ sĩ từng giành Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
“Tượng đài sống” của nghệ thuật điêu khắc
“Tôi là nghệ sĩ sinh ra trong giai đoạn đất nước khó khăn, được đào tạo trong môi trường không dễ dàng gì, đôi khi không có cái mà ăn. Những năm đất nước khó khăn như vậy, chúng tôi vẫn miệt mài học tập vì ham hiểu biết, muốn trở thành người có ích cho đất nước. Giai đoạn khó khăn rồi cũng qua đi. Hôm nay chúng ta có đất nước hòa bình, phát triển, và chúng tôi cũng có môi trường để cống hiến cho nghệ thuật” - nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chia sẻ khi nói về cuộc đời nghệ thuật của mình.
Từng là người lính, với trải nghiệm chiến trường cộng với tình yêu quê hương đất nước, ông đã dành phần lớn đời mình để làm nên những công trình nghệ thuật lớn cho đất nước. Với 18 tác phẩm tượng đài được dựng ở nhiều tỉnh, thành phố từ Bắc tới Nam, như tượng đài “Nam nữ dân quân” (Bắc Giang); “Ngời sáng quê hương” (Quảng Trị); “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Tây Nguyên” (Đắk Lắk)... Tạ Quang Bạo trở thành một trong số ít nhà điêu khắc sáng tác và xây dựng được nhiều tượng đài nhất ở Việt Nam. Ông cũng là nghệ sĩ tạo hình đầu tiên thuộc thế hệ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2016) cho hai tác phẩm tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và tượng đài “Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ.
Tạ Quang Bạo còn là tên tuổi được giới mỹ thuật biết đến với các tác phẩm điêu khắc tượng tròn trên nhiều chất liệu, tham gia đều đặn các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc, triển lãm mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng... Các tác phẩm của ông hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Quân khu 5... và trong các bộ sưu tập tư nhân.
50 năm theo con đường nghệ thuật, ông chia sẻ thời kỳ ông sung sức nhất, làm “chết bỏ”, là sau khi đất nước thống nhất. “Khi ấy, khó khăn cả về chất liệu sáng tác, cả trong sinh hoạt. Nhưng tôi làm việc không biết mệt mỏi, bằng cả tình yêu, say sưa với nghệ thuật. Bởi trước đó là giai đoạn vào chiến trường, thời gian như ngưng lại, đa số tôi chỉ vẽ, ít làm tượng. Sau khi hòa bình, tôi có thời gian tìm tòi, thỏa thuê sáng tác với các ý tưởng nung nấu từ lâu”.
Đau đáu sáng tạo
“Một ngày đông, chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ trong ngõ Hoa Lư, Hà Nội, một nghệ sĩ già (80 tuổi) nhưng tâm hồn rất trẻ, ông bị liệt một tay do tai biến nhưng cũng không vì trời lạnh mà ngừng sáng tác, lao động nghệ thuật... Hình ảnh một ông già vui vẻ, khéo léo và say sưa sáng tác bằng một tay, quanh ông rất nhiều tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ mà gia đình đã sắp xếp trưng bày như một bảo tàng thu nhỏ, minh chứng cho sức lao động nghệ thuật không mệt mỏi, một suối nguồn làm việc không bao giờ cạn kiệt” - bà Luneta Phan, Giám đốc nghệ thuật của Lunet Art bày tỏ.
Sau đó, triển lãm nghệ thuật điêu khắc “Chân dung nghệ sĩ - nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo” đã nhanh chóng được chuẩn bị. 70 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm mới ra đời, cùng với 10 tác phẩm mượn từ các bộ sưu tập tư nhân. Các tác phẩm có ngôn ngữ và hình khối điêu khắc hiện đại, đầy gợi cảm với khối hình có độ căng của bề mặt, độ phản xạ của ánh sáng và chuyển động, những bố cục lồi lõm tạo nên cốt cách riêng.
Mỗi tác phẩm mang cá tính riêng nhưng vẫn thống nhất với nhau để tạo nên phong cách sáng tác đậm chất Tạ Quang Bạo. Ở đó, có tác phẩm là những xúc cảm mãnh liệt trong quá khứ, cũng có tác phẩm được sáng tác khi ông quan sát và trăn trở với thực tại xung quanh; những khoảnh khắc bất chợt trong cuộc sống, vẻ lãng mạn trong những bức tượng ngập tràn tình yêu say đắm... Không khó để người xem nhận thấy ông dành nhiều tình cảm cho phụ nữ qua các bức tượng có dáng vẻ uyển chuyển nhưng cũng không kém phần khỏe khoắn, mạnh mẽ. Ông nói, trên đời này không có gì đẹp bằng phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam hiền hậu, nhưng cũng chịu nhiều gian khó, hy sinh, chờ chồng trong chiến trận. Tình mẫu tử thiêng liêng, người mẹ ôm ấp vỗ về, nâng đỡ chắp cánh cho những đứa con được thể hiện trong nhiều tác phẩm, mà khi nói tới ông lại rưng rưng “Tôi sáng tác khi nhớ về mẹ của mình”...
Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn tiếp tục đắm đuối với nghệ thuật. Sức khỏe không cho phép làm nhanh thì ông làm chậm, bền bỉ từng ngày. Ông nói: “Làm nghệ thuật phải có tính tự giác, không cần ai nhắc nhở, không làm vì cuộc thi hay trại sáng tác, mà lúc nào cũng đau đáu về nó, thì sẽ cho ta cuộc đời sáng tạo rất đẹp. Trong cuộc đời ấy, tác phẩm này gọi tác phẩm kia, hình thức này gọi hình thức kia. Trong mình như có một dòng chảy, và làm sao đưa dòng chảy của nhân loại vào dòng chảy của sáng tạo của mình”.