Ðúng vào Ngày Lưu trữ Việt Nam (3-1), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã khai mạc Triển lãm "Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn" tại Tòa nhà Triển lãm (số 5 Vũ Phạm Hàm, Hà Nội). Triển lãm mang đến những góc nhìn mới về một loại hình văn bản hành chính nhưng tựa những tác phẩm nghệ thuật của các vị vua nhà Nguyễn xưa.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 100 phiên bản châu phê được lựa chọn từ 85 nghìn Châu bản triều Nguyễn. Ðây là nguồn sử liệu quý giá và hiếm hoi còn lưu giữ được bút tích trực tiếp của mười vị Hoàng đế triều Nguyễn về mọi vấn đề của đất nước. Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Nguyễn Thu Hoài cho biết: Mặc dù không chủ tâm thể hiện chữ viết theo lối thư pháp nhưng châu phê của các Hoàng đế nhà Nguyễn trên châu bản đã phần nào thể hiện kỹ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mỹ cao. Những nét bút son còn lưu lại đã tạo nên sự độc đáo hiếm có của một loại hình văn bản hành chính đẹp như những tác phẩm nghệ thuật.
Ðến với triển lãm, người xem dễ dàng nhận ra sự khác nhau thú vị trong phong cách thể hiện bút phê của từng vị vua. Các Hoàng đế nhà Nguyễn phê duyệt trực tiếp trên châu bản bằng mực son với nhiều hình thức phong phú như: châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải. Không đơn thuần chỉ thể hiện tính thẩm mỹ, những bút phê này còn cho thấy vai trò quyền lực của những người đứng đầu đất nước triều Nguyễn với những quan điểm khác nhau về cách trị quốc, an dân. Chẳng hạn, Hoàng đế Gia Long (năm trị vì 1802 -1820) phê duyệt trên châu bản không nhiều, chủ yếu là những văn bản có nội dung kê khai dân số của trường duyệt tuyển địa phương. Ðiều này cho thấy ông quan tâm rất nhiều đến vấn đề quân sự quốc phòng. Ðến thời Hoàng đế Minh Mệnh (năm trị vì 1820 - 1840), những phê duyệt trên châu bản lại tập trung thể hiện các cải cách ở nhiều lĩnh vực như: Hành chính, giáo dục, đào tạo, tuyển chọn nhân tài, văn hóa dân tộc, chống tham nhũng, hoàn thiện luật pháp và đề cao pháp trị, củng cố chế độ quân chủ trung ương tập quyền. Lời phê của nhà vua trên những bản tấu của địa phương báo cáo tình hình thu hoạch mùa màng đã cho thấy sự quan tâm của ông đối với nền nông nghiệp nước nhà cũng như đời sống người dân lao động.
Nếu bút tích của vua Minh Mệnh toát lên phong thái mực thước, chân phương thì ở bút phê của vua Thiệu Trị (năm trị vì 1841 - 1847) - một vị hoàng đế yêu thơ ca, tính cách hiền hòa lại thể hiện phong thái nhẹ nhàng, dung dị. Ông mong muốn và cố gắng giữ gìn những thành quả đã đạt được, nối tiếp và hoàn thiện những công việc còn dang dở. Trong khi đó, Hoàng đế Tự Ðức (năm trị vì 1848 - 1883), vị vua tại vị lâu nhất trong số các vị vua triều Nguyễn là người rất yêu thích thơ văn, vì vậy trên nhiều văn bản, lời phê của nhà vua còn dài hơn tấu trình của quan. Qua nội dung lời phê của Hoàng đế Tự Ðức có thể thấy rõ bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội, chính trị, ngoại giao của Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Ðây là thời kỳ đánh dấu sự suy yếu của nhà Nguyễn. Tới thời vua Duy Tân (năm trị vì 1907 - 1916), qua nội dung châu phê trên châu bản, có thể thấy rõ quyền lực của nhà vua đối với các lĩnh vực trong xã hội bị hạn chế. Ông chỉ phê duyệt những bản tấu về điều phái quan lại, công việc trong hoàng tộc. Tuy vậy, bút phê của ông trên những bản tấu về việc in sách Thực lục và việc thi cử là minh chứng khẳng định mối quan tâm của vị hoàng đế nhỏ tuổi tới việc biên soạn chính sử và nền giáo dục nước nhà.
Triển lãm không chỉ mang đến cho công chúng và những người đam mê hội họa thư pháp cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu thêm về cách trị vì đất nước cũng như tài hoa thư pháp của các vị vua triều Nguyễn, mà còn thêm hiểu và trân trọng những giá trị quý báu của khối Châu bản triều Nguyễn. Ðúng như nhận định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tại buổi khai mạc triển lãm: Mặc dù không phải lần đầu Châu bản triều Nguyễn được đưa ra triển lãm nhưng đây là lần đầu tiên chữ viết của các vị vua được khai thác dưới góc độ thư pháp. Ðiều này thể hiện sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của những cán bộ lưu trữ để biến những tài liệu khô cứng ngày càng trở nên sinh động, hấp dẫn, gần gũi hơn với công chúng.
Theo Trang Anh - NDĐT