Một đời gắn bó với máy quay phim, đến tuổi xưa nay hiếm, NSND Nguyễn Hữu Tuấn cho ra mắt tập truyện ký đầu tay “Những thước phim trong suốt”, chia sẻ những câu chuyện hậu trường làm phim, những con người ông đã gặp mà máy quay không lia tới, thể hiện.
Quay chậm về ký ức
Các bộ phim nổi tiếng một thời như: “Thị xã trong tầm tay”, “Thương nhớ đồng quê”, “Bến không chồng”, “Ngã ba Đồng Lộc”... đã trở nên quen thuộc với người yêu điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, những câu chuyện đằng sau, gắn với quá trình làm các bộ phim ấy, trong giai đoạn gian khó của đất nước và ngành điện ảnh, thì chưa được nhiều công chúng biết đến.
Với “Những thước phim trong suốt”, vừa được Nhà xuất bản Trẻ ra mắt, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn kể những câu chuyện ấy bằng ngôn ngữ khác so với những gì ông đã gắn bó - phim, ảnh. Cuốn sách gồm 30 bài viết có tính hồi ức của Nguyễn Hữu Tuấn về những năm tháng học nghề hóa chất, đam mê điện ảnh rồi nhất định đi học bằng được để thành nhà quay phim.
Như một nhân chứng của nền điện ảnh nước nhà từ thời những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng đến tận những năm 2000, Nguyễn Hữu Tuấn gợi nỗi ngậm ngùi về con đường điện ảnh mình đã trải qua. Có nhiều thứ đấy, mà cũng chỉ “toàn quay những thước phim “sạch sẽ” như nước cất trong phòng thí nghiệm - “không màu sắc, không mùi vị” như ông tự nhìn nhận. Bạn đọc có thể thấy hành trình mà ông đã đi qua, từ khi đi học nghề hóa chất, cho tới khi chuyển sang học quay phim; thực tập tại đoàn làm phim “Bình minh trên rẻo cao”, là “thằng nhỏ dựng cảnh” phim “Biển gọi”; quay các bộ phim “Thị xã trong tầm tay”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Hoa ban đỏ”... với những trăn trở về chuyện quay phim, kịch bản, đóng phim, dựng cảnh ở nhiều nơi, từ miền biên giới, vùng núi, miền biển, cho tới... trại giam.
Nhưng điều NSND Nguyễn Hữu Tuấn muốn kể, không hẳn là về những bộ phim, mà về cuộc sống của những người ông đã gặp. Bao con người, bao vùng đất mà nhà làm phim đi qua để rồi lắng đọng lại những câu chuyện đời vừa xa xôi vừa gần gũi. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng những giai thoại hậu trường có khi còn rôm rả hơn cả tác phẩm: “Đó cũng là cảm giác tò mò của người đọc khi lật giở những trang viết không đề rõ tên các nguyên mẫu, ai là nữ diễn viên X, ai là đạo diễn Y? Toàn những nhan sắc của Khóa II Trường Sân khấu điện ảnh Việt Nam, những cô gái đẹp Sài Gòn thời mới giải phóng… Liệu sau những hồi ký và tự truyện điện ảnh gây nhiều xôn xao, thì “Những thước phim trong suốt” có tiếp tục tô đậm tính chất “mêlô” của đặc thù ngành này?”.
Khi nhà quay phim kể chuyện bằng... chữ
“Những thước phim trong suốt” là một trong số rất ít cuốn sách do nhà quay phim Việt Nam viết, giúp cho độc giả hiểu hơn về những người làm điện ảnh và nghề quay phim một thời. Tác phẩm của ông cũng được người trong nghề chia sẻ, bởi hiểu đặc thù nghề nghiệp. Nhà quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ: “Các bộ phim anh quay hầu hết tôi đã xem, những cộng sự, người bạn anh viết trong cuốn sách hầu hết tôi đã biết, bởi chúng tôi có chung nhiều kỷ niệm. Tôi và anh có 2 phim đồng tác giả, là “Thương nhớ đồng quê” và “Ngã ba Đồng Lộc”, nhưng tôi đi với anh nhiều. Tôi về hãng phim khi còn trẻ, 30 tuổi, còn anh Tuấn đã thành danh, nhận được lời mời đồng tác giả của anh là niềm vui với nhà quay phim trẻ... Sau khoảng 25 năm làm bạn vừa trong nghề vừa trong cuộc sống, tôi ngưỡng mộ sự nghiệp riêng của anh, cũng như thái độ với nghề nghiệp, với cuộc sống rất đẹp. Anh đam mê nghệ thuật, trong quá trình làm việc, trao đổi, tôi thấy suy nghĩ cũng như cảm xúc về bộ phim luôn hiện hữu trong anh từ khi đọc kịch bản cho tới khi những thước phim đã được bấm trên trường quay”.
Nhìn nhận thành công, đóng góp của nhà quay phim đối với một tác phẩm điện ảnh, có thể đạo diễn của bộ phim thấy rõ nhất. Tuy nhiên, góp phần làm nên thành công của nhiều bộ phim do các đạo diễn kỳ cựu như NSND Đặng Nhật Minh, NSND Thanh Vân, NSND Nhuệ Giang... thì không phải nhà làm phim nào cũng có. Từng đồng hành trong quá trình sáng tạo 3 - 4 bộ phim, NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận xét: “Anh Tuấn đã có quá trình dài “viết” bằng hình, và hình của anh nhiều chữ. Đến khi không viết bằng hình, câu chuyện của anh lắng đọng trong những con chữ”.
Chụp ảnh, quay phim, vẽ tranh, hay viết văn, với NSND Nguyễn Hữu Tuấn là nhu cầu tự thân. Nhưng ở tuổi xưa nay hiếm, ông cho rằng, không có cách nào khác để nói được sâu xa suy nghĩ, tình cảm của con người bằng cách viết. Dịch giả Trịnh Lữ nói về tác phẩm đầu tay của người bạn lâu năm: “Những mảnh ký ức mà anh từng bảo với tôi rằng chỉ có ngôn ngữ mới diễn tả được. Một người đã qua trường lớp hội họa chính quy, được học nghề hóa dẻo, rồi được đào tạo và rất thành danh về quay phim chụp ảnh, mà lại có một nhận định như vậy, nên tôi biết anh có bẩm sinh nghệ thuật, biết diễn đạt cảm xúc và tư duy của mình bằng phương tiện và phong cách nào chân thực, hiệu quả nhất... Đây không phải cuốn tự truyện của một người làm nghề quay phim, mà anh nói đến tình cảm, câu chuyện trong khi làm việc. Đọc cuốn sách, tôi cảm động vì gần như đã được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, sống được với trải nghiệm, và xúc động với cảm xúc của tác giả”.