Tuy không phải là ruột thịt, nhưng chúng ta đã cùng nhau chung vui chia khổ, cô đã đem hết tài năng của mình cùng tôi vượt qua bao khó khăn để đem kịch nghệ Việt
đến với năm châu. Nay cô đã ra đi, khiến cho tim tôi đau nhói và lòng tôi bàng hoàng.
Tôi không thể nào quên được những chuyến đi nước ngoài cách đây mấy thập niên, đặc biệt nhứt là dịp mà cô Bảy, Kim Cương và tôi giới thiệu một trích đoạn của Phụng Nghi Đình, lớp “Lữ Bố hý Điêu Thuyền”. Cô Bảy và Kim Cương diễn xuất còn tôi thuyết trình, âm nhạc phụ họa chỉ có cuốn băng ghi sẵn, vậy mà đã làm cho khán giả đến từ năm châu phải ngẩn ngơ và khen rằng trình độ kịch nghệ Việt Nam rất cao.
Cô Bảy ơi,
Chắc cô cũng như tôi không quên được hồi năm 1964, Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO và Hội đồng Âm nhạc quốc gia Liên bang Đức phối hợp để tổ chức một Hội nghị quốc tế tại
Hamburg
(Tây Đức) về “Nhạc kịch thế giới”. Lúc đó, nước ta đang chìm trong khói lửa, không thể gởi một phái đoàn chánh thức đại diện cho Việt tại hội nghị. Tôi đang là thành viên Ban chấp hành của Hội đồng Quốc tế và được chọn vào Ban tổ chức, cảm thấy xốn xang khi biết rằng có gần 50 đoàn của các nước đến tham dự mà kịch nghệ Việt Nam lại vắng mặt!
Thời gian đó cô Bảy và Kim Cương đang giới thiệu một tiết mục rất hay tại Nhà hàng La Table du Mandarin, mà tôi là người giới thiệu chương trình hàng đêm. Tôi gặp cô và ngỏ ý đem tiết mục ấy tham dự Hội nghị quốc tế
Hamburg
. Cô Bảy đưa hai tay lên trời nói: “Không được đâu anh Hai ơi! Người ta đem cả đoàn với mấy chục diễn viên, lại nghe nói Đài Loan gởi một cuộn phim ghi hình ghi âm vở Phụng Nghi Đình, Nhựt Bổn (Nhật Bản) gởi một đoàn Hát Nô tiếng tăm, các đoàn nhạc kịch của Campuchia, Thái Lan và Indonesia thì giới thiệu những vũ khúc phỏng theo truyền thuyết Ramayanan. Mặc dầu tôi cũng xốn xang như anh Hai, nhưng chỉ có Kim Cương và tôi, vừa không tranh cảnh lại không có dàn nhạc cho những lúc trống xổ, chấm câu, trụ bộ… Trời ơi, một con én làm sao đem lại mùa xuân hả anh Hai?”.
Tôi thuyết phục: “Chúng ta tuy ít người nhưng giàu nghị lực, phong phú trong nghệ thuật, lại có con tim rung động mãnh liệt vì tình yêu đất nước và văn hóa Việt
. Nếu cô Bảy chịu cùng tôi suy nghĩ, bàn bạc thêm thì tôi tin rằng với quyết tâm, chúng ta sẽ từ cái không làm ra có, cái khó làm ra dễ”.
Cô Bảy xiêu lòng: “Anh Hai cứ đề xướng mọi việc, tôi góp ý về nghệ thuật diễn xuất và chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết từng điểm khó”.
Trong vòng 10 ngày, cô và tôi lựa lớp tuồng rồi tập với Kim Cương cho nhuần nhuyễn. Khi bàn đến phần âm nhạc phụ họa, là trở lực lớn nhứt, thì tôi phải thán phục sáng kiến của cô Bảy. Nhạc công chỉ có anh Danh, một người lính thợ biết đờn kìm và ghi-ta móc phím (sau này khi phát triển tinh vi hơn thì gọi là ghi-ta phím lõm), cô Bảy đề nghị anh Danh và tôi xem buổi diễn rồi hòa đờn theo, tôi lãnh phần đờn tranh và đờn cò, đến lúc đánh trống thì tôi giữ tay trống, anh Danh đánh chập chõa.
Bài bản không khó lắm vì chỉ rao cho “nói lối” và vô bản “Khốc hoàng thiên”, nhưng khó nhứt là canh sao cho đúng lúc cô Bảy sắp “trụ bộ” để chúng tôi đánh “tắc xà” cho khớp. Biết tôi băn khoăn, cô Bảy nói ngay: “Anh Hai cứ việc xổ trống theo bước đi của tôi. Trước khi trụ bộ, tôi hét to một tiếng “hê” thì anh Hai nhịp “tắc xà”.
Chúng tôi tập thử “hê … tắc xà”, “hê … tắc xà” rồi ghi vào cuộn băng, để lúc cô Bảy múa thật, khi nghe trong cuộn băng có tiếng hô “hê” là cô trụ bộ. Hai bên trống với chập chõa và điệu múa của Lữ Bố ăn khớp với nhau y như có dàn nhạc thật phụ họa cho diễn viên. Sau khi tập đi tập lại nhiều lần thật nhuần nhuyễn, cô Bảy và tôi nắm tay nhau cười đắc chí và quyết định giới thiệu tiết mục đó tại nhạc hội.
Trong những ngày tập dợt, chúng tôi vẫn ưu tư chưa biết xoay xở tiền đâu ra để mua vé máy bay từ Paris sang Hamburg cho cô Bảy và Kim Cương, lại thêm nỗi lo âu chẳng biết anh Mười, chủ hiệu ăn, có bằng lòng cho cô Bảy và Kim Cương vắng mặt trong chương trình đến 4 ngày hay chăng? Không ngờ, lúc mời anh Mười đến xem cô Bảy và Kim Cương biểu diễn với lời giới thiệu của tôi và dàn nhạc phụ họa ghi trong băng, anh khen nức nở và chẳng những bằng lòng cho cô Bảy và Kim Cương đi dự hội nghị, mà còn hào phóng tặng 2 vé máy bay khứ hồi cộng thêm khoản tiền chi phí ăn ở tại một khách sạn lớn ở Hamburg.
Mọi việc giải quyết êm xuôi, cô Bảy nhìn tôi cười nói: “Đúng như lời anh Hai, nếu quyết tâm thì từ không chúng ta làm có, từ khó biến thành dễ. Hai anh em mình đã lo xong phần nghệ thuật, lại có được một mạnh thường quân giải quyết tổn phí. Rõ ràng Trời Phật đã phù hộ chúng ta”.
Gần đến ngày hội nghị khai mạc, lại xảy ra một việc bất ngờ. Tôi không thể đáp cùng chuyến máy bay với cô Bảy và Kim Cương mà phải lên đường trước 4 ngày để họp Ban chấp hành và lo việc tổ chức. Cô Bảy than: “Đi ra nước ngoài, nhứt là sang Đức mà không có anh Hai, chắc hai má con tôi không dám đi, vì tiếng Đức không biết mà tiếng Anh cũng chẳng rành”.
Tôi trấn an cô: “Cô Bảy đừng lo. Tôi sẽ viết một cẩm nang ghi sẵn những câu người ta thường hỏi lúc làm thủ tục nhập cảnh như: Bà từ đâu tới, tên gì, mục đích khi đến nước Đức, sẽ ở tại đâu, trong thời gian bao lâu…”. Tôi cẩn thận viết bằng hai thứ tiếng và đánh số thứ tự, phần đầu là những câu tiếng Việt, phần sau là tiếng Đức và dặn cô Bảy chỉ cần đưa cẩm nang cho cảnh sát hay hải quan tại phi trường, hễ họ chỉ vào câu số 1, 2 hay 3 thì cô sẽ theo đó mà trả lời…
Rốt cuộc, cô Bảy và Kim Cương qua cửa khẩu
Hamburg
dễ dàng.
Hôm ra phi trường đón cô Bảy và Kim Cương, tôi cũng phập phồng lo sợ, đến lúc thấy 2 người xuất hiện tươi cười vẫy tay chào, tôi mới an lòng. Về đến nơi, tôi đề nghị khách sạn sắp xếp cho cô Bảy và Kim Cương ở cạnh phòng tôi.
Cô Bảy than thở trên máy bay người ta dọn khoai tây luộc, bắp cải chua theo phong cách của Đức nên cô nuốt không vô. Cô lo lắng: “Nếu không có thức ăn hạp khẩu vị mà ngày nào cũng phải ăn khoai tây luộc, chắc tôi không đủ sức để biểu diễn”. Nhưng tôi khuyên cô đừng có thành kiến với khoai tây luộc mà hãy thử nhai thật chậm để nhấm nháp hương vị ngon ngọt của nó. Rốt cuộc, những ngày sau đó bữa ăn nào cô Bảy cũng đề nghị dọn cho mình một dĩa khoai tây luộc.
Tuy chỉ là những chuyện nhỏ, nhưng các bạn trẻ đọc những dòng này mới thấy sự quyết tâm của một người nghệ sĩ lớn cố gắng vượt qua những khó khăn từ ngôn ngữ đến khẩu vị nơi xứ lạ quê người.
Vừa đến nơi, cô Bảy yêu cầu tôi đưa đến sân khấu để diễn thử một lớp tuồng. Kim Cương nghe vậy bèn nói: “Một nghệ sĩ bậc thầy như má Bảy thì cần gì phải tập trước, với lại mình chỉ diễn một trích đoạn nhỏ thôi chớ đâu phải cả một vở tuồng”. Cô Bảy nói: “Không con à, mình ghi băng nhạc theo cách đi của má trong một sân khấu nhỏ tại
Paris
, hôm nay diễn ở một sân khấu lớn thì mình phải tập thử để bước đi không gượng gạo và ăn khớp với nhạc. Trên sân khấu bình thường thì nhạc phải đi theo tiết tấu của người diễn, trong hoàn cảnh của chúng ta thì ngược lại người diễn phải thích nghi với tiết tấu của băng nhạc”.
Tôi hết sức khâm phục tinh thần nghề nghiệp của cô Bảy.
Đến hôm diễn, tôi giới thiệu màn Lữ Bố (do cô Bảy đóng vai) đi tìm Điêu Thuyền (Kim Cương), khi đến Phụng Nghi Đình, Điêu Thuyền ở bên kia sông, Lữ Bố băng qua cầu bế Điêu Thuyền trên tay rồi cả 2 đồng ca bài “Khốc Hoàng Thiên”.
Kim Cương đóng vai Điêu Thuyền nũng nịu và rơi nước mắt với diễn xuất thần tình, khán giả vỗ tay rất lâu khiến Kim Cương thích chí nũng nịu thêm một lần nữa. Cô Bảy hoảng kinh khi nghe đờn đã bắt đầu vô bản “Khốc Hoàng Thiên” mà Điêu Thuyền còn tiếp tục khóc, vậy là Lữ Bố không thể chậm rãi qua cầu theo nhịp hát nữa.
Rất lanh trí, cô Bảy bèn giậm chân trên mặt sàn rồi nhảy phốc một bước qua cầu, ôm Điêu Thuyền trên tay để hát cho kịp bài “Khốc Hoàng Thiên”. Toàn thể khán giả nhứt loạt vỗ tay khen ngợi màn biểu diễn xuất thần! Về sau khi tường thuật về các tiết mục biểu diễn phục vụ hội nghị, báo chí đều nhận định tiết mục của Việt
là cây đinh của chương trình.
Đêm đó sau khi dự tiệc rượu, ra về thì trời đã khuya. Biết rằng không thể ngủ được vì vui, cô Bảy rủ tôi đi lang thang qua các đường phố dưới màn mưa lất phất rơi cho đến gần 2 giờ sáng. Thỉnh thoảng cô quay nhìn tôi với đôi mắt ướt lệ mà nói: “Sung sướng quá anh Hai ơi!”. Về sau mỗi khi nhắc lại kỷ niệm này, cô Bảy có nhớ không, không lúc nào mà cô cầm được nước mắt. Và suốt cả một cuộc đời nghệ sĩ, cô Bảy vẫn thường nói với tôi rằng: “Buổi giới thiệu trích đoạn Phụng Nghi Đình tại
Hamburg
với tôi là một kỷ niệm khó quên”.
Hôm nay, tưởng nhớ cô Bảy, tôi cũng không quên lần trình diễn đó. Cô Bảy ơi! Nỗi vui sướng không phải chỉ có cô Bảy hưởng, mà tất cả chuyến đi đó sẽ là một tấm gương tốt cho những nghệ sĩ hậu sinh noi theo về sự quyết tâm và nhứt là lòng yêu nghề.
Cô Bảy ơi! Tôi cầu xin và tin chắc rằng linh hồn cô sẽ được tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng, vì trong suốt cuộc đời cô đã không nghĩ riêng cho mình mà lo cho đồng nghiệp, cho gia đình, con cháu của bạn bè bằng những việc làm như sáng lập Chùa Nghệ sĩ, xây dựng Nghĩa trang Nghệ sĩ, Viện Dưỡng lão nghệ sĩ…
Tôi đau đớn cùng chia sẻ nỗi buồn với tang quyến và xin nói lời vĩnh biệt cô Bảy, một người bạn vong niên cùng chung tình yêu nước, yêu dân tộc và yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt .
Bình Thạnh, ngày 6-7-2009
GS-TS Trần Văn Khê
Di quan NSND Phùng Há về chùa Nghệ sĩ
Sáng 8-7, Ban Tổ chức lễ tang do Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân làm Trưởng ban, đã tổ chức di quan NSND Phùng Há về quàn tại chùa Nghệ sĩ, quận Gò Vấp, TPHCM. Trước khi di quan về chùa Nghệ sĩ, xe chở thi hài NSND Phùng Há được đoàn mô tô hộ tống qua các tuyến đường Lê Quý Đôn – Ngô Thời Nhiệm – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng 8 – Nguyễn Thái Học – Cô Bắc đến Nhà Truyền thống sân khấu (133 Cô Bắc, Q1), nơi NSND Phùng Há cùng các thế hệ nghệ sĩ tiền phong gầy dựng, làm nơi thờ tổ nghiệp.
Sau đó, thi hài NSND Phùng Há được đoàn mô tô hộ tống qua các tuyến đường: Nguyễn Khắc Nhu – Trần Hưng Đạo – Pasteur – Điện Biên Phủ – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Nguyễn Văn Trỗi – Phổ Quang – Hoàng Minh Giám – Nguyễn Thái Sơn – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Oanh – Nguyễn Văn Lượng – Thống Nhất, về đến chùa Nghệ sĩ trước sự đón đợi của đông đảo nghệ sĩ và khán giả.
Khi đoàn xe chở thi hài NSND Phùng Há đi qua, dọc hai bên tuyến đường luôn có đông đảo nhân dân thành phố đứng xem, chào tiễn đưa “cây đại thụ” của cải lương Nam bộ. Và có những người đã không kềm được nước mắt khi nhìn di ảnh bà – một nghệ sĩ tài đức vẹn toàn, luôn chăm lo cho đồng bào nghèo khó!
NSND Phùng Há sẽ được quàn tại chùa Nghệ sĩ đến 7 giờ ngày 10 – 7, sau đó làm lễ truy điệu và an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ, Gò Vấp, TPHCM.
|
Theo SGGP |