Văn nghệ trong nước
Bài hát Việt 2009: Trẻ, khoẻ nhưng thiếu cá tính
14:41 | 13/07/2009
Bài hát Việt ngày càng nhận được sự tham gia của nhiều cây viết trẻ, đó là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cũng vì trẻ mà các cây viết dù rất “khoẻ” nhưng lại thiếu cá tính, chưa tạo nên “thương hiệu” vững chắc.
Bài hát Việt 2009: Trẻ, khoẻ nhưng thiếu cá tính
Bảo Lan và nhóm Năm dòng kẻ trên sân khấu Bài hát Việt.

Những cá tính tạo nên “thương hiệu”

Điểm lại những gương mặt từng “nổi đình, nổi đám” của Bài hát Việt từ những năm đầu tiên. Có thể thấy, họ vừa dồi dào về "lượng", và cũng rất đảm bảo về “chất”.
 
Có thể kể ra khá nhiều những gương mặt thành danh từ Bài hát Việt, họ đã góp phần làm nên thành công của chương trình này, và họ cũng trở nên nổi tiếng trong mắt công chúng.
 
Ấn tượng nhất là Nguyễn Vĩnh Tiến ở Bài hát Việt những năm đầu tiên, một chàng kỹ sư yêu văn nghệ, tham gia Bài hát Việt và ngay lập tức tạo nên “hiện tượng” với Bà tôi. Có lẽ, đây là bài hát được phổ biến nhất, yêu thích nhất và có sức sống mạnh mẽ nhất của Bài hát Việt tính đến thời điểm này. Nguyễn Vĩnh Tiến chính là một hình mẫu trưởng thành từ con số không, điều này tác động rất lớn đến lớp trẻ kế cận sau này, bởi đa số họ, cũng đến với nghề sáng tác từ hai bàn tay trắng thông qua sân chơi Bài hát Việt như Nguyễn Vĩnh Tiến.
 
Lê Minh Sơn có hơi khác Nguyễn Vĩnh Tiến ở xuất phát điểm, bởi trước đó, năm 2003, anh đã làm khán giả ngạc nhiên với Bên bờ ao nhà mình do Ngọc Khuê trình bày trong cuộc thi Sao Mai. Tuy nhiên, phải đến À í a ở sân chơi Bài hát Việt, Lê Minh Sơn mới thực sự được công chúng biết đến một cách rộng rãi, được giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả coi anh như một tài năng trẻ trong lĩnh vực sáng tác.
 
Cả Nguyễn Vĩnh Tiến và Lê Minh Sơn đều khai thác mảng âm nhạc sử dụng chất liệu dân gian Bắc Bộ và đều thành công. Ở họ có sự “định vị” rất rõ ràng về âm nhạc, không trang trí bằng những điều “hoa lá cành” hoặc những phát ngôn “đao to búa lớn”, Lê Minh Sơn và Nguyễn Vĩnh Tiến ghi dấu ấn trong lòng công chúng bởi chính thể loại âm nhạc “dân gian đương đại” đậm chất “Việt” và giàu cảm xúc cũng như ngôn ngữ, đó chính là cá tính nổi bật tạo nên “thương hiệu” của họ.
 
Bên cạnh đó, Lưu Hà An, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Bảo Lan… cũng tạo được chỗ đứng, họ là những cây viết đều tay và ổn định về cả phong độ lẫn thể hiện được “đẳng cấp”, chưa có dấu hiệu mai một, bởi họ ít nhiều trung thành với lối viết đã tạo nên “thương hiệu”, đó thực sự là những nhân tố tiêu biểu cho sân chơi này.
 
Lớp kế cận - cá tính mờ nhạt

Kế cận những Lê Minh Sơn, Lưu Hà An, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son… ở Bài hát Việt là một thế hệ những cây viết trẻ, đa phần ở độ tuổi ngoài hai mươi. Những cây viết rất khoẻ phải kể đến Tăng Nhật Tuệ, Nguyễn Duy Hùng, Thành Vương, Nguyễn Thanh Tâm, Sa Huỳnh, Nguyễn Đức Cường… Họ là những người thường xuyên có bài hát được lọt vào chung kết các tháng, thậm chí là chung kết năm và tất cả những người kể trên, ít nhất đã từng một lần đứng trên bục nhận giải thưởng của Bài hát Việt.
 
Tuy nhiên, ở họ, ngoài sức trẻ và khả năng sáng tác dồi dào thì vẫn thiếu một cá tính thật rõ nét và ghi dấu sâu đậm trong lòng công chúng. Có thể kể đến sự thành công của những cây viết này như Nguyễn Đức Cường với Nồng nàn Hà Nội, Nguyễn Duy Hùng (12 giờ), Phố Chiều của Thành Vương, Nguyễn Thanh Tâm với Thềm nhà có hoa, Sa Huỳnh ghi dấu ở Về ăn cơm… Đây là những ca khúc “gắn” với tên họ một cách rõ nét nhất, và cũng chỉ có thế.
 
Sau những ca khúc “ghi điểm” ấy, họ thực sự lúng túng trong việc sáng tạo và đặc biệt là tìm cách “vượt rào” những bài hát đã được công chúng yêu mến. Áp lực ấy khiến họ viết càng khoẻ, nhưng càng cố thì các sản phẩm ra đời lại càng mờ nhạt. Ngay cả Em trong mắt tôi của Nguyễn Đức Cường đoạt giải chính thức của năm 2008 thì vẫn không thể thuyết phục khán giả bằng Nồng nàn Hà Nội chỉ đoạt giải phụ của mùa trước, hoặc như Phố cổ của Nguyễn Duy Hùng dù được Thuỳ Chi “phù phép” cũng không gây được tiếng vang như 12 giờ của anh năm đầu tiên Bài hát Việt.
 
Hàng loạt những cây viết khác của Bài hát Việt vài năm trở lại đây cũng rơi vào tình trạng trương tự. Họ viết khoẻ nhưng thiếu cá tính. Ngay cả như Lê Cát Trọng Lý, người đoạt giải thưởng cao nhất Bài hát Việt 2008 với bài hát Chênh vênh cũng chỉ là một cô gái có thừa cá tính ở ngoài đời nhưng âm nhạc của cô, mà cụ thể là ca khúc Chênh vênh vẫn thấy nhàn nhạt, thiếu sức thuyết phục số đông công chúng, dù cô được một số tờ báo ca tụng khá nhiều trước và sau khi đoạt giải.
 
Có thể chính sự “xâm lấn” ồ ạt của các cây viết trẻ, khoẻ nhưng lại mờ nhạt về chất lượng đã khiến nhiều nhạc sỹ trẻ lặng lẽ rút lui khỏi Bài hát Việt. Và điều này cũng làm chất lượng chuyên môn của sân chơi này ngày cảm giảm sút. Hãy xem hai tháng đầu tiên của năm 2009, rõ ràng chưa có một ca khúc nào tạo được dấu ấn. Cho dù tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn, quy chế và phạm vi cũng được mở rộng hơn trước rất nhiều, nhưng “chất lượng” của các ca khúc thì ngày càng trở nên nhạt nhoà, thiếu cá tính. Phải chăng đó chính là sự “ăn xổi” của các cây viết trẻ, khi họ còn chưa được trang bị một cách đầy đủ về kiến thức, và sự chiêm nghiệm về cuộc sống thì còn quá non nớt, bởi âm nhạc của đa số những người trẻ ấy, khán giả nghe hôm nay và có thể quên ngay trong ngày mai?!
 
                                                                                                        Theo VnMedia

Các bài mới
Các bài đã đăng