Văn nghệ trong nước
Tiếp thêm sức sống văn hóa làng
09:26 | 09/10/2020

Với gần 200 đạo sắc phong được tìm kiếm, sưu tập và dâng tặng cho nhiều đình, đền... tại Hà Nội, Hà Nam trong suốt 5 năm qua, nhóm Nhân sĩ Hà Đông vừa được vinh danh trong lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020.

Tiếp thêm sức sống văn hóa làng
Nhóm Nhân sĩ Hà Đông đưa các đạo sắc phong trở về với các làng xã

Giải thưởng là sự ghi nhận, khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cho hành trình bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc của những kẻ sĩ Bắc Hà.

Nặng lòng với văn hóa Việt 

Nhóm Nhân sĩ Hà Đông gồm nhiều tác giả, họa sĩ, nghệ sĩ tên tuổi cùng một số doanh nhân, như: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ… Vào năm 2015, một ngày, các thành viên tình cờ nhắc tới những bản sắc phong cổ mà tác giả Trịnh Hữu Sỹ đang lưu giữ. Câu chuyện về đạo sắc phong cứ thế được nối dài và cả nhóm nhận thấy đây thực sự là những hiện vật mang tính biểu trưng cho truyền thống của cả một cộng đồng dân cư trong từng làng xã. Đạo sắc phong như linh hồn, như tinh thần của đình chùa, miếu, phủ, những nơi thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh và là di sản quý báu của kho tàng văn hóa Việt. Đối với các làng quê Việt - những tế bào sống trong xã hội truyền thống, thì bản sắc phong chính là thể hiện giá trị về văn hóa tinh thần. Chính vì thế, việc trao trả sắc phong cho người dân các địa phương là việc làm nhằm gắn kết tinh thần của mỗi người thông qua những giá trị lịch sử. 

Ngoài nguồn sắc phong trong bộ sưu tập của tác giả Trịnh Hữu Sỹ, nhóm Nhân sĩ Hà Đông chủ động tìm kiếm và sưu tập những đạo sắc phong đang trôi nổi trên thị trường. Thông qua bạn bè và mạng xã hội, họ đưa ra lời kêu gọi: “Những ai lưu giữ các đạo sắc phong cổ, nếu có tấm lòng xin chuyển lại cho nhóm để trả về chính chủ. Trường hợp đã bỏ tiền ra để sở hữu, chủ nhân cũng có thể báo cho nhóm biết để tìm cách mua lại”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương mới đây đã tặng lại cho nhóm những bản sắc phong mà họa sĩ cẩn thận lưu giữ trong những năm qua với mong muốn dâng tặng lại cho địa phương có sắc phong đã bị mất. Những đạo sắc phong này thuộc về một địa phương của tỉnh Thái Bình. Nhóm sẽ mời chuyên gia thực hiện giám định, dịch, lập hồ sơ và thông tin với địa phương để tiến hành dâng tặng lại. 

Kể từ 2015 đến nay, nhóm nhân sĩ đã tìm kiếm và dâng tặng lại khoảng hơn 200 đạo sắc phong cho các địa phương, trong đó có trên 80 đạo sắc phong cho các đình, đền... tại Hà Nội. Có nơi may mắn nhận về cả chục đạo sắc phong, có nơi ít hơn, nhưng điểm chung của những lần trao trả ấy vẫn là sự hân hoan và xúc động đặc biệt từ cộng đồng.

Tìm lại cuội nguồn

Là một trong những người khởi xướng và tham gia vào việc trao trả đạo sắc phong, nhà văn Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Có những người bạn quốc tế nói với tôi: Những đạo sắc phong của Việt Nam có giá trị và ý nghĩa không kém gì lịch sử phong thần của Hy Lạp. Điều này nên để các chuyên gia đánh giá. Còn với tôi, đó đơn giản là “file gốc”, là căn cước tạo nên bản sắc của một nền văn hóa Việt. Càng làm, chúng tôi càng hiểu thêm ý nghĩa của việc tìm lại “căn cước” gốc ấy”.

Không chỉ tìm kiếm các sắc phong, các thành viên của nhóm còn đảm trách việc tra cứu, tìm kiếm tài liệu, dịch nội dung trên mỗi hiện vật tìm được để có thông tin cơ bản về cội nguồn của mỗi văn bản cổ này. Đây là việc không đơn giản như dự tính ban đầu. Tìm được sắc phong đang nằm trong các bộ sưu tập của giới chơi cổ vật đã khó, việc dịch sắc phong và tìm kiếm đúng địa chỉ để dâng tặng sắc phong về đúng nơi bị thất lạc, còn là câu chuyện mất nhiều thời gian và khá tốn kém.

Nhóm đã nhờ TS Trương Đức Quả, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các bản sắc phong theo địa danh. Mọi người phải tra cứu vì nhiều tên đất, tên làng, xã đã thay đổi. Có những nơi, qua mấy trăm năm thay đổi tên gọi hành chính, khiến nhóm phải rất mất công mới có thể xác định được đúng nơi để trao tặng sắc phong. Lại có nơi, nhóm liên hệ, các cụ cao niên chưa dám nhận, vì khi mất sắc phong, vẫn chưa dám thông báo rộng rãi với dân làng…

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng việc làm của nhóm đã nhận được hưởng ứng tích cực. Người góp của, người góp công, có người tự nguyện cung tiến đạo sắc phong mà họ sưu tầm được hoặc đã bỏ tiền mua từ lâu và đang lưu giữ. Thái độ tôn trọng với những giá trị văn hóa truyền thống thông qua những việc làm ý nghĩa ấy đã truyền cảm hứng lớn trong xã hội.

Theo Mai An - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng