Văn nghệ trong nước
Kết tinh những mùa xuân đất nước
15:03 | 03/02/2021

Mùa xuân - mùa của vạn vật sinh sôi; mùa xuân đất nước từ khi có Đảng là mùa xuân của niềm tin và hy vọng trên khắp mọi miền… Đất nước và mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ điêu khắc Việt Nam.

Kết tinh những mùa xuân đất nước
Một góc triển lãm "Mùa xuân đất nước" - Ảnh: Ng. Phương

Diện mạo điêu khắc Việt

Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2021) và mừng Xuân Tân Sửu 2021, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang diễn ra triển lãm điêu khắc “Mùa xuân đất nước", trưng bày 36 tác phẩm của 29 tác giả thuộc nhiều thế hệ từ mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật kháng chiến cho đến nay.

Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, các tác phẩm trong triển lãm có nhiều chủ đề khác nhau, như ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu được thể hiện qua các tác phẩm: “Đảng là mẹ hiền” của Phạm Xuân Thi, “Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890 - 1969” của Vương Học Báo, “Xuân 1975” của Trần Tía, “Nghe lời non nước” của Vũ Ngọc Khôi, “Bác Hồ đi tìm đường cứu nước” của Diệp Minh Châu... Chủ đề về xây dựng cuộc sống mới cũng được khắc họa sinh động trong: “Đường cày đảm đang” của Trần Thiết, “Sức trẻ” của Phạm Ngọc Tuân... Đặc biệt, chủ đề mùa xuân được các tác giả cảm nhận và thể hiện qua các tác phẩm: “Tiếng đàn” của Tạ Quang Bạo, “Hội chèo thuyền” của Ninh Thị Đền, “Vũ điệu mùa xuân” của Trần Việt Hà...

Bên cạnh sự kế thừa truyền thống của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian hay khuynh hướng cách điệu hóa, nhiều tác giả đã có thay đổi đáng kể về tạo hình như: “Thổi khèn” của Hứa Tử Hoài, “Ngày hội Hai Bà Trưng” của Phạm Văn Định, “Uống rượu cần” của Đinh Rú... Sau thời kỳ Đổi mới cho đến nay, khuynh hướng sáng tác hiện đại được các nghệ sĩ lựa chọn với những phong cách nghệ thuật riêng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt về các vấn đề xã hội một cách trực tiếp hoặc ẩn dụ, như “Quà tặng của biển” của Hoàng Mai Thiệp, “Bầu sữa” của Nguyễn Khắc Quân, “Đồng đội” của Vũ Hữu Nhung...

Nhà nghiên cứu - phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết: Các tác phẩm này được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tầm từ triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ I, năm 1973, tập hợp điêu khắc của các nghệ sĩ bậc thầy, như Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm với tác phẩm theo khuynh hướng cổ điển… Sau này cứ 10 năm có một triển lãm toàn quốc, và đã có 4 lần triển lãm như vậy. Triển lãm gần đây nhất có thế hệ điêu khắc mới, mở rộng điêu khắc đương đại.

“Bởi vậy, có thể thấy, trưng bày này nói lên diện mạo của điêu khắc Việt Nam, nhìn được đường đi của các thế hệ nghệ sĩ và kết tinh lại thành những tác phẩm về mùa xuân đất nước. Mỗi tác phẩm thể hiện một giai đoạn lịch sử, mùa xuân của Việt Nam trong quá trình đấu tranh cách mạng, đồng thời thể hiện những đổi mới trong khuynh hướng nghệ thuật, chất liệu thể hiện, ý nghĩa nhân sinh, triết học trong ngôn ngữ điêu khắc…” - bà Nguyễn Hải Yến nhận định.
 

Mạch nối các thế hệ

Tác giả của bức tượng đồng “Huyền thoại mẹ” - nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường tham quan triển lãm, xúc động bắt gặp đứa con tinh thần của mình bên cạnh tác phẩm của các thế hệ đàn anh, bạn bè sau nhiều năm. Ông nhớ lại ý tưởng ra đời tác phẩm: “Khi còn trong quân ngũ, sau một trận đánh, thấy đơn vị hy sinh nhiều, Đại đội gần 60 người, nhưng ra khỏi chiến dịch còn có mấy tay súng, đồng chí chỉ huy đã nói trong xúc động: 'Chúng ta đánh nhau mà đồng đội hy sinh nhiều thế này thì các bà mẹ Việt Nam làm sao sinh kịp để đưa quân vào chiến trường'. Đó là chuỗi bi tráng, anh hùng ca của dân tộc Việt Nam".

Văn học nghệ thuật đã nói nhiều về sự vĩ đại của người mẹ, từ mẹ đào hầm, nuôi giấu người con hoạt động bí mật… Nhưng dường như chưa ai nói tới việc bà mẹ sinh con để phục vụ kháng chiến - những người mẹ đã thầm lặng hy sinh những người con, gửi gắm cả niềm tin và hy vọng vì tương lai chung của dân tộc.

Từ suy nghĩ ấy mà tác phẩm “Huyền thoại mẹ” đã được nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác theo khuynh hướng trừu tượng, không tạo khối vuông hay khối tròn đơn thuần, mà tạo góc cạnh, mảng miếng. “Tôi đặt tên cho tác phẩm là 'Huyền thoại mẹ' như hình ảnh một người mẹ Tổ quốc, không hẳn là một bà mẹ cụ thể, mặc dù trong thâm tâm đó chính là mẹ tôi”...

Lần đầu tiên, nhiều nghệ sĩ và cả công chúng có thể gặp lại những hình ảnh đẹp đẽ nhất của điêu khắc Việt Nam. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét, ở đó có sự kế thừa, tiếp nối giá trị của điêu khắc cổ điển Việt Nam thế kỷ XV, XVI, XVII. Ở đó cũng thể hiện những xúc cảm chân thành của nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống, và từ hình ảnh của người Việt đã tạo nên những tác phẩm kinh điển, mà cho đến nay, vẫn chưa bao giờ cũ. Bên cạnh đó là tác phẩm của những nhà điêu khắc nhiều thế hệ, làm nên nền điêu khắc hiện đại đa dạng về ngôn ngữ tạo hình, đưa đến cho người xem cái nhìn chân thực, sinh động về tình yêu cuộc sống và con người trên mọi miền đất nước.

Mỗi tác phẩm điêu khắc là mùa xuân của một giai đoạn lịch sử Việt Nam. “Món quà xuân này thật có ý nghĩa khi diễn ra trong thời gian Đại hội Đảng toàn quốc, gửi gắm tình cảm chân thành của các nghệ sĩ và kỳ vọng rằng thập niên thứ ba của đất nước trong thế kỷ mới chắc chắn sẽ có cuộc xoay chuyển đẹp đẽ không kém cuộc đổi mới lần thứ nhất vào những năm 1980. Và riêng giới mỹ thuật, chúng tôi đang chờ đợi cuộc đổi mới lần hai cho mỹ thuật đương đại Việt Nam” - ông Lương Xuân Đoàn nói.

 
Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng